Biểu hiện của tình yêu và lòng ngưỡng mộ
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 05:48, 04/01/2010
Ngời sáng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho hay: Lần đầu tiên Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đảng ủy ngoài nước và Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức cuộc trưng bày này, nhằm góp phần giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước, qua đó mong muốn họ tiếp tục giúp đỡ Bảo tàng sưu tầm các tài liệu, ảnh và hiện vật về Người. Cuộc trưng bày đồng thời còn là một trong những sự kiện hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và đánh dấu Năm Ngoại giao văn hóa 2009.
Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: CAND |
Các sưu tập được trưng bày theo bốn nội dung chính: một số tài liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sống và hoạt động ở nước ngoài (1919-1938) và một số thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cá nhân ở trong và ngoài nước (1945-1969); một số ảnh và album ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước; một số hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sưu tập tranh, tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả trong nước và nước ngoài.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt
Đúng như sự khẳng định trên, sau hơn 2 tuần mở cửa, phòng trưng bày đã đón hàng nghìn lượt người đến tham quan, học tập, nghiên cứu và cuốn sổ ghi cảm tưởng được đặt tại đây mỗi ngày một dày thêm. Anh Philippe Pétain (người Pháp) xúc động ghi: "Tham quan phòng trưng bày giúp tôi hiểu hơn cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp, hiểu được vì sao nước Việt Nam nhỏ bé đã thắng Pháp và tôi cũng hiểu hơn tấm lòng vì dân, vì nước của danh nhân Hồ Chí Minh".
Hiện vật biết kể chuyện
Trong số tài liệu, hiện vật đang được trưng bày, đáng chú ý là bộ sưu tập tài liệu mật thám theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1919-1923); tài liệu về Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Công (1931-1933) do nhà văn Mỹ Lady Borton sưu tầm và trao tặng; bức thư của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 7-9-1919 do Người trực tiếp đánh máy và ký tên gửi Toàn quyền Đông Dương Anbe Sarô chất vấn về việc chính quyền thuộc địa không thực hiện bản "Yêu sách của nhân dân Việt Nam"; sưu tập những tài liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình cố Tiến sĩ y khoa Lê Văn Cưu, người đã từng chăm sóc sức khỏe cho Bác trao tặng; album ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gia đình luật sư Lôdơbai ghi lại chuyến thăm Việt Nam năm 1960 của gia đình luật sư...
Bên cạnh đó lại có những hiện vật giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng như chiếc ấm sứ mi ni dùng cho Bác uống thuốc bắc trong những ngày cuối đời của Người; chiếc áo len Bác đã tặng NSND Linh Nhâm năm 1967 trước khi bà lên đường ra chiến trường biểu diễn phục vụ các chiến sĩ; chiếc chăn bông Bác đã dùng trong thời gian làm việc tại Văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm, Trung Quốc từ năm 1938-1940… Gần 30 bức tranh, tượng và áp phích thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài nước sáng tác cũng tạo nhiều ấn tượng tại triển lãm; đáng chú ý là tác phẩm tranh ghép bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Trịnh Văn Vỹ, Việt kiều tại Pháp sáng tác năm 1970; tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hoa cương do tác giả người Pháp Salandre sáng tác và tặng Bảo tàng năm 2007. Xúc động hơn là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng, ông vẽ trong hoàn cảnh bị thương, mắt mờ do bị địch tra tấn dã man khi chúng bắt giam ông ở nhà tù Phú Quốc và bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Lê Hữu Nghĩa vẽ trong tù năm 1969...
Mỗi hiện vật là một câu chuyện ý nghĩa và tiếng nói được cất lên từ đó không chỉ là minh chứng quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ mà còn là biểu hiện của tình yêu, lòng ngưỡng mộ của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Người.