Tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 08/01/2010
Tại phòng “một cửa” của Sở KHCN Hà Nội.
Và càng đúng hơn khi ai cũng đồng ý rằng, trình độ khoa học - công nghệ (KHCN) của Thủ đô là chưa xứng tầm so với tiềm năng sẵn có. Để hóa giải được những vấn đề này, cải cách TTHC là một giải pháp được Sở KHCN thành phố triển khai thành công trong năm qua và sẽ nỗ lực có những cải tiến trong năm tới.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết: Một vài năm trở lại đây, ngoài việc tăng cường đầu tư tiềm lực, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để tạo những bước phát triển đột phá cho hoạt động KHCN. Đó là việc hình thành 12 chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2010-2015, ấn định thời gian xét duyệt các đề tài, đổi mới cách tuyển chọn đề tài, dự án KHCN.
Năm 2009, Sở KHCN đã tập trung rà soát, xây dựng, công bố 30 bộ TTHC, trên cơ sở đó tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục quản lý nhằm bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Sở tham mưu với UBND TP ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án, phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ phận khi quản lý các đề tài, dự án KHCN. Việc thực hiện quy trình quản lý mới đã nâng cao số lượng, chất lượng "đầu vào", rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch và thẩm định thuyết minh từ 9 tháng xuống còn 4 tháng. "Sở cũng thực hiện phân cấp nhiệm vụ đến từng chuyên viên để khi không hoàn thành nhiệm vụ có thể kiểm tra xem công việc đang "ách" ở đâu, để kịp thời có hướng xử lý" - TS Lê Xuân Rao cho biết thêm.
Nhằm có được những đề tài khoa học đem lại hiệu quả cao, Hà Nội cũng đã mời các nhà khoa học, nhà quản lý của các bộ, ngành tham gia tư vấn "đầu vào" cho các đề tài, dự án nhằm tránh sự trùng lặp với các đề tài đã thực hiện ở các cấp khác nhau. Đến nay, đã có 126 chuyên gia tham gia các ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp thành phố để thực hiện chức năng phản biện, tư vấn danh mục, nhiệm vụ KHCN, tham gia quản lý đề tài, dự án và xây dựng kế hoạch KHCN hằng năm... Nhờ chặt chẽ trong khâu tuyển chọn nên từ 231 hồ sơ đăng ký đề tài, dự án cho kế hoạch năm 2010, Sở KHCN lựa chọn được 98 đề tài (chiếm khoảng 46%). Con số ấy hẳn nói lên nhiều điều, cụ thể là hướng đến việc nâng tầm chất lượng cho kết quả của các đề tài, dự án KHCN...
Liệu có "lực bất tòng tâm"?
Những đổi mới trong cách thức tuyển chọn, quản lý các đề tài, dự án KHCN của Hà Nội bước đầu đã đem lại hiệu quả là thực tế đáng ghi nhận. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, cách làm của Hà Nội cũng không thể thoát ly được những quy định chung, đặc biệt là vấn đề tài chính cho KHCN vốn còn nhiều bất cập. Trong khi đây chính là vấn đề cốt tử nhất đối với giới khoa học.
GS Trần Đình Long (chủ nhiệm chương trình KHCN về phát triển nông nghiệp) cho biết: Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ chế quản lý KHCN, nhưng đây mới chỉ là điều kiện "cần" mà thiếu yếu tố "đủ". Cụ thể là quy định hiện hành không cho phép chủ nhiệm đề tài được tự chủ trong chi tiêu. Hoặc như đã thành "lệ", nhà khoa học cứ dự toán kinh phí là con số A thì bên tài chính lại "xén" bớt thành số B trong khi vẫn giữ nguyên nhiệm vụ nghiên cứu...
Cũng có một thực tế khác là Hà Nội tuy tập trung số đông nhà khoa học nhưng chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu được trang bị khá vững về lý thuyết nhưng còn hạn chế về năng lực thực hành, kỹ năng về công nghệ. Đặc biệt, hệ thống các cơ sở nghiên cứu của Hà Nội chưa theo kịp tình hình phát triển của Thủ đô. Thành phố chưa có cơ sở thí nghiệm hiện đại, đầy đủ phương tiện để giải quyết các vấn đề bức xúc như ô nhiễm nguồn nước, đất, gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của nhân dân như một số vụ việc xảy ra gần đây. Số cán bộ khoa học tại các doanh nghiệp còn quá ít. Mối liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất chưa được củng cố trên cơ sở khai thác thế mạnh của cả hai phía.
Năm 2010, trong nỗ lực cải cách TTHC, Sở KHCN đã ấn định thời điểm thẩm định xong tất cả các đề tài, dự án trước ngày 15-3-2010. Chậm nhất là 15 ngày sau khi nghiệm thu cấp cơ sở, các đề tài, dự án sẽ được đưa lên nghiệm thu ở cấp thành phố.
Hà Nội hiện tập trung hơn 80% trường ĐH, CĐ, 113 cơ quan nghiên cứu khoa học, trong đó số GS, PGS, TS và TSKH đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học của cả nước. Trên địa bàn cũng có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia... Nguồn: Sở KHCN Hà Nội |