Thôn Yên Phú, xã Liên Ninh (Thanh Trì): Điểm sáng tự quản

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 09/12/2009

(HNM) - Sau hai năm được làm điểm đề án

(HNM) - Sau hai năm được làm điểm đề án "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", thôn Yên Phú, xã Liên Ninh đã nêu cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường của cán bộ và nhân dân; đường làng sạch đẹp, không khí trong lành… Đây là ý kiến đánh giá của UB MTTQ thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì và các đại biểu dự hội nghị sơ kết đề án được tổ chức hôm qua (8-12).

Dân tự quản

Bí thư Chi bộ 4, Yên Phú Nguyễn Thị Hoan còn nhớ, khi được Ủy ban MTTQ TP lựa chọn cùng với khu dân cư số 10, phường Việt Hưng (quận Long Biên) triển khai xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" không ít lời bàn lui, vì địa bàn thôn rộng, vừa có nhà dân, vừa có doanh nghiệp và có đến 400-500 người thuê trọ, rất khó thực hiện theo nền nếp. Biết là khó chả nhẽ bó tay - bà Hoan nói. Một cuộc khảo sát thăm dò dư luận được thôn tiến hành tại 307 hộ gia đình, chiếm 86,2% số hộ. Điều đáng mừng, đại đa số nhân dân rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải bừa bãi nên ủng hộ cao chủ trương để khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và đồng ý mỗi tháng đóng góp 2.000 đồng/người làm kinh phí tổ chức hoạt động thu gom rác thải. Chi bộ ban hành một nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, các ngành, đoàn thể và tổ chức họp dân để các hộ tự bàn bạc, đi đến thống nhất thực hiện 5 nội dung: chứa rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định; không xả nước thải, khí thải bừa bãi; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng và nộp đủ phí bảo vệ môi trường. Để động viên cán bộ, nhân dân trong thôn tích cực bảo vệ môi trường, UBND xã đã trích ngân sách trang bị 3 xe vận chuyển rác, 3 thùng chứa rác công cộng ngoài ra còn đóng bảo hiểm y tế cho 3 vệ sinh viên để họ yên tâm công tác (hiện tại mỗi vệ sinh viên được hưởng lương 1 triệu đồng/tháng).

Bà Hoan cho biết, khi người dân được bàn bạc, được quyết định hình thức tự quản thì tinh thần hưởng ứng rất cao, nhưng để phong trào duy trì đều đặn, thôn quyết định thành lập 9 tổ tự quản gồm 45 thành viên phụ trách 9 xóm. Số này chủ yếu là cán bộ các ngành, đoàn thể và những cá nhân tích cực tình nguyện hoạt động mà không đòi hỏi thù lao. Ngày ngày, họ tham gia giám sát việc chấp hành của từng hộ, nếu hộ nào đổ rác không đúng giờ quy định thì nhắc nhở, ngoài ra còn vận động và cùng người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ bảy hằng tuần. Ngoài ra, chi hội phụ nữ xung phong đảm nhận đoạn đường tự quản ở cuối làng; chi đoàn thanh niên đảm nhận đoạn đường 400m trước cửa làng, hàng tuần huy động đoàn viên, thanh niên tổng vệ sinh, nạo vét rãnh thoát nước, dọn sạch các điểm rác dọc quốc lộ 1A, trồng cây xanh nơi công cộng, rồi hướng dẫn người dân đổ nguyên vật liệu đúng nơi quy định…

Và những đổi thay rõ nét

Ông Đỗ Đình Khiếu, Chi hội Người cao tuổi thôn rất phấn khởi vì sau hai năm thực hiện điểm đề án "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", diện mạo xóm làng thay đổi trông thấy. Nhờ xã hội hóa việc xây dựng bảo vệ môi trường, nhân dân và doanh nghiệp cùng góp công sức, tiền của xây dựng được một tuyến đường bê tông, hệ thống cống rãnh thoát nước cũng được làm lại cho hợp vệ sinh. Đáng quý nhất là, cảnh quan, môi trường xung quanh các thiết chế văn hóa hay khu vực công cộng luôn sạch sẽ, mát mẻ, còn có cả ghế đá cho bà con nhân dân ngồi chuyện trò lúc thảnh thơi. Chị Phạm Thị Thực, một trong ba vệ sinh viên, người đã làm công việc thu gom rác trên địa bàn xã được 9 năm nhận xét: "Từ khi làm điểm về tự quản môi trường, hơn 90% số hộ đổ rác đúng giờ, khối lượng công việc chúng tôi phải làm giảm hơn do người dân chủ động vệ sinh ngõ xóm; tình trạng thả rông gia súc, gia cầm hạn chế hẳn". Còn Trưởng ban công tác mặt trận thôn Yên Phú Phạm Hồng Viện khoe: "Thôn đã tự chủ nguồn kinh phí dành cho hoạt động tự quản bảo vệ môi trường; hai năm qua trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra, cuộc sống được cải thiện, nhân dân phấn khởi và tự hào hơn vì môi trường làng quê ngày càng sạch đẹp".

Lê Hương


“Điểm đen” về rác

* Từ 8h ngay phía đầu đường Vương Thừa Vũ, trên mảng tường trống có tấm biển đề rõ ràng "Nghiêm cấm đổ rác ở khu vực này". Tuy vậy, ngay phía dưới, lại là một đống rác quá lớn. Nghịch lý khiến cho nhiều người đi qua không khỏi lắc đầu ngao ngán. Điểm đen này đã một lần được phản ánh trên báo Hànộimới.

* 11h30 dưới chân di tích cửa Ô Quan Chưởng trở thành nơi tập kết rác thải của một số hộ dân gần đó. Các số nhà: 1, 18 trên phố có nhiều rác trên vỉa hè.

* 15h tại số 8 Phan Chu Trinh rác gồm giấy ăn và thức ăn thừa vứt lăn lóc trên hè phố.

* 17h40 trên phố Hàng Tre trước cửa các số nhà 13C, 23 xuất hiện các đống rác lớn. Rác còn lấn cả lên nhà chờ xe buýt khu vực này khiến hành khách phải đứng chờ xe cả dưới lòng đường.

* Từ 19h phố Hàng Chiếu như trở thành phố của "rác". Rác sinh hoạt từ các nhà dân, túi lớn túi bé tập kết ra vỉa hè, tràn xuống lòng đường; rác từ các hàng, quán ăn mở từ đầu giờ chiều đã chất đống ngồn ngộn, đặc biệt là giấy ăn vương vãi khắp nơi... Có thể kể ra trước cửa một số nhà xuất hiện tình trạng này: số 5, 10, 16A, 27, 31, 40, 74... Thậm chí ngay trước cổng trụ sở UB MTTQ (số nhà 52) cũng bị án ngữ bởi khá nhiều rác.

* 20h30 trước cửa ngõ Cầu Đông là một đống rác lớn.

* 21h5 trên phố ngắn Nguyễn Trung Trực trước cửa các số nhà 11, 30 rác xuất hiện rất nhiều.

* 21h20 khu phố Lò Rèn trước cửa số nhà 16, 21, 22 hiện tượng đổ rác ra đường vẫn tái diễn...

Trang Phong

TUANPHONG