81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị: Trai Hà thành làm nên kỳ tích
Đời sống - Ngày đăng : 08:26, 10/10/2009
(HNM) - Những ngày Thu này, Hà Nội đang cùng cả nước kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có bao người con Hà Nội chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước, trong đó có thế hệ cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Nụ cười bên Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn công Tính |
Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn anh hùng), thuộc Sư đoàn 320B, tham gia Chiến dịch Trị Thiên, được Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Trong lực lượng của Trung đoàn có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ là người Hà Nội, thuộc nhiều thế hệ nhưng đa số là lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình (1954) vừa rời ghế nhà trường lên đường giết giặc. Những chiến sỹ giữ thành Hà Nội năm xưa dày dạn kinh nghiệm trận mạc bên cạnh những chiến sỹ trẻ lần đầu ra trận, họ lại cùng nhau chốt giữ Thành cổ.
Với quyết tâm cao, chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 48 xác định: Kiên trì, dũng cảm, ngoan cường trong phòng thủ, mưu trí, sáng tạo, táo bạo và chủ động tiến công; kiên quyết ngăn chặn và đánh bại mọi cuộc tiến công của địch với khẩu hiệu "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn". (Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48).
Chính quyền Sài Gòn đã huy động lực lượng tổng dự bị chiến lược và lực lượng dự bị của Quân khu 1 cho cuộc tái chiến này, bao gồm toàn bộ Sư đoàn Dù, Sư đoàn Lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 1 Bộ binh, Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 2 Bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân của Quân khu 1 hỗ trợ. Đặc biệt, Mỹ đã tăng 2 lần số máy bay chiến lược B52, triển khai lại các lực lượng không quân chiến thuật và hải quân chi viện hỏa lực trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn cho cuộc phản công của quân ngụy.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra vô cùng ác liệt. Cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn 48 đã kiên cường đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Phát huy kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu phòng ngự giữ thành Hà Nội năm xưa, nhiều trận phản kích của ta đạt hiệu quả cao, diệt nhiều địch, làm thất bại kế hoạch nhanh chóng tái chiếm của chúng, cũng có nghĩa đã làm thất bại âm mưu chính trị ngoại giao của chúng trên bàn thương lượng ở Hội nghị Pa-ri. Những chàng trai Thủ đô ngày thường hay mơ mộng, suy tư nhưng đã vào trận thì quả cảm, gan dạ và thông minh, sáng tạo tuyệt vời. Tuy cam go hơn mùa đông năm 1946, nhưng tinh thần quyết tử thì không thay đổi, sức mạnh nơi họ như được nhân lên nhiều lần, mỗi cá nhân có thể chiến đấu và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch. Tiêu biểu như các trận đánh của Tiểu đoàn 3 ngày 6 tháng 7 và của Tiểu đoàn 2 ngày 10, 11 tháng 7. Qua thực tế chiến đấu có thể khẳng định: "Một đại đội chốt với quân số và trang bị hiện có, với công sự vững chắc, được tổ chức chỉ huy chặt chẽ đủ sức đánh bại một đến hai tiểu đoàn địch có xe tăng chi viện". (Lời nhận xét của Chính ủy Trung đoàn 48 sau trận đánh ngày 10-7). Địch buộc phải thay đổi chiến thuật, từ "tốc chiến tốc thắng" sang "lấn dũi"; kế hoạch tái chiếm trọn vẹn Thành cổ của chúng liên tục phải gia hạn, so với ban đầu tăng lên gấp 8 lần.
"Nếu đem so với tất cả các trận đánh phòng ngự đô thị đã diễn ra trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt
Sau 81 ngày đêm oai hùng đó, Trung đoàn 48 cùng với các đơn vị bạn rút về qua sông Thạch Hãn, nhưng từ đó đã có nhiều bài học quý giá để giữ vững và giữ thành công 85% đất đai của tỉnh Quảng Trị cho đến ngày ta mở cuộc Tổng tấn công Mùa xuân năm 1975. Trung đoàn Thạch Hãn anh hùng lại có mặt trong những cánh quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.
Đất nước thống nhất, hòa bình, những chàng trai mười tám đôi mươi năm nào nay dù ở đâu, làm gì họ cũng luôn nhắc mình là những chiến sĩ của một trung đoàn anh hùng đã góp công lao trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hằng năm, những cựu binh của Trung đoàn tại Thủ đô vẫn thường gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm một thời máu lửa oai hùng. Rồi những chuyến đi về lại chiến trường xưa với bao xúc động nghẹn ngào. Mỗi khi đứng bên dòng Thạch Hãn, họ lại nghe xa vang những câu thơ da diết:
Đò xuôi Thạch Hãn… Xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ bãi mãi mãi nghìn năm…
(Thơ Lê Bá Dương).
Gia Linh