Cái gì mà ghê vậy?

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 11/10/2009

(HNM) - Thức ăn chăn nuôi là cái gì mà ghê gớm vậy? Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi có ghê gớm đến vậy? Quy hoạch, phát triển ngành - tạm gọi như thế, sản xuất thức ăn chăn nuôi có đòi hỏi một tầm nhìn ghê gớm?

(HNM) - Thức ăn chăn nuôi là cái gì mà ghê gớm vậy? Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi có ghê gớm đến vậy? Quy hoạch, phát triển ngành - tạm gọi như thế, sản xuất thức ăn chăn nuôi có đòi hỏi một tầm nhìn ghê gớm?

Ít ra, nó không "ghê" với nhiều nước, ngay cả những nước có trình độ phát triển trung bình hoặc thấp. Nhưng ở ta...

Mỗi năm, ngành chăn nuôi cần khoảng 17-18 triệu tấn thức ăn, tuy nhiên sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp mới đạt 50%, còn lại người chăn nuôi tự "chế". Trong khi đó, Việt Nam là nước nông nghiệp, lao động khu vực này chiếm tới 70% lao động cả nước. Họ là những "con mồi" tội nghiệp của các nhà sản xuất, nhập khẩu khi giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn 15-20% so với các nước trong khu vực (theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi), đồng thời luôn phải chạy theo bên bán.

Đầu tiên, chúng ta thiếu nguyên liệu. Hằng năm, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi vào khoảng 2 tỷ USD. Trong số 8,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp sản xuất trong nước mỗi năm, các nhà máy chế biến phải nhập khẩu 3,7 triệu tấn nguyên liệu.

Thứ hai, ta thiếu công nghệ sản xuất. Hiện nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào có thể đưa vào sản xuất đại trà mặc dù số viện thuộc ngành nông nghiệp, "dành" cho người nông dân, phục vụ người nông dân vào loại hùng hậu nhất làng khoa học. Để xoay xở, doanh nghiệp nhập công nghệ từ nước ngoài với chi phí rất đắt.

Thứ ba, ta thiếu nhân lực tâm huyết với nghề, từ cán bộ nghiên cứu đến sản xuất, kinh doanh, thị trường.

Thức ăn chăn nuôi đâu phải "sản phẩm" gì ghê gớm. Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đâu có gì ghê gớm. "Người ngoài" ăn ngon xoẹt: Hiện cả nước có 314 nhà máy. Tất cả các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Họ nhìn thấy đây là một mảnh đất màu mỡ thực sự và đang nắm giữ 65-70% thị phần.

Là nước nông nghiệp nhưng bỏ qua những ngành phụ trợ thiết yếu phục vụ sản xuất, chăn nuôi, chúng ta phát triển không có gốc và bấp bênh là vì vậy.

Người Xây Dựng

VANCHIEN