Vẫn tồn tại nhiều “kẽ hở”
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 06/01/2010
(HNM) - Năm 2009, nối tiếp những đổi mới về công tác điều hành từ những năm trước, TP Hà Nội tiếp tục thể hiện sự định hình ngày càng rõ nét phong cách làm việc mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều hạn chế trong thực thi, triển khai công việc cần được bàn tới. Đó có thể coi là những
Những “kẽ hở” không đáng có
Sau đợt ra quân, “rác trên tường” vẫn tồn tại ở nhiều khu vực công cộng.
Ảnh: Đàm Duy
Danh sách gần 300 dự án được liệt vào dạng chậm triển khai của TP có 25 dự án “chủ đầu tư mất hút”. Có nghĩa là, tổ kiểm tra gửi giấy mời làm việc tới các chủ đầu tư những dự án chậm triển khai này, nhưng không có hồi đáp; bằng những biện pháp nghiệp vụ thông thường, tổ kiểm tra cũng không truy ra chủ đầu tư nay ở đâu. Dù vậy, ban đầu việc thu hồi lại đất của những dự án này lại bị cho là “khó khả thi” vì nguyên tắc “thu hồi đất phải có chủ”. “Đất Nhà nước giao cho chủ đầu tư, bây giờ họ vi phạm pháp luật, Nhà nước muốn thu hồi mà không thu hồi được thì thật vô lý?”. Khi câu hỏi này được đặt ra và lãnh đạo TP yêu cầu những người thừa hành làm rõ các quy định, dùng các biện pháp nghiệp vụ đúng pháp luật như “đăng báo tìm chủ đầu tư, nếu quá thời hạn công khai chủ đầu tư không xuất hiện thì xử lý vắng mặt chủ đầu tư” để thu hồi thì quan điểm của họ đã thay đổi: Có thể thu hồi được; việc thu hồi những dự án này sẽ được tiến hành ngay trong đợt 2.
Ví dụ trên đây cho thấy một thực tế, công vụ sẽ trở nên đơn giản nếu được phân tích rạch ròi và được thực hiện một cách bài bản, khoa học, đúng nguyên tắc và có trách nhiệm. Đáng tiếc là trong khi thừa hành, không ít đơn vị, cá nhân chưa thực sự làm việc bằng tâm huyết như vậy, nên để lộ ra những “kẽ hở” không đáng có. Đây là lý do để nhiều vấn đề khi mới phát sinh, còn đơn giản đã không được giải quyết triệt để, về sau trở nên phức tạp, khó giải quyết.
Cần phân nhiệm rõ ràng
Trong cuộc họp cuối năm 2009, khi bàn về vấn đề “đào đường, bóc hè” gây khó khăn cho sinh hoạt người dân, lãnh đạo TP đã lưu ý về sự phối hợp công tác “còn rời rạc, thiếu khoa học” giữa Sở Xây dựng và Sở GTVT. Đích thân Chủ tịch UBND TP yêu cầu hai sở phải “kề vai sát cánh” mạnh mẽ hơn nữa, nhất là khi hai đơn vị giữ vai trò chủ chốt thực thi nhiệm vụ chỉnh trang đô thị. Đây không phải là chuyện riêng của một hay hai sở, ngành mà là chuyện phổ biến giữa các sở, ngành với nhau, giữa sở, ngành với quận, huyện, thậm chí là giữa TP với cấp dưới.
Trao đổi với một số cán bộ ngành xây dựng, GTVT, chúng tôi nhận được những ý kiến đồng tình về hạn chế trong phối hợp công tác. Nhưng một số ý kiến nói thẳng rằng, sự phối hợp công tác chẳng qua là cách đạt hiệu quả công việc của các cơ quan. Vì vậy, sự phối hợp công tác sẽ tốt lên nếu TP đánh giá kỹ hơn hiệu quả công tác của từng cơ quan. Muốn đánh giá được kỹ, TP phải phân định trách nhiệm rõ ràng của từng ngành, trách nhiệm người đứng đầu. Tự khắc, người đứng đầu sẽ phải “phân chia trách nhiệm” cho các cá nhân khác trong cơ quan. Khi trách nhiệm rõ ràng, áp lực công việc lớn hơn, sự phối hợp công tác sẽ trở thành nhu cầu tất yếu phải thực hiện.
Tình trạng thiếu rõ ràng trong phân công trách nhiệm cũng bộc lộ khi cả TP đang “ra quân” bóc, xóa và ngăn chặn quảng cáo - rao vặt trái phép cho tới trước khi Chủ tịch UBND TP kết luận trong cuộc làm việc ngày 28-12-2009 vừa qua. Thế nhưng, 1 tuần sau, theo những ghi nhận của báo Hànộimới (số báo ra ngày 4-1-2010), việc triển khai của các ngành, các cấp vẫn cho thấy “Sự trầm lắng đáng lo ngại”. Đơn giản là vì dù trong kết luận của mình Chủ tịch UBND TP đã nêu rõ sẽ giao cho chủ tịch UBND cấp quận, phường chịu trách nhiệm, nhưng điều này chưa được cụ thể hóa bằng văn bản hoặc văn bản chưa đủ “sức mạnh” (đôi khi chỉ thị hoặc văn bản truyền đạt ý kiến không có sức mạnh như quy định), nên hiệu lực thực tế vẫn còn thấp. Nếu những yêu cầu này không được “văn bản hóa” đủ sức mạnh, vô hình trung sẽ xuất hiện những “kẽ hở” cho những “né tránh”, “đùn đẩy”… trong thi hành công vụ nảy nở. Việc dễ sẽ trở nên khó, đơn giản sẽ thành phức tạp. Đó là điều không nên tái diễn.