Kỳ thi TS ĐH, CĐ năm 2010: Giảm hồ sơ ảo, cách nào?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:12, 09/01/2010
Một trong những vấn đề cũ nhưng luôn làm đau đầu những người trong cuộc là số lượng hồ sơ ảo, gây lãng phí và khó khăn cho các cơ sở đào tạo, lại được đem ra bàn thảo với 2 giải pháp: tăng lệ phí thi thêm 10.000 đồng/hồ sơ, nộp 1 lần khi đăng ký dự thi (ĐKDT) và thí sinh chỉ được nộp 1 hồ sơ vào 1 trường có nhiều ngành, trước ngày thi sẽ lựa chọn 1 ngành để dự thi. Đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế.
Chỉ giảm lỗ, không giảm hồ sơ ảo
Năm 2009, số lượng hồ sơ ĐKDT giảm 3,2% so với năm 2008 nhưng số thí sinh dự thi đạt 69,23%, tăng 0,15% so với năm 2008. Đây được đánh giá là một thành công của kỳ thi tuyển sinh năm ngoái, bởi đã có sự đảo chiều của số lượng ĐKDT và tỷ lệ đến thi. Những năm trước, tình hình luôn là ĐKDT tăng nhưng tỷ lệ đến thi giảm. Dẫu vậy, vẫn còn 30% số hồ sơ ĐKDT là ảo, cũng có nghĩa là ngần ấy chỗ ngồi, tương đương với gần 20 nghìn phòng thi, 40 nghìn giám thị… được các trường chuẩn bị cho thí sinh ảo. Tình trạng này khiến cho các trường luôn phải bù lỗ, hoặc tiết kiệm chi tiêu và chịu tiếng là trả thù lao thấp cho cán bộ, giáo viên.
Dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 sẽ có thay đổi nhằm tránh lãng phí và giảm số lượng thí sinh ảo. Ảnh: Viết Thành |
Để giúp các trường bớt khó khăn, Bộ GD-ĐT đang bàn bạc với Bộ Tài chính về phương án tăng lệ phí thi thêm 10.000 đồng 1 hồ sơ và thu một lần khi thí sinh ĐKDT thay vì chia thành lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi như trước. Nếu phương án này được chấp thuận, các trường sẽ vơi đi một phần khó khăn nhưng chưa chắc đã hết lỗ bởi sẽ phải chi tiền thuê địa điểm, bồi dưỡng giám thị, giám khảo với mức cao hơn năm ngoái. Song quan trọng hơn, việc tăng lệ phí thi không có tác dụng làm giảm số lượng hồ sơ ĐKDT ảo, bởi khi các gia đình đã quyết bán bò để cho con đi thi thì họ sẽ không vì tiết kiệm 10.000 đồng mà để mất đi một cơ hội chọn lựa. Sự lãng phí này là số tiền không nhỏ.
Một giải pháp được nêu ra trước ngày diễn ra hội nghị là thí sinh chỉ được nộp 1 hồ sơ ĐKDT vào 1 trường có nhiều ngành và sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng vào ngày đến làm thủ tục dự thi. Về lý thuyết, giải pháp này sẽ giảm được một tỷ lệ hồ sơ ảo nhưng sẽ gây khó khăn cho các trường và thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi. Thực tế cho thấy, hằng năm, số thí sinh khai nhầm mã ngành, mã trường không ít mặc dù các em có thời gian khá dài để làm hồ sơ. Trong hồ sơ ĐKDT của thí sinh phải có xác nhận của trường THPT nơi thí sinh đang học đối với thí sinh là học sinh lớp 12 hoặc của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đối với thí sinh tự do nhằm bảo đảm tính pháp lý của hồ sơ. Nếu đến ngày thí sinh làm thủ tục dự thi mới đăng ký ngành thì lấy gì làm căn cứ nếu có khiếu kiện xảy ra?
Sơ tuyển - quyền tự chủ của các trường
Theo số liệu thống kê năm 2009, số thí sinh thi khối A đạt từ 13 điểm trở lên là 211.945 thí sinh trong tổng số 566.930 thí sinh dự thi; các con số này ở khối B là 117.755/252.425, khối C là 53.405/91.781, khối D1 là 52.806/162.151. Đây là những thí sinh có khả năng trúng tuyển. Trên thực tế, với quyết định điểm sàn của Bộ GD-ĐT, đã có 700.000 thí sinh không có cơ hội vào ĐH. Trong đó, số thí sinh chỉ được 10 điểm 3 môn thi là 457.733. Con số thống kê này cho thấy, có đến gần nửa triệu thí sinh thi cho vui và hy vọng vào sự may rủi. Nếu tính theo khối thi, số thí sinh thi khối A được từ 10 điểm trở xuống là 246.106 thí sinh, tương đương 45% số thí sinh dự thi; khối B là 67.580, chiếm 27%; khối C 18.677, tỷ lệ 20%. Nửa triệu thí sinh, với bình quân mỗi thí sinh nộp hơn 2 hồ sơ ĐKDT thì đã có 1 triệu hồ sơ vô giá trị.
Thí sinh dự thi tuyển tại Trường Đại học Ngoại thương năm 2009. Ảnh: Viết Thành |
Giải bài toán giảm số lượng thí sinh ảo không chỉ có ý nghĩa giảm khó khăn cho khâu tổ chức thi như phải thuê địa điểm xa, chấp nhận cả những trường tiểu học; huy động số lượng lớn giám thị; in số lượng lớn đề thi… mà còn là giảm sự lãng phí cho các gia đình của nửa triệu thí sinh thực sự không có khả năng vào ĐH. Khó có lời giải duy nhất cho bài toán này nhưng có thể căn cứ vào chính lực học của thí sinh để tạo ngưỡng. Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã rất nỗ lực tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc để tăng độ tin cậy của kết quả kỳ thi này với mong muốn sẽ chỉ còn tổ chức một kỳ thi sau THPT, vừa xét tốt nghiệp vừa làm một căn cứ để các trường ĐH xét tuyển. Mặc dù lãnh đạo nhiều trường ĐH băn khoăn trước chủ trương này của Bộ bởi trên thực tế, kỳ thi tổ chức ở địa phương, dẫu có coi thi theo cụm và chấm chéo thì kết quả không thể đánh giá chính xác khả năng của thí sinh bằng kỳ thi ĐH, nhưng họ đều cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp có thể lấy làm tiêu chuẩn để được dự thi. Coi điểm thi của một hoặc một số môn thi tốt nghiệp làm điểm sơ tuyển sẽ hạn chế được số lượng không nhỏ thí sinh sức học dưới trung bình ĐKDT.
Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, "ngưỡng" để được ĐKDT không nên do Bộ GD-ĐT quy định mà nên giao cho các trường ĐH tự quyết. Làm như vậy sẽ không gây xáo trộn lớn và phù hợp với yêu cầu về đầu vào của từng trường. Để thực hiện sơ tuyển qua kết quả tốt nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn, bởi hồ sơ ĐKDT làm từ tháng 3, nhưng tháng 6 mới có kết quả thi nhưng không phải là không thể triển khai được. Sẽ có 2 bước loại bớt số lượng hồ sơ ảo. Một là khi làm hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải cân nhắc xem liệu mình có thể đạt tiêu chuẩn trường đề ra hay không. Hai là, ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, căn cứ vào điểm thi và tiêu chuẩn do các trường quy định, thí sinh sẽ quyết định dự thi trường nào và nộp lệ phí dự thi thay vì để đến trước ngày thi như hiện nay. Thời gian từ khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đến khi thi tuyển sinh vào đầu tháng 7 là khoảng 3 tuần, đủ để các trường có thể hạn chế được sự lãng phí do thí sinh ảo gây nên.
Không thể có lời giải tối ưu cho bài toán thí sinh ảo nhưng giao quyền cho các cơ sở đào tạo được tạo "ngưỡng" và thay đổi thời gian nộp lệ phí dự thi có lẽ là lời giải đúng nhất trong điều kiện hiện nay. Đây còn là một bước tập dượt giúp các trường chuẩn bị phương án tuyển sinh khi chỉ còn một kỳ thi quốc gia sau THPT.