Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:31, 19/01/2023

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, chiều 17-1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự, phát biểu các phiên họp quan trọng và có các cuộc tiếp xúc song phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong một buổi hội đàm. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

* Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế Alvaro Lario đã phát biểu tại phiên thảo luận của Liên minh hành động vì lương thực mang tên "Đầu tư củng cố tính tự cường" với sự tham dự của hơn 50 bộ trưởng các nước, lãnh đạo của các tập đoàn và tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm từ khắp các châu lục.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng chia sẻ ba bài học kinh nghiệm bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đó là coi trọng nông nghiệp, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và theo đó là các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và nông thôn; chú trọng gắn kết bốn nhà: Nhà nông, nhà khoa học, doanh nhân và Nhà nước; coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó tiêu biểu là hợp tác ba bên với Liên minh châu Âu và châu Phi.

* Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là diễn giả chính phát biểu tại phiên thảo luận "Kết nối lương thực - năng lượng - nguồn nước".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề lương thực, năng lượng, nguồn nước đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống; trong đó, cần thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong giải quyết mối quan hệ giữa lương thực, năng lượng và nguồn nước; gắn vấn đề hệ sinh thái - lương thực - năng lượng - nguồn nước với vấn đề biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

* Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg, Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Thế giới trong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, chất lượng cao cũng như tham vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý phục vụ chuyển đổi xanh.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

* Sáng 17-1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam - WEF.

Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam - WEF là hoạt động được WEF tổ chức, dành riêng cho Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos năm 2023. Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo toàn cầu đến từ các tập đoàn thành viên WEF trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ xanh, tài chính - ngân hàng… 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển bền vững; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên trì thực hiện ba đột phá chiến lược hạ tầng - thể chế - nhân lực.

* Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 53, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có các cuộc gặp với Chủ tịch toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered Jose Vinals; Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab; Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc; Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry; Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner.

Theo TTXVN