“Sau ống kính không chỉ là kỹ thuật !”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 04/01/2010

(HNM) - Lý Thái Dũng với sức làm việc đáng nể hiện đang là một "gương mặt" quay phim (QP) ấn tượng của điện ảnh (ĐA) Việt Nam. Trước và sau khi nhận giải "Quay phim xuất sắc nhất" của LHP Việt Nam lần thứ XVI, anh luôn hối hả trong vai trò trợ lý đạo diễn của phim "Cánh đồng bất tận" đang quay tại Long An.

Cuộc trò chuyện đầu năm mới với NSƯT Lý Thái Dũng còn là chuyến "trải nghiệm" cùng những nhận xét tinh tế của anh về nghề QP và về ĐA nước nhà.

- Anh là người khá nổi tiếng dù làm công việc "lặng thầm" sau ống kính. Sau mỗi thành công hoặc mỗi bộ phim, với anh liệu có dễ dàng để bắt đầu công việc mới?

- Công việc của người QP là thầm lặng, điều ấy đã trở thành lẽ thường từ ngày ĐA ra đời cho đến nay, dẫu rằng theo sự phát triển của ĐA, nghề QP cũng phát triển vượt bậc cả về kỹ thuật công nghệ và ngôn ngữ biểu hiện.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng (người vác máy).

Bạn gọi tôi là "người nổi tiếng", cũng dễ lý giải, vì thật sự ngành ĐA Việt Nam bé tẹo, số lượng người QP ĐA đếm trên đầu ngón tay. Nhưng cũng chỉ một số nhà báo chuyên viết về ĐA mới biết đến công việc của chúng tôi, dù chưa thật đầy đủ.

Đằng sau một bộ phim là cả một quá trình lao động cực nhọc, cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi luôn tìm cách để có thể "hồi phục" một cách nhanh nhất, khoảng hơn tháng giữa hai phim, thời gian đủ để hoàn thành những công việc bị bỏ dở, kết nối lại những mối quan hệ bị gián đoạn. Và quan trọng, phải tìm cách "thoát" ra khỏi bộ phim ấy, bởi QP là bạn đã sống cùng với "đời sống" của bộ phim ấy khá lâu. LHP với tôi là một cuộc vui thật sự, dù được giải hay không thì sau đó công việc lại tiếp tục để phim sau phải tốt hơn những phim trước.

- Theo anh, nghề QP ở Việt Nam đã được nhìn nhận đúng mức chưa? Việc hội nhập thế giới trong lĩnh vực này ở nước ta hiện đang gặp khó khăn gì nhất?

- LHP Việt Nam và lễ trao giải hằng năm của Hội ĐA đều có giải thưởng dành riêng cho người QP xuất sắc nhất, ghi nhận xứng đáng những đóng góp của các nhà QP. Việc Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và NSND cũng là sự đánh giá cao những gì mà các nhà QP đã và đang cống hiến. Tuy nhiên, những khó khăn trong công việc của chúng tôi cũng là khó khăn rất rõ ràng của cả ngành ĐA, như kinh phí đầu tư cho bộ phim nói riêng, cho phương tiện kỹ thuật nói chung, chế độ tiền lương, nhuận bút đều chưa thỏa đáng so với những nhiệm vụ và công việc mà người QP đang làm.

Đào tạo cũng là cả một vấn đề lớn, thiếu kinh phí nên các sinh viên chỉ được học trên thiết bị dành cho truyền hình nên ra trường thiếu hụt một khoảng kiến thức rất lớn về QP ĐA. Điều này đang trở nên rất đáng lo ngại vì đội ngũ những người QP ĐA không chỉ ngày càng ít đi mà còn có nguy cơ "già hóa".

Song dù có khó khăn thế nào thì QP luôn là bộ phận đi tiên phong trong ngành ĐA ở khâu hội nhập, và chúng tôi luôn phải cập nhật, học hỏi để có thể sử dụng tương đối thành thạo các thiết bị mới. Cụ thể là ngày càng nhiều phim được quay bằng máy quay kỹ thuật số hiện đại nhất mà các nước tiên tiến nhất đang sử dụng. "Chơi vơi" đã được quay bằng thiết bị này, với công nghệ cũng như kỹ năng tôi đã được đào tạo từ năm 2004 ở Mỹ qua một khóa học ngắn hạn. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng tôi gặp khó khăn ở chỗ các bộ phận khác trong ngành ĐA đã không theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ nói chung. Điều đó làm nên sự thiếu đồng bộ trong công việc.

- Cho đến thời điểm này, chắc chắn bên cạnh những "mùa vàng" đã gặt hái, anh cũng còn không ít trăn trở về nghề?

- 22 năm cầm máy, có không ít sản phẩm ở nhiều thể loại, tôi vui vì những bộ phim mình quay được khán giả đón nhận. 10 năm dạy chuyên ngành QP, tôi vui vì những học sinh QP tôi đào tạo đã và đang là những đồng nghiệp của tôi ở ĐA và truyền hình. Họ yêu ĐA và khát khao được QP ĐA, nhưng để sống được bằng thù lao từ ĐA thì thật sự không đủ và những nhà QP trẻ đã phải "lăn lộn" quá nhiều với công việc khác. Họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt ở ngay giai đoạn định hình và tích lũy kinh nghiệm!

- Sau ống kính của nhà QP giỏi không chỉ đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà hơn hết là tâm hồn nhạy cảm và đặc biệt là kiến văn vững vàng. Theo anh, văn học có ý nghĩa thế nào với người cầm máy? Ngắn gọn nhất anh sẽ nói gì với học sinh về nghề QP?

- Nếu người QP không "cảm" và hiểu được hết kịch bản thì sẽ không chuyển tải hết cái hay của câu chuyện cũng như ý đồ của đạo diễn. Vì thế, muốn "cảm thụ" hết cái hay của kịch bản và sáng tạo thật nhiều ở ngôn ngữ hình ảnh thì người QP phải am hiểu văn học không kém bất kỳ một đạo diễn nào. Tôi thường nói với sinh viên một cách ngắn gọn về nghề QP rằng, phải giỏi về kỹ thuật, công nghệ; am hiểu về khoa học xã hội và nhân văn. Đặc biệt, cần phải học hỏi và lao động không ngừng…

- Những ngày đầu năm mới, phải xa gia đình để "sống" với bộ phim mới "Cánh đồng bất tận" trong vai trò trợ lý đạo diễn, anh nghĩ đến điều gì nếu có thời gian rảnh rỗi với người thân?

- Những lúc rảnh, tôi thích được nói chuyện với nhiều người, đặc biệt là con trai tôi. Tôi cũng thích đi chơi lang thang khắp nơi, cả những nơi mình đã từng đến để có thể thấy được sự đổi thay ở đó.

- Xin cảm ơn anh! Chúc anh một năm mới với nhiều đổi thay tốt đẹp trong công việc và cuộc sống!

Thi Thi