Đầu thế kỷ XX: Nghề in ở Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 29/11/2009

(HNM) - Với kỹ thuật in bằng bản khắc gỗ, trước đây ở khu vực Hà Nội có tới 318 phường in, cơ sở in và nhà in. Phường in Đa Bảo 216 tuổi (1665-1881); Hồng Liễu 211 tuổi (1683-1904); Quốc Tử Giám 89 tuổi (1820-1909)… Từ các bản khắc gỗ, trong quá trình in người ta vẫn không ngừng cải tiến để bản in được nhanh hơn và rõ hơn, vì thế kỹ thuật in chữ rời ra đời.

(HNM) - Với kỹ thuật in bằng bản khắc gỗ, trước đây ở khu vực Hà Nội có tới 318 phường in, cơ sở in và nhà in. Phường in Đa Bảo 216 tuổi (1665-1881); Hồng Liễu 211 tuổi (1683-1904); Quốc Tử Giám 89 tuổi (1820-1909)… Từ các bản khắc gỗ, trong quá trình in người ta vẫn không ngừng cải tiến để bản in được nhanh hơn và rõ hơn, vì thế kỹ thuật in chữ rời ra đời.

Lược sử nghề in

Nhà số 93 phố Hàng Bông, xưa là Nhà in Tân Dân những năm 1930.

Tại Trung Quốc, vào thế kỷ XI, một người thợ thủ công tên là Tất Thăng đã phát minh ra kỹ thuật in chữ rời bằng đất sét. “Đất sét dẻo được nặn thành từng thỏi nhỏ hình khối vuông, mỗi thỏi khắc một chữ, đem nung chín, tạo thành những con chữ rời. Khi in, xếp các con chữ lên một tấm sắt, trên lớp sắt đã tráng một lớp nhựa thông và nến, bốn xung quanh tấm sắt đặt một vành khuôn sắt, tạo thành những trang sách có khuôn khổ nhất định. Những con chữ được xếp trong khuôn sắt, đem đốt lên cho nhựa thông và nến chảy ra, dùng tấm ván phẳng đặt lên khuôn nén xuống cho các chữ đã đặt trong khuôn dính chặt vào tấm sắt. Sau đó, chỉ việc bôi mực lên mà in. Sau khi in xong, muốn gỡ con chữ ra, lấy lửa đốt nóng cho nhựa thông và nến chảy ra, các con chữ được đưa ra dùng lại” (Theo Lâm Giang - Lịch sử thư tịch Việt Nam - NXB Khoa học Xã hội, 2004).

Trong thực tế, các con chữ bằng đất sét nung thường dễ vỡ, đến đời Nguyên, Trung Quốc (1-1295), Vương Trinh, người Sơn Đông, phát minh ra chữ rời bằng gỗ. Trước hết, người ta khắc chữ lên mộc bản, sau cưa rời ra từng chữ một. Khi in, xếp chữ lên tấm ván, dùng thanh tre ép chặt các chữ đã được xếp. Khi một bản in đã đầy chữ, người ta lại dùng các mảnh gỗ nhét vào các khe hở, rồi xoa mực lên in. Tại Việt Nam, các con chữ bằng gỗ cũng đã được dùng in sách, hiện còn lưu giữ được 5 cuốn sách in bằng phương pháp này.

Vương Trinh khi phát minh ra chữ rời bằng gỗ có nói: “Đời gần đây lại có người dùng chữ bằng thiếc”. Như thế, chữ rời bằng kim loại, xuất hiện từ đời Nguyên, nhưng lúc đó chưa có mực dầu, in thường hỏng, nên kỹ thuật này không phát triển. Đến đời Minh đã xuất hiện sách in chữ rời bằng đồng. Kỹ thuật in thủ công từ Trung Quốc truyền qua Triều Tiên, từ chữ rời bằng đồng, người Triều Tiên bắt đầu đúc chữ rời bằng chì. Mặc dù, chữ chì được cải tiến và sử dụng khá sớm ở Triều Tiên nhưng vì chữ Triều Tiên không phải là chữ ghi âm hoặc vì vài lẽ khác nên nó không được ứng dụng rộng rãi tại nước này.

Sau khi kỹ thuật in của Trung Quốc được truyền qua châu Âu, liền được nền kỹ nghệ tiên tiến châu Âu thúc đẩy phát triển. Thế kỷ XIV, một người Đức tên là I-gan Guy-ten-béc đã sáng chế ra chữ rời, lúc đầu bằng gỗ, năm 1440 đã in cuốn kinh thánh của giáo hội. Chữ gỗ của Guy-ten-béc khác với chữ gỗ của Vương Trinh là các chữ được xuyên thủng và nối với nhau bằng một sợi dây thép. Nhưng in bằng chữ gỗ thường bất tiện, sau đó Guy-ten-béc cải tiến thay bằng sắt, nhưng sắt cứng nên khi in thường đâm thủng giấy, ông liền thay bằng chữ chì, nhưng chì lại quá mềm cũng không in được. Năm 1441, được sự giúp đỡ tiền bạc của một người thợ bạc tên là Gioăng Phớt, ông cùng con rể của Phớt là Pi-e Ri Xehô-phơ đã chế tạo thành công chữ rời bằng hợp kim chì, thiếc và đồng. Loại chữ rời này có công dụng tốt hơn nhiều so với chữ gỗ và chữ chì. Sau đó, Guy-ten-béc và con rể còn cải tiến mực in, thay thế tay quay máy in bằng đạp chân, nên năng suất và chất lượng tiến bộ rõ rệt. Năm 1808, một người Đức tên là Cô-ê-níc thiết kế máy in bằng máy. Đến năm 1814, Cô-ê-níc lại chế ra loại máy in mới dùng ống tròn ép in thay cho bản ép thẳng.

Nghề in ở Hà Nội

Trong khi nghề in ở châu Âu có những bước phát triển nhảy vọt thì vào thế kỷ XIX, ở Việt Nam, triều đình và các cơ sở in vẫn dùng mộc bản để in sách chữ Hán và chữ Nôm. Ngày 29-9-1861, nhận rõ sự tiện lợi của việc in bằng chữ Pháp và Quốc ngữ, Bona đem theo máy in và một số thợ in từ Pháp đến Sài Gòn, cho xuất bản tập san mang tên Công báo của đội quân viễn chinh Nam Kỳ lưu hành trong quân đội Pháp. Ngày 15-4-1865, Pháp cho ra đời tờ công báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, đặt tên là Gia Định báo. Ngày 13-12-1884, Thống sứ Bắc Kỳ cho xuất bản tờ Tương lai Bắc Kỳ, lúc đầu ba tháng một kỳ, từ 14-6-1886 ra hằng tuần. Báo lúc đầu in tại nhà in của nhà nước, sau là Nhà in Com-méc-xi-an của Xnây-đơ. Xnây-đơ là người Pháp gốc Đức sang Sài Gòn từ năm 1882, sau khi ra Hà Nội mua lại nhà in của nhà nước (ở gần Hồ Tây), mở thành nhà in tư để kinh doanh và từ năm 1887, in nhiều loại cho vùng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Năm 1893, Xnây-đơ được cử đứng tên Giám đốc tờ Đồng văn nhật báo. Lúc này, số công chức người Việt trong các công sở biết chữ Pháp còn rất hiếm, họ biết chữ Hán là chủ yếu, ngay chữ Quốc ngữ cũng chưa được phổ biến như ở Nam Kỳ nên Xnây-đơ xin phép xuất bản tờ Đồng văn nhật báo toàn bằng chữ Nho. Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Hà Nội là Đại Việt tân báo do E.Ba-buýt chủ trương. Trong khi Đại Nam đồng văn nhật báo vẫn xuất bản thì người chủ của nó xin phép xuất bản Đại Nam (Đăng cổ tùng báo) xuất bản hằng tuần. Đăng cổ tùng báo có hai bản, một bản chữ Pháp và một bản chữ Quốc ngữ cùng chữ Nho. Báo 16 trang, khổ 27,5x20cm, ra ngày thứ năm hằng tuần in ở Nhà in Xnây-đơ. Báo in chữ Quốc ngữ ở các trang số chẵn, và chữ Nho ở các trang số lẻ. Trang chữ Quốc ngữ chia làm hai cột, trang chữ Nho không theo cột mà theo bài.

Về công nghệ in báo, Xnây-đơ, giám đốc báo và là chủ nhà in, mua máy và các vật tư in từ Pháp sang. Máy in thuộc thế hệ thứ tư của Pháp, được đưa vào sử dụng in báo ở Pháp từ năm 1865 đến năm 1912, loại máy Rô-ta-ti-vơ Ma-ri-ô-ni, chữ Quốc ngữ là chữ rời, đúc ở Pháp, chữ Hán nhập từ Trung Hoa. Sau Nhà in Xnây-đơ, phải kể đến nhà in Tân Dân của nhà viết kịch Vũ Đình Long. Vũ Đình Long (1896-1960), quê thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), nổi tiếng với vở kịch nói Chén thuốc độc được công diễn trên sân khấu Hà Nội ngày 22-10-1921. Vở kịch đã đi vào lịch sử và sân khấu Việt Nam. Năm 1925, ông mở hiệu sách và Nhà in Tân Dân tại 93 Hàng Bông. Ông vừa là chủ nhà in vừa chủ trương các báo Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941), tuần báo Hữu ích (1937-1938)… và in các loại sách: Sách học, Quốc văn dẫn giải, Tập san Tao đàn, Những tác phẩm hay… Vũ Đình Long là người có tấm lòng ưu ái với các nhà văn đương thời. Các nhà văn Vũ Bằng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… trong lúc khó khăn đều được ông ứng tiền trước để sáng tác và khi có tác phẩm, ông lại in sách cho họ. Năm 1960, Nhà in Tân Dân vào công tư hợp doanh, sau đó sáp nhập với Nhà in Lê Văn Tân ở 136 Hàng Bông thành Nhà in Ngoại văn, chuyên in các tài liệu đối ngoại bằng các chữ Nga, Anh, Pháp, Lào, Campuchia, Trung Quốc... Nhà in Lê Văn Tân vốn là nhà in của bố vợ là Mạc Đình Tư trước đây, khi già yếu ông giao cho con rể trông nom. Nhà in Ngoại văn sau đổi là Nhà in Thống nhất.

Ở Hà Nội, khoảng đời Thành Thái, tại Sài Đồng, huyện Hoài Đức, thấy có các con chữ rời bằng đất sét nung, không rõ các chữ này đã dùng để in sách hay chưa nhưng hiện nay, người ta còn thấy các con chữ ấy được dùng gắn lên đá tạo thành một tấm bia. Nửa đầu thế kỷ XX, tiếp tục suối nguồn văn học, có thể nói ở vùng phía tây hồ Hoàn Kiếm vẫn là trung tâm in ấn của Hà Nội, sản phẩm in không thua kém của nước ngoài. Đó là Nhà in Viễn Đông (IDEO) có lịch sử lâu đời và là nhà in lớn thời đó. Tại 75 Hàng Bồ có Nhà in Lê Cường chuyên in báo Tia sáng. Nhà in Minh Sang của người Hoa ở phố Sinh Từ (sau đổi là phố Nguyễn Khuyến), nhà văn Giang Quân có tập sách in ở nhà in này. Sau công tư hợp doanh, Minh Sang đổi tên là Nhà in Khoa học kỹ thuật. Thời gian này, tại Hà Nội còn có Nhà in Xuân Thu của nhiếp ảnh gia Đỗ Huân. Năm 1948, ông in báo Công Luận của một số trí thức yêu nước sống giữa Hà Nội tạm chiếm. Ông Đỗ Huân vừa là chủ nhà in vừa là người dịch tin từ tiếng Pháp, tiếng Anh đăng lên báo. Sau năm 1954, Hà Nội có Nhà in Tiến Bộ chuyển từ Việt Bắc về. Nhà in dựng trên nền nhà Tiền là nơi giam tù chính trị của Pháp thời tạm chiếm. Nhà in Tiến Bộ trang bị máy móc hiện đại của Đức, là một cơ sở in có quy mô lớn, có nhiệm vụ in các tài liệu, văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Khi nghề in chữ rời bằng hợp kim chì du nhập vào nước ta thì chữ Quốc ngữ mới hình thành ở giai đoạn đầu. Kỹ nghệ in phát triển theo đà hiện đại và tiên tiến đã thúc đẩy tiếng nói và chữ viết phát triển theo. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn xuất hiện, với lối viết trong sáng và giàu sức biểu cảm đã đi vào lòng các tầng lớp thị dân, thanh niên và trí thức, công ấy có đóng góp không nhỏ của nghề in. Chính nghề in được hình thành và phát triển trên đất Thăng Long - Hà Nội, từ đơn giản đến hiện đại đã tạo một diện mạo văn hóa cho đất Hà Nội nghìn năm văn vật.

Trần Văn Mỹ

TUANPHONG