Mở đường cho văn học Việt ra thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 07:12, 06/01/2010

(HNM) - Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ II với tầm vóc quốc gia, do Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, sáng 5-1.


Tham dự có Ủy viên BCT, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Tô Huy Rứa; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TƯ Phùng Hữu Phú, cùng 150 đại biểu quốc tế từ hơn 30 nước trên thế giới và khoảng trên 400 nhà văn, dịch giả, nhà giáo, nhà văn hóa Việt Nam.


Các nhà văn Việt Nam và Mỹ tại hội nghị. Ảnh: Hữu Đố


"13.700 và 570" - sự chênh lệch day dứt!


Đó là hai con số khiến cho bất kỳ ai yêu mến, quan tâm đến văn học Việt Nam, một phần văn học, văn hóa của nhân loại cũng đều cảm thấy day dứt. Thống kê chưa thực sự đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới đã được xuất bản tại Việt Nam, trong khi đó mới chỉ có 570 tác phẩm của Việt Nam được dịch ra các ngôn ngữ trên thế giới. Một sự chênh lệch trong dịch xuôi và dịch ngược (trên thị trường cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có 25 cuốn sách dịch), trong tiếp nhận văn học nước ngoài, phổ biến văn học đất nước ra thế giới; sự không tương xứng của giao lưu văn hóa so với giao lưu chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - công nghệ, du lịch...

Trong khi đó, "sức mạnh" của giao lưu văn học trong việc tăng cường mối đồng cảm, chia sẻ giữa nước ta và các nước trên thế giới đã rất rõ ràng: "Giao lưu văn hóa, nhất là văn học có ý nghĩa sâu sắc mà không một giao lưu nào thay thế được. Nhiều dân tộc trên thế giới có cảm tình nồng hậu với nhân dân Việt Nam vì cuộc chiến đấu lâu dài, quả cảm để giành độc lập tự do. Nhưng để hiểu được tâm hồn, tính cách dân tộc Việt Nam... chắc chắn họ phải tìm đến văn học, tấm gương soi chiếu con người, đất nước, hệ giá trị người Việt" (Nhà thơ Hữu Thỉnh).

Và ngay tại buổi khai mạc này, các nhà văn Lào, Mỹ, Nga, Việt Nam... đều chung một nhận định, một mong mỏi: "Tác phẩm văn học Việt Nam có trên giá sách các nước còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với bề dày 100 năm văn học chữ viết của Việt Nam và cần phải để hương thơm nền văn học của dải đất hình chữ S này lan tỏa khắp hành tinh".

Câu chuyện dịch giả

Một trong hai mục đích lớn nhất của hội nghị quốc tế này là nhìn nhận, quy hoạch đội ngũ dịch giả. Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Dịch văn học là một công việc khó khăn, phức tạp, vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật, một công việc cần đến tài năng sáng tạo và tình yêu".

Vậy muốn tác phẩm chọn lọc đến với hàng triệu triệu người đọc trên thế giới, không gì khác hơn là phải chăm lo cho "công việc khó khăn" này, cho đội ngũ người dịch, nhất là dịch ngược (từ tiếng Việt ra các thứ tiếng nước ngoài). Nhưng thực tế, hiện nay đội ngũ dịch giả nước ta quá khiêm tốn, chưa được quy hoạch, dịch giả có kinh nghiệm vắng bóng dần; những người trẻ có năng lực đã xuất hiện nhưng chưa được bồi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ với Hànộimới: "Hiện nay ta có một số gương mặt dịch giả trẻ có khả năng như Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng; trẻ hơn có Đặng Chân Nhân tự viết và giới thiệu thơ bằng tiếng Anh... Tuy nhiên, nhiều khi sức ép của yếu tố thị trường khiến cho một tác phẩm dịch chưa đủ độ chín. Dịch 500 trang mà phải hoàn thành trong 3 tháng thì làm sao có thể nhuần nhuyễn, có thể lay động được, cho dù anh có năng lực". Nhà văn Mỹ Lady Borton, người mang rất nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với các nước nói tiếng Anh đã thốt lên: "Dịch là một công việc vất vả, gian khổ lắm, nhưng không ai sống được bằng nhuận dịch cả".

Dịch giả - người giải mã, người chuyển không chỉ một tác phẩm văn học mà là cả một gương mặt văn hóa đang rất cần sự quan tâm cụ thể ngay từ sau hội nghị này.

Mạch nguồn cộng hưởng

Buổi khai mạc mở đầu cho hàng loạt hoạt động trong khuôn khổ hội nghị từ nay đến ngày 10-1. Tuy nhiên, ý nghĩa của sự kiện này cũng không chỉ gói gọn trong chừng ấy đầu việc. Hội nghị bao giờ cũng bị giới hạn bởi vấn đề tổ chức. Còn những gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu giữa các nhà sáng tác, dịch giả, nhà xuất bản - mạch ngầm chuyển động của cuộc giao lưu này thì thực không giới hạn.

Sau hội nghị này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ khởi động việc thành lập Trung tâm Dịch thuật trực thuộc hội, cầu nối cho các hoạt động giao lưu, trao đổi tác phẩm văn học.

Ở tầm vóc quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: "Các bạn đã đến đây, với Việt Nam của quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi tin rằng đó sẽ là một sự khởi đầu mới. Sự khởi đầu cho tìm hiểu toàn diện nền văn học, văn hóa Việt Nam, khởi đầu cho việc dịch và giới thiệu văn học, văn hóa Việt Nam ra tất cả các châu lục. Tôi tin rằng Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan hữu trách khác, sẽ cùng làm việc đó với các bạn, giúp đỡ các bạn trong việc làm cao quý của mình".

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi cho rằng trong cuộc hội thảo tới đây, các nhà văn, dịch giả nước ngoài sẽ vẫn có sự quan tâm, tìm hiểu về văn học cổ Việt Nam. Đó là sự trở lại chung trong mối quan tâm của phương Tây đối với các giá trị phương Đông, trong đó có những giá trị riêng, độc đáo của thơ, văn Việt Nam.

Từ văn, thơ nhiều người đã lý giải về "sức mạnh" tinh thần của nhân dân Việt Nam. Tìm hiểu về văn học cũng là sự tìm kiếm các giá trị tinh thần của các dân tộc.

Dịch giả Lê Đức Mẫn: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dịch giả là điều đáng nói nhân hội nghị này: Ngay phần "cơ bản" nhất là ngoại ngữ thì việc đào tạo đã có những "đứt gãy". Sau năm 1990, khoảng 15 thứ tiếng không còn được dạy và học ở ngay trong một trường ĐH đào tạo ngoại ngữ. Bên cạnh đó, những người dịch thuật ở Việt Nam chưa có hội nghề nghiệp riêng của mình. Sau khi dịch thì quảng bá, giới thiệu cũng là khâu yếu.

Nhà thơ, dịch giả J.Fossenbell (Mỹ): Như rất nhiều người Mỹ, tôi yêu và quan tâm đến thơ ca cổ đại Việt Nam. Qua đây, chúng tôi hiểu thêm về các giá trị Việt Nam, tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, thơ ca Việt Nam bằng tiếng Anh ở Mỹ còn rất ít. Rất cần sự nỗ lực nhiều phía: Nhà nước, Hội Nhà văn, cá nhân nhà văn, dịch giả Việt Nam để mang các tác phẩm thơ ca tiêu biểu của đất nước các bạn đến với độc giả Mỹ và các nước khác.


Hà Dương ghi

Thi Thi