60 năm tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 11/09/2003
Trung tuần tháng 8 năm 1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Bác sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng chống Nhật của người Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng vừa qua khỏi biên giới Việt - Trung, Người đã bị lính Quốc dân Đảng bắt tại thị trấn Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây.
Hai ngày sau, Người bị đưa đến giam tại nhà ngục Tĩnh Tây. Đó là ngày 29-8-1942. Mười ba tháng trong cảnh tù đày bất công, vô cùng gian khổ, ngày 10-9-1943, Người được trả tự do. Dấu ấn của những ngày tháng đó đã được Bác tự tay viết ở trang 53 của cuốn “Nhật ký trong tù”. Như vậy là đã tròn 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài kết cho tập thơ viết bằng chữ Hán của mình.
Sau đó tập thơ chưa ra mắt vì chính tác giả đã không đưa nó cho ai xem, vì tác giả cho rằng thơ không phải viết cho độc giả mà viết cho chính mình. Cách mạng tháng Tám thành công và những ngày kháng chiến gian khổ, tập thơ cùng hành trình trên những chặng đường cùng tác giả chiến đấu chống xâm lược bảo vệ nền độc lập của dân tộc mới giành lại được.
Hiện nay Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu được hồi ký của một số nhân chứng về tác phẩm “Nhật ký trong tù”, trong đó có Lê Tùng Sơn, Hoàng Điền, Hồ Đức Thành... là những người Việt Nam đã tìm gặp Bác ở Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngay sau khi Người được trả tự do. Ngày 16-6-1946, kể lại câu chuyện được đọc tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu tác giả T.S viết trên báo Đồng Minh đã mô tả cuốn nhật ký “Đó là một quyển sách đóng bằng giấy bản, hạng tốt vừa to bằng bàn tay, nhan đề là “Ngục trung sinh hoạt” ở trang bìa đầu vẽ hai tay bị trói, do chính tay Cụ vẽ lấy”. Đây là lần đầu tiên “Nhật ký trong tù” được giới thiệu công khai trên báo.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “Nhật ký trong tù” đã được nhắc đến trong một số tài liệu như: “Hồ Chí Minh truyện” xuất bản bằng tiếng Trung Quốc của tác giả Trần Dân Tiên năm 1949; Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Đình Thi xuất bản tại Việt Bắc năm 1950; Vừa đi đường vừa kể chuyện của tác giả T.Lan được viết năm 1948... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955 Nhà xuất bản Văn nghệ in tập “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên. Trong cuốn sách này tác giả đã dành gần 5 trang viết về việc Bác bị bắt giam và về cuốn “Nhật ký trong tù”. Sau đó sách đã được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng Pháp, Hoa, Quốc tế ngữ...
Ngày 3-9-1955, kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phố Bích Câu (Hà Nội) đã khai mạc triển lãm cải cách ruộng đất. Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đến cắt băng khai mạc. Cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trưng bày ở gian: “Đảng lãnh đạo nông dân giải phóng”. Đây là lần đầu tiên “Nhật ký trong tù” được giới thiệu với đông đảo quần chúng. Tháng 11-1955 sau thời gian triển lãm, tài liệu hiện vật được chuyển về bảo quản tại Bộ Văn hóa và Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Tập thơ “Nhật ký trong tù” được lưu giữ một thời gian tại Thư viện Trung ương nay là Thư viện Quốc gia. Chính tại đây, Viên Ưng một nhà thơ Trung Quốc đã được đọc tập thơ này. Trong bài viết nhan đề “Bác Hồ, một nhà thơ lớn” đăng trên sách “Nam Bắc sông Hồng” xuất bản ở Trung Quốc, Viên Ưng viết “Nói là nhật ký thực ra là thơ... Chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”.
Đầu năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được khánh thành, nhiều tài liệu hiện vật đã được đưa về bảo quản và trưng bày tại đây, trong đó có cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác. Từ đó, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy cho những ai muốn tìm đến bản gốc bút tích quý giá này.
Tháng 5-1960, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn nghệ thuộc Viện Văn học và Nhà xuất bản Phổ thông đã xuất bản tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Việt. Gần 70 vạn bản đã được đến tay bạn đọc và ngay trong tháng 6 năm đó sách được tái bản. Từ đóđến nay, “Nhật ký trong tù” đã được gần 30 nhà xuất bản trong nước và trên thế giới in và phát hành không dưới 40 lần, số lượng hàng vạn bản ở cả 5 châu lục với gần 20 thứ tiếng. Bạn đọctrên 30 quốc gia đã được đọc Nhật ký trong tù bằng các thứ tiếng: Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Quốc tế ngữ, Đức, Hungari, ả rập, Hàn Quốc...
Sau 43 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” được ra mắt, đã có hàng trăm bài viết, công trình khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bạn đọc yêu thơBác viết về “Nhật ký trong tù”. Trongcác công trình đó có những cuốn như: Đọc “Nhật ký trong tù” của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1977; “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”, của Nhà xuất bản Giáo dục, 1993; “Nhật ký trong tù: tác phẩm và bình luận” của Nhà xuất bản Văn học; “Nhật ký trong tù và những lời bình” của Nhà xuất bản Văn hóa... Tập thơ còn là đề tài chuyển thể của nhiều bộ phim, vở kịch, trích đoạn múa, nghệ thuật thư pháp...
Với chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học thông qua những di tích, tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng việc thu thập tất cả các tư liệu liên quan đến tác phẩm “Nhật ký trong tù”; đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu tập thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.
Tác phẩm của Người “Nhật ký trong tù” đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị tinh thần của “Nhật ký trong tù” vẫn đang và mãi mãi tỏa sáng, cổ vũ chúng ta hướng tới một tương lai tươi đẹp.
TS. Nguyễn Thị Tình
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh