Cho những mùa xuân bất tận
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:30, 06/01/2010
Đi qua những mùa thương nhớ
"Êm giặc - anh lại về với em" - lời hẹn ước trong đêm năm 1946 ở làng Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu) của chàng trai 19 tuổi Nguyễn Văn Tàu với người vợ trẻ mới cưới vài tháng vậy mà đã đi qua suốt hai cuộc kháng chiến, chống Pháp rồi đánh Mỹ. Con gái sinh ra phải mang họ mẹ, người vợ hiền nuốt nước mắt vào lòng, rời bỏ làng quê tạm lánh lên Sài Gòn. Cuộc đời người sỹ quan tình báo lắm mối hiểm nguy, gia đình, người thương yêu phải giấu kín tận đáy lòng. Tám năm đánh Pháp không một lần gặp mặt vợ con. Ngày đình chiến, không kịp gặp mặt đã lên tàu ra Bắc tập kết, cứ ngỡ xa nhau thêm hai năm nữa thôi; nhưng rồi bảy mùa xuân lặng lẽ trôi qua, nước mắt cuộc chia ly đêm nào vẫn ấm nóng trên vai, xua tan cái giá rét mùa đông của người chiến sỹ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu và vợ vui hưởng hạnh phúc tuổi già.
"Về Nam chiến đấu"! 100 ngày hành quân, băng rừng, vượt suối trên đỉnh Trường Sơn vào đến chiến khu, Tư Cang phụ trách chỉ huy mạng lưới tình báo A18 (sau này là cụm H63). Ở Củ Chi, ông gặp lại Sáu Ảnh (vợ mình), cuộc gặp ngắn ngủi, chỉ đủ biết rằng "người thương nhớ" năm nào vẫn còn đó giữa bom đạn chiến tranh. Món quà tặng vợ - chiếc đồng hồ, trở thành kỷ vật tình yêu đếm tiếp thêm 14 năm xa cách nối dài. Mà lần này, khoảng cách chỉ còn là một tầm với tay nhưng lại "xa nhau" ngàn dặm. Ông là chỉ huy cụm tình báo, vợ và con gái làm giao thông viên liên lạc, cùng hoạt động trong lòng Sài Gòn nhưng không thể "nhìn nhau". Có lúc ông tay trong tay dạo phố cùng nữ chiến sỹ khác, vợ chồng "lướt" qua nhau với vẻ xa lạ, không hề quen biết. Cuộc hẹn hò hiếm hoi cũng kỳ lạ, ông nhàn tản đứng hút thuốc, thả bộ trong công viên chỉ để thỉnh thoảng bâng quơ liếc nhìn thấy bóng dáng vợ hòa trong dòng người xuôi ngược, cho vơi nỗi nhớ mong.
Có những đêm giao thừa, trên nắp hầm địa đạo Củ Chi, ông dõi mắt nhìn về Sài Gòn "Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó. Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về…". Trong không khí tĩnh mịch của rừng đêm, giọng ru buồn buồn của người thiếu phụ từ bìa xóm xa vẳng lại nghe sao tha thiết, day dứt quá. Có những cái Tết vào thành công tác, đi ngang qua con hẻm nhà mà ông chẳng dám vào. Người sỹ quan tình báo "bắn súng hai tay như một" luôn dành sẵn cho mình 1 viên đạn cuối cùng để quyết tử hy sinh, bảo vệ an toàn mạng lưới tình báo, nhưng dằn lòng trước những người yêu thương mà tim đau nhói.
Những mùa xuân bình yên
Ngày 30-4-1975, Trung tá Tư Cang, Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316 cùng đoàn quân tiến về Sài Gòn. Những thôi thúc của cái chung lẫn cái riêng đã chắp cánh cho ông bay thẳng đến ngày giải phóng.
Khuya đó, ông về đến trước cửa nhà hồi hộp cất tiếng gọi tên con "Nhồng ơi"! Vợ ông chạy ra mừng líu ríu, giọng đứt quãng: "Anh về đó hả? Em biết mà…". Sau gần 30 năm xa cách, hạnh phúc đã đến thật sự trong vòng tay siết chặt mà cứ tưởng như giấc mơ. Cháu ngoại ông thức giấc, bập bẹ theo lời mẹ dạy: "Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại". Hạnh phúc rưng rưng, chiến tranh dài thật! Chàng trai 19 tuổi ngày nào từ biệt vợ đi theo tiếng gọi non sông "lên đàng", ngày toàn thắng trở về đã là ông ngoại. Hòa bình vĩnh viễn rồi, độc lập thật sự rồi! Vượt qua những mùa thương nhớ, mùa xuân mơ ước đầu tiên đến muộn trong gia đình ông, nồng thắm nở hoa trong vô cùng, vô tận, hòa chung với niềm vui của dân tộc, mùa xuân vĩ đại đã đi vào lịch sử.
Chiến tranh đi qua, mùa xuân mãi mãi dừng lại trong ngôi nhà nhỏ ấy. Nghe ông nhắc lại từng đồng đội đã mãi mãi không trở về mới thấu hiểu hạnh phúc bình yên "mỗi chiều được ngồi uống tách trà cùng vợ dưới gốc me sân nhà" quý giá đến nhường nào!
14 năm (1961-1975), Cụm tình báo huyền thoại H63 đã ẩn mình đi suốt cuộc chiến, không hề bị lộ. 27 người đã hy sinh. 45 chiến sỹ tình báo đã cùng nhau viết lên bản anh hùng ca về tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Mãi mãi còn đó "Điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn, nhạc trưởng tài ba Tư Cang, "hoa trong tuyến lửa" Mỹ Nhung… những nốt nhạc trầm hùng nối dài bất tận.