“Định giá” trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 05/01/2010

(HNM) - Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Luật TNBTNN trở thành "đòn bẩy" nâng cấp mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, tổ chức. Trước đây, khi người thi hành công vụ làm sai, công dân và tổ chức vẫn thực hiện quyền công dân để làm rõ sai phạm, đòi hỏi quyền lợi. Không ít vụ khiếu nại của công dân về quyết định sai của chính quyền đã được phân xử. Tuy nhiên, việc người dân đòi Nhà nước bồi thường vì hành vi sai trái của người thi hành công vụ mới chỉ dừng ở mức tự phát, dựa trên những quy định rời rạc; người dân thiếu căn cứ làm đơn, tòa án thiếu căn cứ phân xử. Luật TNBTNN ra đời là cơ sở để căn bản khắc phục những hạn chế này.

Sự ra đời của Luật TNBTNN một mặt nâng cao "vị thế" của công dân, tổ chức khi tới làm việc tại các cơ quan hành chính, vốn có tiếng lâu nay về "sự hành là chính". Công dân, tổ chức sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những hành vi "sách nhiễu", "né trách"... (có thể có) của những người thi hành công vụ. Mặt khác, luật này sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Bởi người thi hành công vụ hoàn toàn có thể bị ghi điểm xấu trên "bảng thành tích" của cơ quan khi bị công dân khởi kiện (hoàn toàn có thể bị thua kiện) vì không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai trái. Trách nhiệm vô hình trung được "định giá". Nếu thiếu trách nhiệm, người thi hành công vụ có thể phải "trả giá". Cơ chế "xin - cho" vì thế sẽ tự nhiên mà yếu đi bởi sự ra đời của Luật TNBTNN. Có thể thấy là Luật TNBTNN ra đời giống như "một mũi tên trúng hai đích". Đây sẽ là cơ sở để nâng cao tính minh bạch của hoạt động hành chính nhà nước, góp phần tăng cường Nhà nước pháp quyền.

Tính chất ưu việt của Luật TNBTNN thì không phải bàn. Nhưng hiệu quả của tính ưu việt đó tới đâu phụ thuộc rất lớn vào khả năng "đi vào cuộc sống" của luật này. Đã xuất hiện những ý kiến lo ngại về việc xác minh hành vi của người thi hành công vụ (có gây thiệt hại hay không) sẽ rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian... Bởi vì, quy định Nhà nước về trách nhiệm công vụ hiện nay chưa rõ ràng, nhiều quy định làm cơ sở đánh giá hành vi của người thi hành công vụ còn lẻ tẻ, thiếu thống nhất. Đây thực sự là hạn chế trông thấy.

Thế nhưng, nếu công dân, tổ chức cùng coi trọng Luật TNBTNN và lấy nó làm thước đo cho mối quan hệ với các cơ quan hành chính nhà nước, chắc chắn tính ưu việt của luật này sẽ được phát huy. Kinh nghiệm cho thấy, một bộ luật sinh ra không phải dễ dàng mà đi vào cuộc sống được ngay, phát huy tất cả tính chất ưu việt lại càng khó. Sự coi trọng của người dân, tổ chức đối với Luật TNBTNN sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước hoàn thiện các quy định, khiến các cơ quan hành chính cải thiện chất lượng phục vụ. Đây là cơ sở khiến những người thi hành công vụ là cán bộ, công chức từng bước tự giác thay đổi phong cách làm việc, những "thói hư tật xấu" sẽ bị thu hẹp "đất" phát sinh hơn. Luật TNBTNN cũng giống như bất kỳ luật nào khác, sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn, nếu mỗi người liên quan đều cùng góp sức đưa nó vào cuộc sống.

Hà Vũ