Tự vệ phố Hàng Bè

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 06/01/2010

(HNM) - Trong những kỷ vật của Bảo tàng Hà Nội còn lưu giữ tại đền Bà Kiệu có một chiếc chăn bằng da, nhiều bức ảnh quý về những người lính Trung đoàn Thủ đô năm xưa tham gia chiến đấu 60 ngày đêm tại Liên khu I anh hùng.


Chiếc chăn bằng da đó có nguồn gốc từ chiếc màn che cửa trong rạp Philamôních (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long) theo chân ông Hoàng Hải, Trung đội trưởng tự vệ phố Hàng Bè suốt những mùa kháng chiến. Ông cụ vừa ra đi cách đây vài tháng...

Các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô xem triển lãm các bức ảnh về Liên khu 1 anh hùng. Ảnh: Dương Hiệp

Mùa đông ở Liên khu I Hà Nội cuối năm 1946 đầu 1947 ảm đạm và khét lẹt mùi thuốc súng. Trong tư liệu gia đình Trung đội trưởng Hoàng Hải còn những dòng di cảo, tờ mờ sáng ngày 20-12-1946, những người lính Vệ quốc từ Bắc bộ phủ từng tốp tràn về khu phố, quần áo tả tơi sạm mùi thuốc súng. Họ cãi nhau, tranh luận với nhau về trận đánh hồi đêm, về sự hy sinh của Đại đội trưởng Lê Gia Định ôm bom tử thủ... cùng Bắc bộ phủ. Gương mặt đen sắt của họ như còn hằn sâu lòng căm thù và khí phách quả cảm qua một đêm đấu súng không cân sức với quân thù. Những người lính tự vệ sao vuông phố Hàng Bè đã nhanh chóng hòa nhập với anh em vệ quốc đoàn và ít lâu sau được phiên chế vào các đơn vị Vệ quốc.

Trận đánh đầu tiên do Trung đội trưởng Hoàng Hải (tức Dương Hằng) chỉ huy diễn ra trên đoạn đường chưa đầy 100m từ ngã tư Hàng Dầu - Lò Sũ đến ngã tư Lò Sũ - Lý Thái Tổ (hồi ấy là đường Admiral Courbet). Một tiểu đội lúc đó đang ở căn nhà góc phố Hàng Dầu có cửa sau trổ ra phố Lò Sũ được Đại đội trưởng Liêm (tức Liêm "Xồm", sau này là Thượng tướng Vũ Lăng) tay lăm lăm khẩu côn 12, lệnh cho Trung đội trưởng Hoàng Hải phải đưa tiểu đội băng qua đường sang phố đối mặt để đến Sở Máy điện, đưa anh em thương binh về. Băng qua đường lúc này là một cửa tử vì ở ngã tư Lò Sũ - Lý Thái Tổ, chiếc xe Háptrắc của địch đang chĩa khẩu 12,7 li kiểm soát cả đoạn phố. Đại đội trưởng Hoàng Hải chạy đầu tiên thoát, vì địch bất ngờ. Vài tiếng sau, vài ba người nữa cũng băng qua được. Chờ đến đêm mới đưa được thương binh về. Nhiều anh em thương binh chưa về đến trạm xá quân y đã tắt thở, anh em tự vệ phố Hàng Bè lại cáng vào chôn trong ngõ Trung Yên...

Nhiều thanh niên phố Hàng Bè lần đầu tiên đến bếp ăn tập thể thời chiến thấy rất vui và tự hào khi mình đã là một chiến sĩ đang sống đời lính ngoài mặt trận và mặt trận ấy lại gần kề với ngôi nhà tuổi thơ của mình và các trận đánh lại diễn ra trên những đường phố mà mấy tháng trước còn cắp sách đến trường. Cụ Thái Hy nhớ lại: "Bếp ăn tập thể đặt ở nhà bánh đậu xanh Giụ Nguyên phố Hàng Bạc, ở phía sau có lối ra ngõ Trung Yên. Ngày đêm cứ đói lúc nào vào đấy theo lối cổng sau là có ăn. Các chảo cơm, chảo thức ăn ngun ngút khói. Các chị nhà bếp và phục vụ cũng toàn là người trong phố hay buôn bán ở dưới chợ Hàng Bè. Mỗi lần đến ăn, các chị lại nhờ tìm nguồn thực phẩm. Dân "thổ công" phố Hàng Bè thì dễ dàng tìm ra những kho gạo ở phố Chợ Gạo, những sọt cá mắm ở phố Hàng Mắm... Duy chỉ có khoản rau xanh là khó nhất, nhiều lần phải vượt qua đê, ra các bãi trồng khoai ở ven sông để hái lá và mót củ.

Một buổi tối, liên lạc đến báo: Lệnh tập trung ở ngõ Phất Lộc trước 10h đêm. Lúc ấy mới 8h, cả trung đội tự vệ Hàng Bè được lệnh lên đường, nhiều người tranh thủ rẽ qua nhà tìm cái chăn len và mấy bộ quần áo. Quần áo thì đã có nhưng chăn thì chỉ thấy chăn bông. Có anh em sáng kiến lao ra rạp Philamôních dứt vội chiếc màn che cửa bằng da. Thế là khỏi lo những mùa rét Việt Bắc. Chiếc chăn này đã cùng nhiều người trải qua bao mùa kháng chiến.

Các chiến sĩ tự vệ Hàng Bè đều nhớ như in cái đêm tháng Chạp năm 1947, đoàn quân từ ngõ Phất Lộc tiến ra đường cái, nhắm Cột đồng hồ làm chuẩn, vượt qua đường Trần Nhật Duật (ngày nay), leo lên đê, băng qua bãi sông, theo hướng cầu Long Biên mà tiến. Còn khoảng 100 mét đến cầu, đã trông thấy đốm lửa thuốc lá của của bọn lính lê dương đi tuần. Trời đen như mực, sao thưa nhạt nhòa trong sương đêm. Đi qua cầu đã khá xa, ngoảnh nhìn về Hà Nội le lói đèn mà lòng ngậm ngùi mênh mang, tự hỏi liệu có ngày trở về? Sau này nhiều người lính Thủ đô năm xưa đã như tìm thấy mình trong những vần thơ Nguyễn Đình Thi:

Sớm chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.


... Ngày ấy đã 63 năm, những người con Hàng Bè đã không còn lại nhiều trên cõi nhân sinh. Cụ Thái Hy, nguyên Trưởng ban liên lạc cựu thanh niên Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu - một người con phố Hàng Bè xúc động kể lại: "Thế hệ thanh niên chúng tôi luôn xác định chỉ như hạt cát của lịch sử. Nhưng chúng tôi luôn tự hào là những người lính Thủ đô gan dạ, mưu trí, hào hoa".

Ngân Hạ