Quà tặng “Bát ngọc Thăng Long” là thể hiện cái tâm với Thủ đô 1000 năm tuổi
Xã hội - Ngày đăng : 16:12, 10/10/2009
(HNMO)- Công ty TNHH Minh Long I (Bình Dương) vừa trao tặng "Bát ngọc Thăng Long" và 5 chiếc "cúp Lạc Hồng" cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để làm quà tặng Đại lễ 1.000 năm TL-HN. "Bát ngọc" cao 80 cm, nặng khoảng 20kg, trang trí phong cảnh Hà Nội xưa và nay, với những họa tiết dát vàng. HNMO đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I - Lý Ngọc Minh (LNM) về quá trình làm món quà quý giá này…
Ông Lý Ngọc Minh giới thiệu về chiếc "Bát ngọc Thăng Long"
PV: Thưa ông, "Bát ngọc" là một món quà quý giá và độc đáo cho Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1.000 năm TL-HN. Xuất phát từ đâu ông có ý tưởng đặc biệt này?
Ông LNM: Cách nay hơn 5 năm khi thấy thông tin trên báo đài Thăng Long sắp được 1000 năm tuổi, thì tôi nghĩ ngay đến khi Thăng Long làm Đại Lễ mình phải làm sản phẩm gì đó để kỷ niệm nhân sự kiện này. Nếu làm một chiếc bình hoa, hay chậu hoa thì thường quá, mà làm cái cúp thì đẹp nhưng chưa đủ mới lạ, vả lại không biết mình có làm to hơn được không. Tôi chợt nghĩ phương Tây họ có cái cúp, mà cúp là ly, còn mình thì chỉ có cái bát vậy sao không làm cái bát. Họ có cúp vàng thì ta làm bát ngọc, tên nghe cũng hay. Vậy là tôi quyết tâm làm Bát ngọc.
PV: Ông có thể miêu tả rõ hơn về ý tưởng thiết kế mỹ thuật “Bát ngọc Thăng Long” cũng như chiếc “Cúp Lạc Hồng”?
Ông LNM: Chiếc bát ngọc được thiết kế cao 80 cm, nặng khoảng 20kg, được trang trí phong cảnh Hà Nội xưa và nay, với những họa tiết dát vàng. Các bức tranh vẽ trên bát ngọc với nhiều hình ảnh chìm nổi chạm khắc mô phỏng cảnh hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Lăng Bác, Chùa Một Cột, cầu Thê Húc, Văn Miếu Quốc Tử Giám...
Còn chiếc cúp cũng có kích thước khá lớn. Thân cúp đã lớn cộng thêm 2 quai rồng 2 bên lúc chưa nung tổng trọng lượng gần 20kg đè lên cái eo nhỏ đường kính chỉ 8cm đến 10 cm là điều không thể nào tưởng tượng được trong khi nung. Và trang trí thế nào cho ý nghĩa cũng là một việc rất khó.
Chính diện chúng tôi chọn Rồng- cũng là rồng phượng ( vừa rồng vừa tiên) với dáng vẻ uy nghi của một vì vua, chung quanh có sáu con rồng chầu như lúc vua lâm triều có bá quan văn võ, và bên trên có 2 con rồng quấn quýt nhau như sự thương yêu đoàn kết, cộng lại cũng tượng trưng con số 8. Mặt sau tôi chọn hoa sen với lối vẽ cách điệu tượng trưng là Hậu, với những con rồng chung quanh như mặt trước với ý nghĩa con cháu xum vầyvà luôn luôn trung hiếu. Cái cúp khi hòan thành đối với tôi cũng như là một chiến tích, 1 sự tự hào dân tộc vì đã làm được việc mà chắc chắn lịch sử ngành gốm sứ thế giới phải ghi vào như là một kỷ lục. Một sự đột phá mới trong kỹ thuật.
"Bát ngọc Thăng Long" và chiếc cúp Lạc Hồng.
PV: Xin ông cho biết, ông đã gặp những khó khăn gì trong quá trình làm những quà tặng quý giá này?
Ông LNM: Từ ý tưởng đến thực hiện mới thấy trăm muôn ngàn khó. Từ việc làm sao tạo hình 3 con linh vật mảnh mai mà vẫn cõng nổi cái bát. Nếu làm đủ sức chịu lực thì thô kệch, không đẹp. Khi nung cái bát chỉ có 3 điểm chịu lực nên lúc nung nó méo. Lúc nguội do bên dưới là hình khối, nhiệt thoát ra không được nên sinh ra ứng lực bể vỡ, chén thì cạnh nứt do trên dưới không đồng dạng; chưa nói đến trọng lực đè lên 3 con linh vật chịu không nổi, sẽ sụm đổ, nghiêng ngửa, phải khắc phục từng việc một, khó khăn vô cùng. Trong 3 năm liền chúng tôi làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm đều hư bỏ, tôi tưởng chừng như không có lối thoát.
Bên cạnh đó, việc trang trí để làm sao cho chiếc bát vừa đẹp, vừa có tính đột phá trong mỹ thuật và kỹ thuật để xứng đáng là quà Đại Lễ cũng không kém phần khó khăn. Tôi đã chọn cách khắc họa để làm nổi hình ảnh lên và dùng kỹ thuật vẽ dưới men nung nhiệt độ cao với màu xanh cobalt truyền thống và nung hoàn nguyên, vì đồ sứ từ cổ chí kim màu xanh coblat là màu đẹp nhất, xưa nhất và quý phái, sang trọng mà không phô trương, không lỗi thời với vẻ đẹp trường cửu.
Cùng lúc làm bát ngọc, chúng tôi cũng bắt tay làm tiếp một cái cúp khác phòng khi làm bát không thành công. Và để sản xuất chiếc cúp này cũng khó khăn không kém. Đó là việc xử lý những chỗ ráp nối. Thông thường khi làm cúp, sau khi nung xong, thường phải dán keo ráp lại rồi bắt ốc cho dính chắc vào nhau. Ở xa thì thấy được, nhìn gần những vết ráp trông rất thô kệch, làm xấu chiếc cúp. Nhưng đến giờ kỹ thuật chưa ai giải quyết đuợc. Lý do hết sức đơn giản, cái cúp đẹp là nhờ chiếc yêu nó nhỏ, như cái eo của cô thiếu nữ, nếu cho nó to ra thì thô, mà sứ khi nung lên nhiệt độ cao thì nó mềm bởi chuyển pha thủy tinh để hóa sứ, và trọng lượng trên mà càng lớn càng nặng đè xuống thì bên dưới sẽ không chịu nổi. Cho nên nó sẽ bị nghiêng đổ, còn nếu làm cúp như nước ngòai đang làm thì có 3, 4 đọan, nung xong ráp lại có dấu lắp ráp thì cũng không đẹp.
Sau 3 năm làm việc miệt mài cải tiến khắc phục liên tục với một nhóm khoảng 5 nghệ nhân làm liên tục, có khi làm cả ban đêm. Cuối cùng chúng tôi đã thành công với một sản phẩm hoàn chỉnh và đẹp tuyệt. Tôi rất tự hào về sản phẩm này, và việc tặng món quà này cho Hà Nội chính là thể hiện cái tâm của tôi đối với Thủ đô 1000 năm tuổi.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tuyết Minh