Góc nhìn: Kẽ hở!

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 07/01/2010

(HNM) - Các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan đang dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật Lao động (sửa đổi, bổ sung).

Từ khi được ban hành năm 1994 và qua những lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007, đến nay Luật Lao động cần phải được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn là điều cần làm.

Theo đánh giá chung, dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động có khá nhiều điểm mới và được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế dựa trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực tiễn thực hiện trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay. Cụ thể, dự luật đã nâng mức lương thử việc từ 70% lên 80% so với lương khởi điểm và không thấp hơn mức lương tối thiểu; thời gian làm thêm giờ cũng được nâng từ 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm. Đặc biệt, dự luật còn quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức đào tạo để nâng cao trình độ nghề cho người lao động (NLĐ) đang làm việc tại DN; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác trong doanh nghiệp và hằng năm phải dành kinh phí cho việc nâng cao trình độ nghề của NLĐ để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những nghề, công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trình độ ngoại ngữ nhất định...

Theo ý kiến của nhiều lao động, trong dự luật hiện còn một số điều chưa hợp lý như xác định loại hình hợp đồng lao động. Bởi theo dự luật, người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi ký hợp đồng lao động có thời hạn chỉ từ 12 tháng trở lên mà không khống chế mức trần cho loại hợp đồng này. Theo Luật Lao động hiện hành, hợp đồng lao động xác định thời hạn là từ 12 tháng đến 36 tháng. Nếu không khống chế mức trần, có thể sẽ tạo điều kiện cho NSDLĐ lách luật bằng cách ký hợp đồng thời hạn 5 năm, 7 năm hoặc nhiều hơn nữa mà không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với NLĐ. Với kiểu lách luật này, NLĐ sẽ bị "sa thải" khi hết hợp đồng lao động. Đồng thời, đây cũng là lúc sức khỏe NLĐ giảm sút, khó có thể tìm được việc làm ổn định trở lại.

Người Lao Động