Trung thu nhớ bánh rậm mẹ làm
Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 01/10/2009
Bánh rậm món quà quê dân dã với nhiều mối dịp trung thu về.
Xưa, cỗ Trung thu nơi miền quê không có bánh nướng, bánh dẻo mà chỉ có những chiếc bánh rậm mẹ tự làm. Bánh rậm đã trở thành hương vị đặc trưng của Trung thu miền quê tôi - đồng bằng Bắc bộ.
Bánh rậm (còn gọi là bánh rợm) là loại bánh có hình lăng trụ (gần giống với bánh giò) được gói vuông cạnh. Đây là loại bánh đơn giản, được làm chủ yếu từ gạo nếp với nhân đỗ xanh.Bánh dân dã, mang hương vị của thôn quê dẻo ngon, đậm đà và là biểu trưng cho tình cảm gia đình, quê hương.
Bánh thường được làm vào những dịp như Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, Lễ Vu Lan rằm tháng 7, đặc biệt là để chuẩn bị cho mẫm cô trông trăng rằm tháng Tám.
Mẹ kể rằng, bánh rậm ra đời cùng với Tết Trung thu. Ở quê, loại bánh được tự làm để thêm vào mân cỗ trông trăng.
Xưa, bánh rậm có hai loại là bánh ngọt và bánh mặn, tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình. Bánh mặn có hương vị ngọt bùi của nhân, vị dẻo ngon của bột nếp, còn bánh mặn có vị béo, thơm và man mát từ dừa tươi.
Làm bánh có nhiều công đoạn, từ xay bột, thổi đỗ xanh, chọn lá chuối đến việc nặn rồi hấp chín bánh. Mỗi công đoạn đều cần người làm khéo léo và có kinh nghiệm. Bà nội tôi khi đó thường nói rằng, không một ai làm bánh rậm lần đầu lại làm ngon cả. Để có được bánh ngon, ai cũng phải qua lần này lần kia mới làm tốt hết các công đoạn.
Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị bột. Bột gạo nếp có thể xay khô rồi trộn nước, hoặc xay gạo ướt đều được. Với việc xay bột khô, người làm bánh cần ước để trộn lượng nước phù hợp. Nước mà nhiều là bột nhão nhoét, không thể nặn được bánh. Còn ít nước quá cũng làm cho bánh sau khi nặn bị nứt và vỡ để lộ nhân bánh. Còn có cách là ngâm gạo nếp và xay với nước để tạo ra bột loãng mà không cần trộn. Bột sau khi xay phải được đem đi lọc ngay.
Ở quê, thông thường người ta lọc bột bằng tro đun bếp, trải lên một tấm vải và đổ bột lên đó cho nước thấm dần vào tro. Người làm bánh phải thường xuyên trông nom và biết khi nào bột đã đủ độ để bỏ ra, nếu không bột sẽ khô và khó nặn.
Chọn lá chuối Tây (cây chuối thấp, lá to, dai) là tốt nhất. Lá chuối được phơi qua nắng hoặc cho vào bếp hun để dai và dễ gói. Đỗ xanh thì chọn loại hạt nhỏ màu vàng, thịt ba chỉ thái hình hạt lựu thêm chút muối, mì chính và hạt tiêu để nhân bánh được đậm hơn. Ngoài ra, cả nhân bánh ngọt và mặn đều có thể thêm dừa tươi để bánh có vị ngọt man mát...
Khâu nặn bánh thường là đơn giản nhất, con cái cũng có thể ngồi nặn cùng bố mẹ, ông bà để thêm cảm giác quây quần và đầm ấm.
Sau cùng là khâu hấp bánh (thôn quê thường gọi là luộc cách thủy). Mỗi gia đình tự gói, kích cỡ bánh khác nhau nên thời gian hấp bánh cũng không cần quy định cụ thể. Chỉ biết, hấp đến khi bánh màu trắng trong là được.
Nguyễn Dịu (ĐV)