(HNM) - Theo báo cáo công bố tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2009 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã hoàn thành hai mục tiêu khó khăn là chống suy giảm kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; đồng thời chủ động phòng ngừa lạm phát trở lại.
|
Năm 2009, ngành công nghiệp đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Linh Ngọc |
Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình KT-XH năm 2009 vẫn còn những hạn chế, nếu không tích cực tìm các giải pháp khắc phục có hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và các năm tiếp theo.
Tăng trưởng nhưng chưa vững chắc
Năm 2009, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,32%, đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Sản xuất công nghiệp thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. Sản xuất nông nghiệp được mùa với sản lượng lúa cả năm đạt 38,9 triệu tấn (tăng 165.700 tấn so với năm 2008). Cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Mặc dù nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài giảm, nhưng đầu tư trong nước đã được khơi thông, nên tính chung vốn đầu tư phát triển cả năm đạt 704.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Thu ngân sách đạt dự toán cả năm và bội chi ngân sách bảo đảm được mức Quốc hội đề ra là không vượt quá 7% GDP. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 12 năm 2009 so với tháng 12-2008 tăng 6,52%, thấp hơn mục tiêu 7% Quốc hội thông qua; chỉ số giá bình quân năm 2009 là 6,88%, thấp nhất trong 6 năm gần đây. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,4% năm 2008, xuống còn 12,3% (năm 2009). Văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đã tăng lên, vượt qua giai đoạn suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả, nên tăng trưởng chưa thật vững chắc. Tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2008 là 41,3%; năm 2009 là 42,8%, nhưng tốc độ tăng GDP hai năm chỉ đạt 6,18% và 5,32% là chưa tương xứng. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam tuy bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ và tích cực, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất nói chung và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng. Cơ cấu tổng sản phẩm 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ lần lượt là 20,66%; 40,24%; 39,10%; không khác mấy so với năm 2008 và những năm gần đây. Mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế, nhưng cũng lên tới 7% GDP. Lạm phát trong năm tuy được khống chế ở mức hợp lý, song nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.
Ngoài ra, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục, đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa và vùng bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp là 2,9%, cao hơn mức 2,38% của năm 2008...
Các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát
Theo các chuyên gia, nhiệm vụ trong năm 2010 là tiếp tục ngăn lạm phát cao trở lại và đang tiềm ẩn yếu tố tăng giá; nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi để đẩy mạnh xuất khẩu. Một số yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh đến lạm phát như lương tối thiểu tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng, cộng thêm kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo… sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.
Thêm nữa, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, năm 2010 nhiều mặt hàng như điện, than, nước sạch... sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này cũng làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên. Không thể loại trừ một số nguyên nhân mang tính quy luật khách quan như thiên tai, dịch bệnh… có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cung - cầu, tác động đến giá cả thị trường.
Bên cạnh việc giữ vững thị trường truyền thống, cần mở rộng thị trường mới, nhất là những thị trường không đòi hỏi hàng hóa chất lượng quá cao hoặc không có hàng rào kỹ thuật khắt khe với hàng hóa Việt Nam như thị trường châu Phi... Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân; tăng cường nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.... Các mục tiêu của năm 2010 như tốc độ tăng trưởng là 6,5%, lạm phát khoảng 7%, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 41,5% GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2009, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 6,2% GDP, có thể đạt được thông qua các biện pháp không mang tính tình thế như gói kích thích kinh tế năm 2009, mà sẽ gắn với chiến lược phát triển tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả hơn.