Cai nghiện ma túy cho con

Chính trị - Ngày đăng : 08:57, 26/08/2003

Tôi đã từng chứng kiến một cháu bé 13 tuổi bị cơn nghiện giày vò, hành hạ. Cậu bé này đã nghiện hơn một năm nay, nhưng phải đến tháng thứ tám, gia đình cháu mới phát hiện ra. Cháu khóc nức nở: “Cháu sợ lắm, làm thế nào để hết nghiện bây giờ hở cô”. Bố mẹ cháu cũng gầy xọp đi vì lo lắng cho con, nét mặt họ hằn lên sự đau khổ, nhưng họ không tuyệt vọng. Họ quyết định thay nhau ở nhà chăm sóc và quyết tâm cai nghiện cho con...

Tôi đã từng chứng kiến một cháu bé 13 tuổi bị cơn nghiện giày vò, hành hạ. Cậu bé này đã nghiện hơn một năm nay, nhưng phải đến tháng thứ tám, gia đình cháu mới phát hiện ra. Cháu khóc nức nở: “Cháu sợ lắm, làm thế nào để hết nghiện bây giờ hở cô”. Bố mẹ cháu cũng gầy xọp đi vì lo lắng cho con, nét mặt họ hằn lên sự đau khổ, nhưng họ không tuyệt vọng. Họ quyết định thay nhau ở nhà chăm sóc và quyết tâm cai nghiện cho con...

Cháu vốn là một đứa trẻ ngoan, biết tự lập. Bố mẹ cháu là chủ một cửa hàng kinh doanh băng, đĩa hình, bận rộn cả ngày, 9 giờ tối mới về đến nhà. Cháu được bố mẹ giao chìa khóa nhà, tự đi chợ, chuẩn bị cơm nước. Lần đầu tiên được bạn cho thử, cháu không biết đó là hít hêrôin. Lần thứ hai, khi biết, cháu cảm thấy sợ và tự dằn vặt nhưng bạn bè lôi cuốn, lại không biết hỏi ai, cháu bị nghiện lúc nào không hay... Nguyên nhân dẫn trẻ vào ma túy có nhiều: từ sự đau khổ về tinh thần, từ những sự việc rất cụ thể nhưng có thể từ những chuyện không rõ từ đâu. Chỉ cần người lớn thờ ơ một chút là bàn tay của ma túy có thể nắm lấy đứa trẻ bất cứ lúc nào.

Phát hiện ra những biểu hiện bất thường sớm nhất khi con cái bị nghiện thường là những người mẹ, người phụ nữ trong gia đình. Nhưng khi biết con mắc nghiện rồi, phải làm gì? Đó là câu hỏi gây bối rối, đau đầu nhất cho các bậc cha mẹ. Một vấn đề thấy rõ là nếu các bậc cha mẹ cố tình che giấu do xấu hổ, sợ mất danh dự thì càng đẩy con lún sâu vào con đường nghiện ngập. Bác Nguyễn Ngọc Thi, Hội trưởng Hội phụ nữ kiêm Trưởsng ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em phường Thanh Xuân Trung cho biết, tại phường bác có nhiều gia đình có con bị nghiện nhưng che giấu, khi cán bộ phường đến vận động, thuyết phục đi cai nghiện họ thường không tiếp hoặc chối là con không nghiện. Bác tâm sự: “Nói thật, để cai được một cháu khó lắm. Muốn cai nghiện ma túy cho trẻ trước hết phải có sự quyết tâm của các cháu, thứ hai là sự quyết tâm của gia đình. Không thể dùng biện pháp cưỡng bức trẻ đi cai nghiện, đem nhốt trẻ vào trại rồi ruồng rẫy, không quan tâm. Làm như vậy, trẻ sẽ không bao giờ bỏ được ma túy”.

Trẻ em sau khi mắc nghiện đều muốn thoát khỏi ma túy, nhưng không phải các em đều có đủ nghị lực để vượt qua những cơn nghiện khủng khiếp. Lúc này gia đình chính là điểm tựa duy nhất, là tác nhân quan trọng nhất mà các em có thể dựa vào. Hiện nay có hình thức mới trong việc cai nghiện: ngoài biện pháp cai nghiện tại trung tâm điều trị và cai nghiện ma túy, mô hình cai nghiện tại cộng đồng mà ở đó gia đình giữ vai trò then chốt là một phương pháp tốt, hữu hiệu. Mô hình này gồm gia đình, có sự trợ giúp của y tế và chính quyền địa phương, qua thực tế đã chứng minh mang lại hiệu quả cao nhất so với các mô hình khác. Thông tin mới nhất chúng tôi được biết là tại phường 13, quận 8, TP Hồ Chí Minh có 12/17 em cai nghiện ma túy tại nhà thành công.

Tuy nhiên, chữa nghiện cho trẻ không chỉ đòi hỏi trách nhiệm và tình thương của cha mẹ, người thân mà còn đòi hỏi phải thực sự tinh tế trong việc đối xử hàng ngày với trẻ. Có cháu được cai nghiện tại nhà nhưng do cha mẹ quá đau khổ, tức giận đã mắng mỏ, đay nghiến khiến cháu buồn chán, mất niềm tin ở cha mẹ. Có cháu đã tìm cách trốn khỏi nhà, đi lang thang và tiếp tục nghiện vì như vậy còn hơn phải chịu không khí căng thẳng, dằn vặt luôn thường trực trong gia đình.

Cai nghiện ma túy là một quá trình khó khăn, gian khổ. Sau khi cắt cơn, trẻ vĩnh viễn từ bỏ ma túy hay lại tái nghiện, điều đó phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của trẻ và sự kiên trì nhẫn nại của gia đình. Chỉ cần cha mẹ lơ là một chút là các em lại dễ tìm đến với ma túy. Trong thời gian này cha mẹ phải thường xuyên chăm sóc, an ủi, nhẹ nhàng trao đổi thẳng thắn với trẻ về quá trình cai nghiện, đồng thời quản lý thời gian sinh hoạt, các mối quan hệ bạn bè, tiền bạc và các vật dụng có giá trị một cách chặt chẽ. Những khi con vật vã khóc lóc, van xin được hút, chích vì quá thèm thuốc, cha mẹ phải có thái độ kiên quyết không nhân nhượng nhưng không ghét bỏ hoặc xa lánh con. Không cho trẻ tiếp xúc với bạn cùng nghiện, đi đâu có gia đình đi kèm. Đồng thời cha mẹ hướng, khích lệ trẻ tham gia vào những sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh.

Những gia đình có con cai nghiện ma túy phải thấy được trách nhiệm lớn của mình, không đổ lỗi cho ma túy, cho xã hội, rà soát, điều chỉnh lại lối sống của gia đình, bản thân mình phải gương mẫu, xây dựng nếp sống lành mạnh, dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Một gia đình biết quan tâm, giáo dục con nên người ngay từ nhỏ là một pháo đài mà ma túy hay bất cứ một tệ nạn xã hội nào khác cũng không thể xâm phạm được.

Việt Hà

THUHANG