Gian nan cuộc chiến chống “còi tặc”

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 04/01/2010

(HNM) - Kiểu trang trí cho chiếc xe bằng những miếng đề can với đủ các hình thù kỳ quái để khoe khoang với thiên hạ của các "quái xế" phát triển rầm rộ mấy năm trước nay đã lỗi thời. "Dân chơi" trước đây cho thiên hạ xem bằng mắt thì nay họ "bắt" người đi đường trải qua cảm giác kinh hoàng bằng những tiếng còi xe. Và việc sắm một chiếc còi khác thường lại quá dễ dàng...

Âm thanh quái dị trên đường phố

Trước đây, còi hơi đã có lúc là mốt của giới chơi xe máy sành điệu, bởi giá cả của nó thuộc vào hàng đắt nhất, âm thanh vượt trội so với những loại còi khác. Tuy nhiên loại còi này "kén" người mua, việc lắp ráp và giữ gìn cũng như sửa chữa khá phức tạp và kén xe nên không được thông dụng.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại còi có kích thước nhỏ hơn nhưng âm thanh phát ra khá lớn với những tiếng kêu ghê rợn như ngựa hí, chó sủa, lợn kêu, bò rống, em bé khóc, còi xe cảnh sát... và đang là lựa chọn số 1 của các "dân chơi" xe. Chỉ cần chi từ 60.000 đến 80.000 đồng là bất cứ ai cũng có thể sở hữu một chiếc còi với những âm thanh quái dị đó... Việc lắp đặt những chiếc còi này vào xe cũng rất đơn giản. Chỉ cần tốn 100.000 đồng kể cả công lắp đặt là những "dân chơi" xe có thể nhận được ánh mắt kinh ngạc, ghê sợ và cả bất bình của người đi đường mỗi khi bóp còi.

Nhiều đối tượng còn bạo gan lắp cả còi có âm thanh như còi xe ưu tiên. Đại úy Phạm Hùng, quyền Đội trưởng Đội Khám nghiệm và xử lý TNGT - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP cho biết, cá biệt có cả những đối tượng lắp loại còi mà mỗi khi bấm là phát ra tiếng kêu như những tiếng phanh xe tải rít trên mặt đường. Tiếng còi này làm cho người đi đường cảm thấy như có xe tải lớn đang thắng gấp ở phía sau. Nếu người đi đường tay lái yếu, giật mình lạc tay lái thì hậu quả dẫn đến là những vụ TNGT.

Nhiều "dân chơi" lại thường dùng còi này về đêm càng gây bất bình đối với nhiều người. Bà Trần Ngọc Quyến, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 119 phường Láng Hạ than thở: "Bất kể ban ngày hay buổi tối, những xe đi qua tuyến đường này thường xuyên bấm còi rất to với những tiếng còi dài, đủ âm thanh kỳ quái, làm huyên náo cả tuyến đường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Khổ nhất vẫn là người già và trẻ con khi đang ngủ cứ phải giật mình thon thót và như thức trắng đêm bởi giấc ngủ đã bị những tiếng còi dị hợm ấy phá nát".

Biện pháp xử lý chưa thích đáng

Để tìm hiểu công tác xử lý đối với những vi phạm về đèn còi, cuối tháng 12-2009 vừa qua, chúng tôi đã có nhiều đêm thức cùng anh em Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP. Tại chốt kiểm tra ở ngã ba Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, vào lúc 20h30 hàng ngày là thời điểm có đông người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng những lái xe tải, xe ô tô và cả xe máy được lắp những loại còi có âm thanh lớn hơn mức cho phép cứ "vô tư" bấm còi. Theo quy định hiện hành thì mức âm thanh đối với các loại còi khi sử dụng trong TP (trừ những tuyến phố cấm bấm còi) dao động từ 90 đến 115 đềxiben. Tuy nhiên trên thực tế, qua khảo sát của đơn vị thì nhiều lái xe còn lắp những loại còi với âm thanh "khủng" lên tới 120 đến gần 300 đềxiben. Nhiều người điều khiển giao thông khi nghe thấy những tiếng còi dài chói tai hay những chiếc xe máy được lắp còi ô tô kêu inh ỏi đã bị giật mình, loạng choạng suýt ngã. Chỉ trong vòng 20 phút tại chốt kiểm tra ở đường Nguyễn Chí Thanh, tổ tuần tra kiểm soát giao thông - Đội CSGT số 3 đã xử lý 5 trường hợp ô tô vi phạm quy định sử dụng đèn, còi không đúng quy định.

Đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: "Khoản 12 và 13 điều 8 Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; cũng như lắp đặt và sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự ATGT, trật tự công cộng". Tuy nhiên, mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hiện nay vẫn còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm. Nghị định 146 của Chính phủ quy định, phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với người bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định); phạt tiền 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng trên thì ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, xử lý của CSGT, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đề nghị tăng mức xử lý đối với những vi phạm để tạo được sự răn đe, giáo dục. Người dân khi tham gia giao thông phát hiện những trường hợp sử dụng còi không đúng quy định cũng có thể báo ngay cho CSGT để lực lượng chức năng biết và xử lý vi phạm.

Thu Thủy - Dương Hiệp