Đưa hàng Việt về nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 06/01/2010

(HNM) - Các doanh nghiệp (DN) của TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị hàng hóa cho đợt


Đông đảo người dân tập trung mua hàng tại phiên chợ ở Bình Dương.


Bất ngờ từ những phiên chợ hàng Việt

Kể từ phiên đầu tiên ngày 8-3-2009 được tổ chức tại tỉnh An Giang, đến nay đã có 18 phiên bán hàng về nông thôn tại 3 miền đất nước. Từ những tỉnh gần TP Hồ Chí Minh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, DN TP còn mang hàng Việt đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, doanh thu của các DN qua 18 phiên chợ là 18.000 tỷ đồng, một kết quả khá "bất ngờ" với thị trường vốn chưa được ưa chuộng từ trước đến nay. Tuy nhiên, thành công của chương trình không chỉ là doanh số bán hàng mà là việc tổ chức hệ thống phân phối, cũng như giới thiệu hàng Việt - loại hàng "tốt mà rẻ" - về thị trường nông thôn. Thông qua các đợt bán hàng này, DN đã xây dựng kế hoạch phát triển cùng phương pháp, kỹ năng và công cụ phát triển thị trường nông thôn; bên cạnh đó nâng cao chất lượng kết nối giữa thị trường nông thôn và nguồn cung ứng từ các công ty sản xuất, hình thành mạng lưới phân phối lâu dài cho hàng Việt sau này, một thị trường nhiều tiềm năng mà trước đây DN vẫn chưa thực sự quan tâm và chú trọng.

Không chỉ đem lại lợi cho DN, chương trình còn đem đến cho bà con vùng nông thôn những lợi ích khác như khám, chữa bệnh miễn phí, tặng học bổng học sinh nghèo, tư vấn tiêu dùng… Ông Trần Hữu Đức, GĐ Đối ngoại Công ty Sữa Nutifood kể, trong các chuyến hàng về nông thôn khi đi bán hàng, đơn vị này đều có đội ngũ tư vấn là bác sĩ đi cùng để hướng dẫn người nông dân cách tiêu dùng. Qua các câu chuyện kể của người mua nông thôn, nhiều người đã phản ánh là mặc dù cho con uống sữa đắt tiền nhưng con vẫn không phát triển như mong muốn. Lý do là vì mua sữa đắt tiền cho con, nhưng vì uống sữa đắt tiền nên "đuối", nhiều bà mẹ đã pha không đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất mà pha loãng hơn và pha thêm… đường để đủ lượng. Kết quả là trẻ bị suy dinh dưỡng bởi lượng dưỡng chất đưa vào cơ thể không đủ. Chất của sữa thì bảo đảm, nhưng lượng không đủ nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Vì vậy, một sản phẩm hàng Việt phù hợp với thu nhập của người nông thôn là hiệu quả nhất.

Sẵn sàng cho năm 2010

Mặc dù đã biết thị trường nông thôn là một thị trường tiềm năng, nhưng nhiều DN cho biết thật sự bất ngờ với sức mua ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Những đợt đưa hàng về nông thôn của DN và BSA thật sự là những "ngày hội" của bà con vùng sâu, vùng xa. Là đơn vị đã đồng hành 13 trong tổng số 18 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, ông Đức so sánh "sức mua 2 ngày ở nông thôn bằng 6 ngày ở thị xã". Trong hai đợt bán hàng ở TP Pleiku và huyện Đắc Min (tỉnh Đắc Nông), doanh thu 6 ngày ở Pleiku là 60 triệu đồng và doanh thu 2 ngày bán ở Đắc Min cũng 60 triệu đồng! Trong đợt bán hàng về Tân Hóa, cách thị xã Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương khoảng 10km, doanh thu không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, khi di chuyển đến rừng cao su Long Nguyên, vị trí cách thị xã Thủ Dầu Một chừng 40km thì doanh số tăng vọt và gần như tất cả các DN đều hết sạch hàng.

Tuy nhiên, doanh thu cũng vẫn chưa phải là mục đích chính của các DN bán hàng về nông thôn. Ông Văn Đức Mười, Phó TGĐ Công ty Vissan cũng cho biết, khi đưa hàng về nông thôn, DN không kỳ vọng hiệu quả là doanh thu mà là đưa được tên tuổi hàng Việt ra thị trường nông thôn và giúp người nông dân định hướng được tiêu dùng sản phẩm. Ở khía cạnh này, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã thành công. Vì vậy, cùng với chương trình của BAS, DN này còn tự tổ chức các chuyến bán hàng của mình. Qua các đợt bán hàng trước, Vissan đã nghiên cứu nhu cầu của người nông thôn và đưa ra 7 sản phẩm mới phù hợp với thị trường nông thôn về giá cả. Dòng sản phẩm mới này thấp hơn giá thị trường 20% và đã được người tiêu dùng nông thôn đón nhận rất nhiệt tình.

Ông Đức cũng cho biết, Nutifood đã đăng ký đồng hành với tất cả các chuyến về nông thôn mà BSA tổ chức trong năm 2010. Để hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân sử dụng sản phẩm, đơn vị này đã tách các sản phẩm thành đơn vị nhỏ, giá bán dưới 20.000 đồng cho phù hợp với người nông dân, cũng như để họ "dùng thử" trước khi quyết định mua sản phẩm.

Từ những ngần ngại ban đầu, hiện đã có rất nhiều DN hưởng ứng và cam kết đồng hành lâu dài cùng các phiên hàng Việt về nông thôn, đem đến những sản phẩm tốt mà rẻ cho người dân, cũng như khuếch trương sự lớn mạnh của hàng Việt Nam, nền tảng chắc chắn cho sự phát triển của đất nước.

Đặng Loan