TRAHUD - Hướng tới một xã hội không có tai nạn giao thông

Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 05/01/2010

(HNM) - "Một xã hội đầy tình thương và không có tai nạn giao thông" là mục tiêu của Kế hoạch an toàn giao thông (ATGT) do dự án Phát triển nguồn nhân lực ATGT tại Hà Nội (TRAHUD) đặt ra cho năm 2010 và Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (2011-2015).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông quá nhanh sẽ khiến cho tình hình ùn tắc và TNGT càng nghiêm trọng hơn. Do đó, Hà Nội cần sớm có một chiến lược tổng thể và các lực lượng liên quan phải nỗ lực nhiều hơn.

Phương tiện giao thông tăng nhanh gây nạn ùn tắc giao thông ngày càng nhiều. Ảnh: Linh Tâm


TRAHUD là chương trình do UBND TP Hà Nội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện nhằm từng bước cải thiện và nâng cao năng lực giao thông tại Hà Nội. Trên cơ sở phân tích dữ liệu TNGT liên tục trong các năm từ 2005-2009, các chuyên gia của TRAHUD nhận định, nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông không tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, như đi sai phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ cho phép; vượt sai quy định; chuyển hướng thiếu quan sát...

Các vụ TNGT thường xảy ra vào giờ thấp điểm, đặc biệt là từ 18-24h hằng ngày, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ, đường xuyên tâm, đường vành đai. Thanh niên (độ tuổi từ 18-35) là nhóm đối tượng gây ra nhiều vụ TNGT hơn cả. Do đó, theo ông Takagi Michimasa, Cố vấn trưởng TRAHUD, nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch ATGT 5 năm lần thứ nhất là phải giảm số lượng tử vong hằng năm xuống còn 5-7% và xuống dưới 650 người mỗi năm vào năm 2015 (số lượng tử vong năm 2008 là 880 người); phần lớn người dân hình thành thói quen tuân thủ Luật Giao thông; tăng cường năng lực và chức năng của các cơ quan liên quan đến ATGT đường bộ.

Đại diện Phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, UBND TP đã có kế hoạch đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực giao thông trong các giai đoạn sắp tới như hình thành những tuyến giao thông an toàn (đường vành đai 1, 2, 3, trục đường Lê Duẩn - Giải Phóng - QL1, trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi - QL6, trục Kim Mã - Cầu Giấy - QL32, đường Phạm Văn Đồng - Bắc Thăng Long - Nội Bài, QL5 - Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự); trung bình mỗi năm cải tạo 15-20 nút giao thông; giải quyết kịp thời các "điểm đen" phát sinh trong năm trước và giảm 50% số "điểm đen" sau 5 năm; cải thiện điều kiện tham gia giao thông cho người đi bộ bằng cách xây cầu vượt, lắp đặt đèn tín hiệu, sơn vạch kẻ đường…

Ông Trần Nhật Quang, Phó chánh Thanh tra (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, giải quyết ùn tắc và TNGT là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Hà Nội. Nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2010 và kế hoạch 5 năm, thành phố cần có những chương trình hành động ưu tiên. Thứ nhất, duy trì tốt việc tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông đã được cải tạo; bảo đảm cho phương tiện lưu thông được dễ dàng, thuận tiện, đặc biệt trong giờ cao điểm. Thứ hai, song song với cải tạo lại các tuyến đường, nút giao thông, cần tổ chức tách phương tiện theo các làn đường nhất định nhằm tăng khả năng lưu thông của phương tiện, đồng thời giảm TNGT do việc giao thông hỗn hợp giữa các loại phương tiện trên cùng một làn đường gây ra.

Thứ ba, khẩn trương tổ chức lại điểm trông giữ xe. Kiên quyết không cấp phép cho cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng vỉa hè, lòng đường để đỗ xe ô tô khi đã có diện tích tầng hầm, gara hoặc có khuôn viên nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh. Cơ quan chức năng có thể nghiên cứu thí điểm đặt máy tính tiền tự động tại một số điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân, phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Lý Thái Tổ…). Đặc biệt, về cơ chế chính sách, đề nghị UBND TP báo cáo Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc kiểm tra, xử lý; nâng cao mức phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ…

Đồng tình với quan điểm phải tập trung xử lý nghiêm, ông Phạm Hùng (cán bộ phụ trách điều tra xử lý TNGT thuộc TRAHUD) đề xuất: Cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đường vành đai. Đặc biệt, phải tập trung cưỡng chế các vi phạm vào ban đêm (thí điểm kiểm tra trên quốc lộ 1 và 6 vốn là hai tuyến xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng); mở nhiều chiến dịch xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Lương Ninh Giang