Động lực của phong trào thi đua yêu nước
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:40, 06/01/2010
(HNM) - Cuộc vận động
Chuyển từ nhận thức đến hành động
Công ty TNHH Sông Công (Hà Đông) hưởng ứng CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều hoạt động thiết thực trong sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt
Anh Nguyễn Hoàng Tùng, công nhân phân xưởng đúc, Công ty TNHH Sông Công Hà Ðông tâm sự, anh đã học tập được ở Bác Hồ ý chí vượt khó để làm chủ khoa học kỹ thuật và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. Khi mới nhận nhiệm vụ Tổ trưởng tổ nấu gang, rất nhiều sản phẩm tổ làm ra bị hư hỏng, anh Tùng đã đề xuất lãnh đạo công ty chia ca làm việc, khoán sản phẩm và thay đổi quy trình hoạt động. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hạn chế sản phẩm hỏng, thu nhập của anh em trong tổ được cải thiện. Với lòng yêu nghề, ham học hỏi, anh đã loại bỏ những thao tác thừa để vượt 20% năng suất so với định mức. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, anh Tùng còn kèm cặp, trao đổi kinh nghiệm để đồng nghiệp cùng tiến bộ. Nhiều năm liền, anh Tùng đạt danh hiệu Lao động xuất sắc và năm 2009 đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt", cô giáo Đặng Thị Thanh Thủy, Trường THCS Kiến Hưng luôn gần gũi để hiểu học trò và tìm biện pháp dạy học hiệu quả. Mỗi lần học trò không hiểu bài, lười học, cô Thủy luôn trăn trở và cố gắng trau dồi nghiệp vụ để truyền cho các em niềm đam mê, yêu thích các môn học. Trên cơ sở đó, giúp các em có động lực, có nền tảng kiến thức để trở thành người có ích cho xã hội. Cô đã đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Năm học 2008-2009, cô giành giải nhất trong ngày hội Công nghệ thông tin do Phòng Giáo dục - Đào tạo quận tổ chức và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhưng đáng nói hơn, từ việc khởi xướng, trợ giúp của cô, đến nay, hơn 90% giáo viên trong trường đã soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử, tạo hứng thú học tập cho các em học sinh, tỷ lệ bỏ học giảm nhiều.
Động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước
Điểm lại hơn 3 năm qua, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thị Thủy khẳng định, CVĐ đã lan tỏa, "bám rễ sâu" xuống từng chi hội, tổ nhóm, khu dân cư. Đối với cán bộ, đảng viên khối cơ quan, việc học và làm theo Bác thể hiện ở hành động tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân. Ở đoàn thể khối phường thì học Bác cách tiết kiệm chi tiêu, để giúp đỡ những người nghèo, khó khăn hơn mình với tinh thần tương thân tương ái; rồi tham gia bảo vệ các tuyến đường tự quản xanh, sạch, đẹp với tinh thần tự nguyện và ý thức trách nhiệm... Điển hình là, 100 hội viên của Chi hội 4, Hội LHPN phường Phúc La, mỗi ngày bớt một phần chi tiêu trong gia đình ít nhất 1 nghìn, nhiều 5-10 nghìn để "nuôi lợn nhựa". Các chị đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng, giúp đỡ nhiều chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2009, thông qua 53 hội nghị học tập chuyên đề cho trên 11.000 lượt cán bộ, đảng viên; rồi giao lưu, tọa đàm với cá nhân điển hình tại 13 đảng bộ cơ sở... đã thực sự tạo những chuyển biến tích cực. CVĐ đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, góp phần ngăn chặn thành công suy giảm, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 19,5%, bảo đảm an sinh xã hội và giảm được 170 hộ nghèo so với năm trước. Đây cũng là năm, công tác cải cách hành chính có nhiều đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị có chuyển biến; nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang; tinh thần đoàn kết, giữ vững an ninh trật tự... được nhân rộng tại nhiều khu dân cư.
Với thành công của năm 2009, năm 2010 quận Hà Đông tiếp tục nhân rộng những việc làm theo gương Bác, gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc cũng như nơi cư trú để cán bộ, đảng viên thực sự là "công bộc" của dân như Bác Hồ đã dạy, góp phần xây dựng Đảng bộ quận vững mạnh, xây dựng Hà Đông trở thành đô thị hiện đại, văn minh.