Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009

Tài chính - Ngày đăng : 08:32, 03/01/2010

(HNM) - Nếu như 2008 được coi là một năm rất đáng quên khi các chỉ số liên tục sụt giảm thì bước sang 2009, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự phục hồi tương đối ấn tượng, không ít thời điểm đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử 9 năm phát triển với những kỷ lục mới. Nhìn lại diện mạo TTCK Việt Nam 2009, có thể điểm lại một số cột mốc đáng ghi nhớ.

Liên tiếp kỷ lục và cột mốc

Năm 2009 đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử 9 năm phát triển của TTCK. Những kỷ lục mới, cột mốc quan trọng đã lần lượt được thiết lập: phiên giao dịch ngày 24-2, VN-Index đã rơi xuống mức đáy 235,5 điểm, HNX-Index lùi về dưới mốc 100 điểm khi xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 78,06 điểm. Tuy nhiên, bước sang tháng 3-2009, các nhà đầu tư (NĐT) đã lấy lại được niềm tin khi TTCK có một tháng tăng điểm ấn tượng nhất kể từ tháng 11-2008: VN-Index không chỉ khởi sắc về điểm số mà khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Tính đến hết ngày 30-6, VN-Index đã tăng 132,67 điểm (42,03%), HNX-Index tăng 44,57 điểm (42,66%) so với thời điểm kết thúc năm 2008. Đây là một bước tiến dài của TTCK trong nước khi VN-Index đã đạt tốc độ tăng lớn thứ 8 trong tổng số 89 chỉ số chứng khoán quan trọng trên thế giới khi tăng được 46% so với thời điểm đầu năm 2009. Kỷ lục về khối lượng giao dịch tại sàn HOSE được thiết lập vào ngày 10-6 với 101.774.520 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng, con số tương tự tại HNX là 56.522.170 cổ phiếu.


Sàn giao dịch Công ty CP chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội SHS.Ảnh: Linh Tâm

Từ tháng 8 đến tháng 10, TTCK lại tiếp tục đợt tăng giá thứ hai đầy mạnh mẽ với nhiều kỷ lục về giá trị và khối lượng giao dịch kỷ lục được xác lập. Ngày 22-10, TTCK vươn tới đỉnh điểm của đợt sóng thứ 2 là mức 624,10 điểm. Đây cũng là mức cao nhất của thị trường sau 394 phiên giao dịch kể từ ngày 14-3-2008. Trong khoảng thời gian này, thanh khoản liên tục đạt kỷ lục trên cả hai sàn. Đối với sàn HOSE, phiên giao dịch ngày 23-10 được coi là "siêu thanh khoản" khi lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay cả về khối lượng và giá trị giao dịch với hơn 136 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch lên đến 6,414 nghìn tỷ đồng; sàn HNX đạt kỷ lục với hơn 67,23 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng cùng 3,04 nghìn tỷ đồng được giải ngân. TTCK tăng trưởng mạnh mẽ, nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia và trở thành điểm sáng ấn tượng khi có tốc độ phục hồi nhanh nhất châu Á.

"Đại gia" góp mặt

Một ấn tượng khác của TTCK là sự phát triển mạnh mẽ về quy mô. Tính đến tháng hết tháng 11-2009, đã có 430 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 669 nghìn tỷ đồng (39 tỷ USD), tương đương 55% GDP của năm 2008. Mức vốn hóa này tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2008. Năm 2009 cũng đánh dấu sự lên sàn của hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn như Eximbank, Bảo Việt, Vietcombank và Vietinbank... Sự góp mặt của các “đại gia” này đồng nghĩa với việc nguồn cung trên thị trường ngày càng đa dạng hơn. Trong đó, Vietcombank giao dịch 112,3 triệu cổ phiếu, là DN có vốn hóa lớn nhất thị trường, với trên 56.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần "quán quân" trước đó là ACB (28.000 tỷ đồng). Trong khi đó, Bảo Việt (BVH) niêm yết toàn bộ 573 triệu cổ phiếu và Vietinbank có 121,2 triệu cổ phiếu. Các “đại gia” này đều chào sàn thành công, đáp ứng được mong đợi của NĐT. Giá cổ phiếu các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng nhờ vậy đã tăng trong một thời gian khá dài và trở thành những cổ phiếu "nóng" trên thị trường.

Dấu ấn đòn bẩy tài chính

Năm 2009 cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ về các dòng vốn vào - ra thị trường. Các chuyên gia đều lên tiếng khẳng định: một trong những nguyên nhân khiến thị trường "nóng" là do khối các công ty chứng khoán "tung" các đòn bẩy tài chính hỗ trợ NĐT. Khảo sát tại các công ty chứng khoán mới hay, kể từ khi chứng khoán hồi phục, nhằm gia tăng lợi nhuận, hầu hết công ty chứng khoán đều phối hợp với một hay một vài đối tác tài chính để hỗ trợ vốn cho các NĐT. Tại một số công ty chứng khoán, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy có thể đạt 100-200%. Hình thức hỗ trợ rất đa dạng và thông thoáng, NĐT vốn ít thì được cầm cố từ 40-70% giá trị tiền hay cổ phiếu trong tài khoản để mua tiếp cổ phiếu. Hàng nghìn NĐT đã liên tiếp quay vòng đồng tiền bằng vay mượn nhằm gia tăng lợi nhuận khiến sức cầu được khuếch đại lớn gấp nhiều lần thực lực. Nguồn lực từ các đòn bẩy tài chính đã khiến thị trường liên tiếp thiết lập các kỷ lục về thanh khoản nhưng kèm theo đó là những nỗi lo ngày càng lớn dần. Cuối tháng 6-2009, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UB CKNN) đã phải lên tiếng yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện nghiêm túc các quy định, đồng thời ngừng ký các hợp đồng repo mới. Tác động từ văn bản của UB CKNN đã giúp giảm rủi ro trên TTCK nhờ hạn chế được những dòng tiền ngắn hạn theo kiểu T +, từ đó NĐT bớt lo lắng với các dòng tiền nợ, làm cho tính ổn định của thị trường tăng lên.

"Giải mã"

Không ít chuyên gia đã bất ngờ trước diễn biến của TTCK trong năm qua. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, TTCK Việt Nam năm 2009 được coi là có tốc độ tăng trưởng rất cao, tới 60-70%, nhưng xét một cách toàn diện lại có không ít dấu hiệu bất ổn. Trước hết, TTCK có dấu hiệu phục hồi nhưng không bền vững: Chỉ số VN-Index giảm mạnh 22% từ đỉnh 633,2 điểm ngày 23-10 xuống mốc 490,6 điểm ngày 27-11. Khối lượng giao dịch từ tháng 11 đến hết năm sụt giảm mạnh so với hai tháng 9, 10. Càng về cuối năm, thanh khoản của thị trường càng trở nên đáng lo ngại.

Chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng và gói kích thích kinh tế năm 2009 của Chính phủ là động lực chính để TTCK phục hồi. Tuy nhiên, do những căng thẳng trên thị trường ngoại hối, nguy cơ lạm phát và nợ Chính phủ gia tăng nên trong hai tháng cuối năm 2009, chính sách tiền tệ bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt. Hơn nữa, từ nửa cuối tháng 10-2009, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải chấm dứt cho vay chứng khoán. Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 20-50% dòng tiền trên TTCK đến từ nguồn vốn kích thích kinh tế (đòn bẩy tài chính). Cầu trên TTCK đã chịu tác động mạnh từ những điều chỉnh trên và dẫn tới tính thanh khoản của thị trường giảm sút. Thực tế cho thấy, những tác động thực đến luồng tiền vào TTCK cũng như những tác động tâm lý thái quá đã khiến các chỉ số chứng khoán rơi vào chu kỳ giảm điểm từ tháng 11 cho đến cuối năm. Tính từ đỉnh cao xác lập trong năm thì VN-Index đã mất khoảng 30% về điểm số. Nhiều thời điểm, NĐT lao vào xả hàng vì sợ "lịch sử lặp lại" - chứng khoán có thể sẽ lập đáy như thời điểm đầu năm. Trong báo cáo Vietnam Monitor mới ra về tình hình kinh tế và thị trường tài chính - chứng khoán của Việt Nam, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng TTCK Việt Nam gần đây đã "hụt hơi" so với các thị trường ở châu Á (hoạt động kém thứ hai trong quý IV ở khu vực châu Á).

Giá cổ phiếu - cao hay thấp?

Một vấn đề cần lưu ý nữa là giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo một số chuyên gia, nếu giả định mức tăng trưởng EPS (thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu) trong 12 tháng tới là 20% thì hệ số P/E của 12 tháng tới sẽ là 19,1 lần. Đây là mức P/E cao hơn hẳn các thị trường cùng tầm với Việt Nam như Thái Lan (12 lần), Trung Quốc (14,7 lần), Inđônêxia (14,6 lần) và Philíppin (15 lần). Trong báo cáo mới nhất, HSBC tiếp tục khẳng định chứng khoán Việt Nam đang đắt đỏ hơn so với các thị trường cùng khu vực khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến NĐT ngoại rút vốn khỏi thị trường thời gian qua.

Bên cạnh đó, sự biến động của TTCK, cũng như thị trường vàng, thị trường ngoại tệ ở Việt Nam, không theo một quy luật nào đã cho thấy những bất ổn của thị trường phát sinh từ chính những yếu tố nội tại. Thị trường tài chính bị phân khúc, chưa có sự minh bạch cũng như thông tin chưa được cập nhật chuẩn xác đến NĐT, trong khi yếu tố tâm lý luôn bị chi phối nặng nề bởi các tin đồn. Trên thị trường vẫn có khoảng trống pháp lý cho đầu cơ, lũng đoạn.

Định Đông