Mỹ và Anh tăng cường các biện pháp chống khủng bố: Thiết lập hàng rào an ninh từ xa
Thế giới - Ngày đăng : 06:00, 06/01/2010
Thủ phạm là Uma Pharúc Ápđumutaláp (23 tuổi) công dân Nigiêria đã gây bàng hoàng giới tình báo và an ninh Mỹ khi được xác định có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại bán đảo Arập (AQAP) cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm huấn luyện và ra lệnh cho Ápđumutaláp thực hiện vụ tấn công.
Các biện pháp an ninh được thắt chặt bên ngoài Đại sứ quán Anh ở thủ đô Xana, Yêmen ngày 4-1. |
Ngay sau vụ khủng bố bất thành, Anh và Mỹ đã vào cuộc để ngăn chặn mối đe dọa từ xa đang hình thành ngày càng rõ từ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở tận Yêmen và Xômali. Thủ tướng Anh Gôđơn Brao và Tổng thống Mỹ B.Ôbama đã đồng ý hợp tác hỗ trợ tài chính và huấn luyện cho đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố tại Yêmen, nơi đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới sau vụ đánh bom hụt nêu trên. Theo ông G.Brao, các chiến dịch truy quét gần đây tại Ápganixtan và Pakixtan khiến lực lượng Al-Qaeda, nhiều phần tử khủng bố dạt sang Yêmen và Xômali cùng nằm bên vịnh
Theo tin mới nhất từ vùng Vịnh, ngày 5-1 Đại sứ quán Mỹ tại Yêmen đã hoạt động trở lại sau hai ngày đóng cửa do lo ngại bị tấn công khủng bố. Đại diện Mỹ tại Yêmen khẳng định chiến dịch chống khủng bố do Yêmen thực thi hôm 4-1 ở phía Bắc thủ đô Xana của nước này nhằm vào "một khu vực đặc biệt quan ngại", nơi các tay súng AQAP ẩn náu đã khiến sứ quán Mỹ được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Pháp lại vừa quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Yêmen sau khi có những đe dọa từ một chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại địa phương và Nhật Bản cũng ngừng hoạt động tại đại sứ quán do lo ngại về an ninh...
Để thiết lập một hàng rào an ninh mới nhằm ngăn chặn từ xa các vụ khủng bố, gần như đồng thời, trong 72 giờ qua, một số sân bay hàng đầu của Mỹ và Anh đã được tăng cường an ninh. Theo chỉ thị mới của Cơ quan An ninh giao thông Mỹ (TSA), mọi khách nước ngoài tới Mỹ bằng đường không đều sẽ phải qua các thủ tục rà soát, trong đó đặc biệt "để mắt" tới hành khách đến từ các quốc gia như Nigiêria, Yêmen, Pakixtan, Iran, Xuđăng, Ápganixtan, Angiêri, Irắc, Libăng, Libi, Arập Xêút, Xômali, Xyri. Trong số các quốc gia nêu trên, có 5 nước bị Oasinhtơn liệt vào danh sách "những quốc gia bảo trợ khủng bố" trong đó có Yêmen. Đồng minh Anh ngay lập tức cũng cho các sân bay tại Anh áp dụng những biện pháp mới nhất để bảo vệ các chuyến bay. Theo đó, tất cả hành khách trên các chuyến bay cất cánh từ Anh sẽ phải được "kiểm tra kép": khi vào phòng chờ và khi lên máy bay. Sân bay Hithơrâu ở Luân Đôn - sân bay quốc tế "nhộn nhịp" nhất châu Âu - sẽ được lắp đặt thêm máy quét có khả năng "nhìn thấu" quần áo hành khách và tất cả các sân bay khác của Anh cũng sẽ được lắp đặt thiết bị này trong ít ngày tới. Anh cũng đã đứng ra tổ chức một hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan Yêmen sẽ được khai mạc tại Luân Đôn vào ngày 28-1 tới. Khoảng 40 quốc gia tham dự hội nghị sẽ là một cam kết quốc tế mới với Yêmen...
Từ lâu, Anh được xem là đồng minh gần gũi nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II và đóng góp đáng kể trong các chiến dịch quân sự do Mỹ phát động như cuộc chiến vùng Vịnh, Ápganixtan và Irắc. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Oasinhtơn hình thành tuyến ngăn chặn mới trong chiến lược chống khủng bố đã được Luân Đôn nhiệt thành hưởng ứng.