Tâm tình của những ca nương, kép đàn

Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 07/10/2009

(HNMO) - Tin vui Ca trù được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” khiến những ca nương, kép đàn trên khắp nước không khỏi hồ hởi nghĩ về một tương lai sáng lạn. Tâm trạng hồ hởi đó cũng được những ca nương, kép đàn mang đến trong Liên hoan Ca trù toàn quốc 2009 đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (từ 6/10 đến 10/10). Sáng nay (7/10), các CLB bắt đầu biểu diễn, tranh tài.

* Chiếu Ca trù tụ hội

Liên hoan ca trù toàn quốc 2009 khai mạc vào tối qua (6/10) cùng với sự kiện Festival phố nghề, làng nghề 2009 cùng diễn ra tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Tham gia Liên hoan Câu lạc bộ Ca trù năm nay có khoảng 200 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, trống với gần 90 tiết mục đăng ký tham gia Liên hoan của 21 câu lạc bộ (trong đó có sự tham gia của Trung tâm UNESCO ca trù thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam), đại diện 13 tỉnh thành trong cả nước: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh.


Các ca nương của Trung tâm UNESCO ca trù thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam

Trong ngày khai mạc, những ca nương, đào kép có mặt đều nghiêm chỉnh trong bộ trang phục truyền thống. Đào nương thì áo dài, khăn vấn đoan trang, e lệ. Kép đàn cũng vận áo the khăn xếp, trầm ngâm về những lời ca, điệu đàn chuẩn bị cho những tiết mục trình diễn cho sáng nay. Thời gian biểu diễn không quá 30 phút cho Câu lạc bộ có 3 ca nương và không quá 20 phút cho Câu lạc bộ có 2 ca nương.

Ca nương Tô Thị Minh Châu, thuộc CLB Ca trù Cao La, Thanh Hóa năm nay cũng ngót 60 tuổi hổ hởi khoe những tiết mục mà đoàn Thanh Hóa sẽ mang đi biểu diễn trong Liên hoan lần này. Nào là đoàn Thanh Hóa được xếp biểu diễn ở vị trí thứ 7, con số khá đẹp để biểu diễn; nào là các ca nương Thanh Hóa dù đã “cứng” tuổi, đều đã làm bà hết thảy nhưng giọng hát vẫn ngọt lắm; nào là đến với Liên hoan lần này Ca trù Thanh Hóa sẽ mang một màu sắc riêng... Tâm sự hào hứng một hồi, ca nương Minh Châu lại phân trần: “Hôm trước tôi trót uống một ly nước đá, lại vừa vượt một quãng đường xa đến Hà Nội nên có triệu chứng bị mất giọng. Hôm nay nghe hơi khàn khán, nếu sức khỏe thì hát vào lắm”. Nói rồi, ca nương 60 tuổi say sưa hát một đoạn trong bài “Tỳ Bà hành”, đến những chỗ cần gõ phách ca nương lại giả nhịp phách rồi giảng giải “chỗ này phải gõ phách dồn mới hay”.


Nghệ nhân Ngô Trọng Bình và ca nương Tô Thị Minh Châu

Cũng trong đoàn Thanh Hóa, nghệ nhân Ngô Trọng Bình săm sắn chạy ngược xuôi, trên cổ lủng lẳng một máy ảnh “cỡ bự” như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ ông đã 83 tuổi, bởi dáng đi thoăn thoắt, ánh mắt linh hoạt và có tài hùng biện rất cuốn hút. Ông là nghệ nhân có tiếng ở Thanh Hóa, người có công khơi dậy tình yêu ca trù tại CLB Cao La và truyền dạy nghệ thuật này cho thế hệ đi sau. Ông khoe, phong trào học hát Ca trù ở Thanh Hóa lên lắm. Buổi sáng các ca nương, đào kép đi làm ruộng, bán rau, làm xe ôm… nhưng tối về lại quây quần say sưa gõ phách, đánh đàn. Có những ca nương mới học được 3 tháng nhưng đã đủ tự tin để đi hát và còn tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc năm nay.

Đến với Liên hoan lần này, món quà mà nghệ nhân Ngô Trọng Bình cất công mang đi để khoe với các CLB bạn, đó là kịch bản vở Ca trù có tên “Hồi sinh”, do chính ông thực hiện từ rất nhiều đêm mất ngủ. Kịch bản vở Ca trù “Hồi sinh” được ông cất kỹ, nâng niu trong cái cặp to đeo bên hông. Ông bảo, mang kịch bản đi khoe để biết đâu có ai đó yêu thích ca trù, yêu thích ý tưởng của ông sẽ có cách biến kịch bản này thành một vở ca trù đầu tiên trên sân khấu. Kịch bản vở Ca trù “Hồi sinh” dày 11 trang giấy A4, có thể còn khá sơ xài nhưng đó là tâm huyết, tấm lòng của một nghệ nhân cao tuổi luôn ấp ủ một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật Ca trù.

Không giống như CLB Ca Trù Thanh Hóa, Trung tâm UNESCO ca trù thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam lại mang đến Liên hoan lần này một “dàn” ca nương trẻ trung, xinh đẹp. 5 ca nương của Trung tâm đều ước chừng ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, thướt tha trong bộ áo dài màu đỏ sậm, tóc vấn cao. Tranh thủ lúc rảnh rang, chờ đợi các tiết mục, 5 đào nương ngồi lại để ôn bài, cho chuẩn phách, chuẩn âm. Thỉnh thoảng, lại có người đến nhắc nhở, chỉnh lại cách ngân, cáchlấy hơi cho những ca nương trẻ.

* Điều khó nói của những nghệ nhân

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2009 là sân chơi để các CLB ca trù trên toàn quốc tụ hội để cùng nhau học hỏi, trao đổi các cách hát góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Liên hoan năm nay, nghệ nhân cao tuổi nhất là trên 85 tuổi, trẻ nhất là 10 tuổi đều có tiết mục tham gia.

Trong không khí hồ hởi của một ngày hội dành cho ca trù, những người có tâm huyết trong việc gìn giữ nghệ thuật Ca trù vẫn canh cánh một nỗi lo làm sao để truyền dạy hiệu quả cho thế hệ sau. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (các ca nương, đào kép thế hệ sau quen gọi thân mật là Cụ Đẹ), người giữ vai trò giám khảo cho Liên hoan, trầm ngâm: “Nói thật là hát ca trù chỉ là đam mê thôi, chứ không thể sống được bằng nghề. Cả tối ngồi đàn gù cả lưng cũng được bồi dưỡng vài ba trăm nghìn, mà đâu phải ngày nào cũng ngồi đàn, hát được. Nói vậy, có nghĩa là cách tốt nhất để bảo tồn Ca trù là phải đầu tư kinh phí chứ không thể ngồi suông uống nước lã. Những nghệ nhân có tuổi như chúng tôi thì chẳng nói làm gì, truyền dạy là vì cái tâm chứ cũng có sống được bao lâu nữa. Nhưng còn những cháu nhỏ, lớp thanh niên, muốn họ học chăm chỉ thì cũng nên có chút bồi dưỡng cho các cháu để động viên, khuyến khích”.


Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trả lời báo chí

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam, người chịu trách nhiệm khoa học trong việc lập hồ sơ Ca trù:

Chúng ta đang cố gắng khôi phục và đưa Ca trù vào đời sống và tôi tin là ca trù có một không gian trong đời sống đương đại. Trong kho tàng Ca trù cổ có 50 điệu,trong đó có 20 điệu là ngâm thơ, vì thế tại sao lại không thể đặt lời mới cho Ca trù? Tôi cho đó cũng là một cách làm để gìn giữ và phát triển Ca trù. Thế giới rất coi trọng vấn đề “truyền khẩu”, tại sao ta lại không? Truyền khẩu có nghĩa là truyền một, sáng tạo 10, vậy nên ta không sợ sự thất truyền.

Hiện giờ, phần lớn các ca nương trẻ chỉ hát được 1 điệu (thể cách), các nghệ nhân có tuổi thì có thể hát được trên 10 điệu, như cụ Trúc hát được 10 điệu, cụ Kim Đức có thể hát được từ 10 – 15 điệu. Tôi tin là, với những cố gắng hiện nay của những nhà làm văn hóa, các nghệ nhân thì 5 năm sau, các ca nương trẻ có thể hát được 7 điệu.

Cụ Đẹ kể, ngày cụ còn ở Hải Dương, tham gia truyền dạy cho lớp thanh niên ở CLB, có đơn vị đến CLB cho hai cái loa, hai cái trống cái to và một tấm phông. Họ nói là ủng hộ để CLB truyền dạy, gìn giữ ca trù, tổng số tiền các hiện vật là 20 triệu đồng. Quả thật, CLB chẳng biết làm gì với hai cái loa và hai cái trống, bởi ca trù đâu có dùng loa và trống to để hát và gõ phách. Nhưng khi CLB đề xuất chỉ xin 3 triệu đồng tiền mặt để trang trải và bồi dưỡng cho các cháu thì lại gặp không ít khó khăn và lời từ chối. “Giờ tôi cái gì cũng dạy, vừa dạy đàn, dạy hát, gõ phách… các cháu lĩnh hội được càng nhiều thì mình cũng mừng. Chứ cứ như cách nghĩ ngày trước, chỉ bo bo phần sở trường của mình thì phí lắm, mai một hết”, cụ Đẹ giãi bày. Cụ Đẹ năm nay đã sang tuổi 87, được biết cụ được Viện âm nhạc Việt Nam mời cộng tác, tham gia việc truyền dạy ca trù cho thế hệ sau ngay tại Viện âm nhạc.

Cùng chung tâm trạng với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, nghệ nhân Ngô Trọng Bình cũng không giấu được nét buồn khi được hỏi về thế hệ trẻ ứng xử với nghệ thuật Ca trù. Ông tâm sự, trong CLB Cao La, Thanh Hóa hiện có 20 người theo học, nhưng chỉ có 8 – 9 người có thể biểu diễn, học viên trẻ tuổi nhất giờ cũng đã 52 tuổi. Theo lời ông, ngày trước cũng có 2 học viên trẻ tuổi đến xin học nhưng được một thời gian thì bỏ vì thấy nhạc “Tây” hay hơn. CLB Cao La chủ yếu là quy tụ những tâm hồn cùng chung tình yêu với nghệ thuật Ca trù. Kết nối duy nhất với mọi người là niềm đam mê chứ không có một lịch hoạt động chuyên nghiệp cụ thể. Đến giờ, CLB Cao La vẫn đi biểu diễn, những chỉ khi nào có lời mời và cũng có nhiều buổi biểu diễn các ca nương, đào kép biểu diễn miến phí để mong người nghe chịu khó ngồi lại thưởng thức là tốt rồi.

Nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phí vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây vừa là vinh dự, vừa là trọng trách của những nhà quản lý văn hóa và các nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ và đưa Ca trù vào đời sống. Liên hoan ca trù toàn quốc 2009 cũng là dịp để các CLB ca trù toàn quốc hội tụ để từ đó tìm ra câu trả lời và cách làm phù hợp với địa phương mình. Liên hoan nằm trong loạt sự kiện chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bài, ảnh Lệ Quyên

LEQUYEN