Chuẩn bị cho mùa giải 2010: Sửa quy chế, VFF sắm thêm “gậy”!

Thể thao - Ngày đăng : 16:39, 06/01/2010

Mỗi mùa giải luôn có hàng chục vụ việc và những vấn đề mới phát sinh. Bản quy chế kỷ luật VFF năm 2010 bổ sung thêm nhiều điều, khoản mới, mà nói một cách hình ảnh thì VFF đã tự sắm cho mình những cây gậy.


Ăn vạ: Treo giò!

Mùa 2009 là mùa của câu giờ, khi có gần nửa các CLB đều lạm dụng tiểu xảo làm chậm nhịp độ trận đấu. Thậm chí cả đội cùng “câu”. Nhưng mùa tới, việc các cầu thủ câu giờ có thể khiến họ bị treo giò ở các lượt trận tiếp theo. Điều này được ghi rõ trong điều 45 về Hành vi câu giờ. Cụ thể: “Phạt 3.000.000đ và có thể bị đình chỉ thi đấu ít nhất là một trận đối với cầu thủ trong thi đấu có hành vi cố tình giả vờ đau, chuột rút, chỉnh đốn lại trang phục hay nhường quyền ném biên, đá phạt và các biểu hiện khác nhằm mục đích trì hoãn, chậm đưa bóng vào cuộc, kéo dài thời gian bóng chết, câu giờ mà trước đó đã bị trọng tài nhắc nhở hoặc tái phạm nhiều lần.

Cảnh pháo sáng như thế này sẽ không còn xuất hiện ở V-League 2010?


Với quy định này, chúng ta có thể chờ đợi cảnh cả đội bóng Quân khu 4 thay nhau nằm sân, vài cầu thủ thỉnh thoảng lại tuột dây giày, tụt vớ (tất), sẽ không còn tái diễn.

Đốt pháo sáng lần 2: đóng cửa sân

Nạn ném đồ vật xuống sân từ phía các khán đài là biểu hiện của một nền bóng đá chưa thực sự văn minh. Cuộc chiến chống lại sự hung dữ và phi luật của các khán giả cũng có thêm điều khoản đáng kể. Không còn cơ hội để dung dưỡng và nương tay, kiểu như sân Lạch Tray đốt pháo sáng quanh năm mới chỉ một lần bị phạt nặng.

Căn cứ theo quy định mới thì chỉ cần một lần tái phạm, là lệnh đóng cửa sân hay chuyển sang sân trung gian sẽ được thực hiện. Khoản 2, điều 64 về “Vi phạm an ninh, an toàn tại trận đấu” quy định: « Cảnh cáo và phạt tiền từ 15.000.000đ đến 25.000.000đ nếu BTC trận đấu không kịp thời can thiệp để xảy ra tình trạng đốt lửa, đốt pháo (bất kể loại pháo nào) trong sân vận động hoặc các sự việc khác làm hoang mang hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khán giả, đội bóng. Nếu tái phạm, CLB, đội bóng có thể phải thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian ».

Chỉ có điều, nếu CLB nào đó hoặc ngay bản thân những người ra quyết định muốn lách thì vẫn có thể bởi liệu 2 vụ đốt pháo thực hiện ở 2 mùa khác nhau có bị coi là tái phạm ? Một lỗ hổng nhỏ của quy chế mỗi năm một lần chỉnh sửa?

Cấm tới sân: VFF lại phạm luật?

Khi VFF cấm Hội CĐV Hải Phòng tới sân sau vụ gây loạn ở sân Hàng Đẫy mùa 2009 thì đó đã là một bản án không có hiệu lực vì nó đi ngược lại những điều quy định trong Hiến pháp và luật của Việt Nam (như tự do đi lại và hội họp). Cuối cùng thì các CĐV Hải Phòng vẫn đi xem, vẫn tụ tập ở bất cứ sân bóng nào họ thích, họ chỉ việc không mặc áo của CLB hay của Hội. Và các CĐV Hải Phòng cũng tính tới cả khả năng đưa VFF ra tòa vì quyết định “vi hiến” ấy.

Giờ thì VFF quy định cụ thể hơn, rõ ràng và chặt chẽ hơn. Điều 67 quy định: “Cổ động viên của CLB, đội bóng nào vi phạm kỷ luật, gây rối làm mất trật tự công cộng, gây mất an ninh, an toàn trước, trong và sau trận đấu, làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu thì: 1) Cá nhân, tập thể đó có thể bị cấm có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn vào sân vận động…

Nhưng vấn đề không nằm ở việc quy chế của VFF bị thủng. Bởi tự bản thân quy chế của VFF không phải là một văn bản pháp luật, nó chỉ đơn thuần là luật chơi của một tổ chức xã hội và nó phải tuân theo luật pháp quốc gia.

Nói cụ thể hơn, các quy định của VFF không thể đi ngược lại Hiến pháp và các bộ luật-một vấn đề không mới và cũng không phải xa lạ với VFF. Cách đây gần 2 năm, VFF quy định các bản hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp và HLV chỉ có thời hạn tối đa 3 năm. FIFA quy định tối đa 5 năm. Nhưng Luật Lao động Việt Nam lại chỉ quy định 3 năm là tối đa cho loại xác định thời hạn. Tức là sự điều chỉnh nói trên là để gò vào khuôn khổ của Luật.

Các nước cấm Hooligan  tới sân bằng cách nào?
Ở nước ngoài, nhất là châu Âu, hầu hết các giải bóng đá đều có lệnh cấm tới sân đối với một hoặc một nhóm CĐV. Điều đó không mới. Nhưng để lệnh cấm đó có hiệu lực, có thể thực thi thì Liên đoàn và Bộ Thể thao ở mỗi nước đều phải đệ trình lên các cơ quan chức năng (Quốc hội, Chính phủ, Liên minh châu Âu…) về sự cần thiết để cho ra đời một bộ luật tạm gọi là phòng chống bạo lực trong thể thao. Từ bộ luật này, mới quy định cụ thể về việc cấm CĐV tới sân. Thụy Sĩ khi tổ chức EURO 2008 đã phải tạm thời ban hành một đạo luật như thế để thực hiện lệnh cấm các hooligan tới sân.

Các bước tiến hành phần lớn được thực hiện như sau: Cơ quan an ninh đệ trình danh sách và các bộ hồ sơ vụ việc kèm theo để Viện công tố và Tòa án ra lệnh cấm, rồi đến lượt các cơ quan chức năng khác sau đó thừa hành.

Bỏ trận đấu, bỏ giải: Phạt nặng cả tập thể và cá nhân
Vụ kiện bất thành của Sài Gòn United đưa VFF lên Tòa án Thể thao quốc tế, sau sự cố Thành Nghĩa Quảng Ngãi bỏ cuộc, cũng đã ít nhiều khiến VFF phải siết chặt và đưa ra những mức án mang tính răn đe hơn nữa. Điều 66 của quy chế ghi rõ : « CLB, Đội bóng trong quá trình thi đấu nếu tự ý bỏ cuộc không tiếp tục trận đấu với bất cứ lý do nào sẽ bị phạt tiền tối thiểu 100.000.000đ, bị loại khỏi giải và phải xuống thi đấu ở giải hạng ba vào mùa bóng sau. Toàn bộ kết quả thi đấu (nếu có) của đội bóng khác đối với đội bóng này đều bị huỷ bỏ. Người chủ mưu bị phạt 10.000.000đ và bị cấm 5 năm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN tổ chức. Trường hợp không phát hiện được người nào chủ mưu thì Trưởng đoàn (hoặc người có trách nhiệm cao nhất của CLB, đội bóng tại trận đấu đó), HLV trưởng, Đội trưởng sẽ bị phạt như người chủ mưu”.

Theo TT&VH