Về với nguồn cội
Du lịch - Ngày đăng : 07:48, 01/01/2010
Với những "tua" du lịch độc đáo và đặc sắc được xây dựng để phục vụ cho Năm DLQG 2010, những người làm du lịch Thủ đô muốn dồn hết tâm huyết để chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa, hồn khí của một Hà Nội cổ kính và hiện đại đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ những hành trình xuyên lịch sử
Ảnh: Minh Nguyễn
Vào những ngày cuối năm 2009, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã kết hợp với các doanh nghiệp (DN) lữ hành khảo sát và xây dựng các "tua" được đưa vào chương trình Năm DLQG 2010, gồm "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ", "Võ thuật" và "Du lịch nội đô".
Theo "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ", du khách sẽ được thăm nhiều địa danh của đất nước và khám phá những kinh đô Việt cổ như Đền Hùng, Cổ Loa, Hoa Lư và Thăng Long. Trong hành trình này, 2 kinh đô cổ có mối liên quan chặt chẽ là Hoa Lư (Ninh Bình), nơi Lý Thái Tổ lên ngôi và Thăng Long (Hà Nội), nơi được Người chọn để định đô, làm điểm nhấn. Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận xét: "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ" không chỉ liên kết không gian địa lý, các trung tâm du lịch của đất nước mà còn mở mang kiến thức, nâng tầm hiểu biết của du khách do tuyến đi không bị bó buộc ở một nơi".
Đây cũng là lần đầu tiên Sở VH,TT&DL Hà Nội để mắt tới việc liên kết giữa du lịch và võ thuật. Không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua, du khách quốc tế đã rất quan tâm đến võ cổ truyền Việt Nam. Thậm chí, sau khi kết thúc "tua" du lịch, nhiều du khách đã tìm đến các võ đường xin được làm môn sinh. Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Thủ đô quy tụ rất nhiều võ đường với nhiều môn phái như Y võ Thiên Phúc (Tây Hồ) với môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân; võ đường trong khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) với môn phái Võ Lâm Phật Gia; võ đường Khắc Trịnh (quận Thanh Xuân) với môn phái Nam Hồng Sơn… Đây chính là điểm sẽ thu hút khách quốc tế nếu biết tận dụng lợi thế truyền thống văn hóa, tinh thần thượng võ vốn có của dân tộc.
Còn với những du khách thích tham gia "tua" ngắn chỉ trong vòng 1 ngày thì đã có "City tua". Với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, hành trình xuyên lịch sử", "tua" này sẽ khai thác và kết nối các điểm du lịch đặc trưng của Hà Nội trong suốt chiều dài nghìn năm: Hoàng thành - ngôi nhà cổ đặc trưng của người Hà Nội ở 87 Mã Mây - đền Bạch Mã, một trong "Thăng Long tứ trấn" - Ô Quan Chưởng, cửa Đông của thành Thăng Long - đền Voi Phục, trấn phía Tây của kinh thành xưa và các phố cổ, phố cũ của Hà Nội; "City tua" cũng đưa du khách thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tượng vua Lê, Nhà hát Lớn thành phố và Khu đô thị mới Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia và các hệ thống bảo tàng ở Hà Nội…
… đến ý nghĩa lịch sử, xã hội và nhân văn sâu sắc
Những hành trình xuyên lịch sử với phương châm kết hợp giữa cổ kính và hiện đại được hầu hết các hãng lữ hành đánh giá cao về khả năng hấp dẫn và thu hút du khách. Với kinh nghiệm nhiều năm thiết kế các "tua" du lịch phục vụ du khách Nhật Bản, ông Hoàng Nhân Chính, Giám đốc Công ty Du lịch JIB-TNT cho rằng: "Những "tua" du lịch tham quan di tích, khu phố cổ, các làng nghề của Hà Nội được khách nước ngoài đặc biệt ưa thích. Họ vừa được xem kiến trúc cổ của Hà Nội, vừa được chứng kiến cuộc sống thường nhật của người dân và thỏa mãn nhu cầu mua sắm". Vừa tham gia "city tua", anh Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Công ty Phần mềm HiWorld tâm sự: "Hành trình xuyên lịch sử thông qua các "tua" du lịch đã đem đến cho du khách những giây phút thư giãn, tách ra khỏi cuộc sống ồn ào, song quan trọng hơn, chuyến đi đã giúp chúng tôi thêm yêu mảnh đất và con người Hà Nội".
Di tích đền Đô (Bắc Ninh) được chọn là một trong những nơi diễn ra hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm
Những ngày đầu năm mới, nhiều di tích, làng nghề… đã lên kế hoạch sẵn sàng đón khách. Ông Phùng Văn Hữu, Phó Giám đốc Công ty Xúc tiến du lịch - dịch vụ thương mại làng Bát Tràng, ngôi làng cổ 500 tuổi, cho biết: Đến đây, du khách rất thích tham quan những công trình văn hóa được xếp hạng của làng. Đặc biệt, giới trẻ và du khách nước ngoài rất hào hứng với việc tìm hiểu quy trình làm đồ gốm, được tự tay nặn, vuốt những chuỗi vòng, lọ hoa hay bầy thú xinh xắn... Chính vì lý do đó, làng nghề đang phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, nghĩa là du khách khi đến đây sẽ cùng ăn, ở và làm việc với dân làng. Hiện tại, làng nghề đang gấp rút hoàn thành khu trưng bày 1.000 sản phẩm gốm tiêu biểu để hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Di tích đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đang trở thành điểm đến của du khách trong dịp tết đến, xuân về. Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, một hướng dẫn viên đặc biệt của đền Đô đã đưa chúng tôi đi tham quan 21 hạng mục kiến trúc độc đáo mới được khôi phục như Thủy đình, nhà Chuyển bồng, nhà Tiền tế, Văn chỉ, Võ chỉ, cửa Ngũ long… Thầy tâm sự, năm 2010, đền Đô được chọn là một trong những nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời là điểm đến cho hành trình về cội nguồn của Năm DLQG 2010. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào đối với người dân nơi đây.
Và như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, chuỗi các hoạt động và chương trình "tua" du lịch đặc sắc trên của Năm DLQG 2010 sẽ là một nội dung chính cho chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của Việt Nam trong năm 2010.