Kết thúc US Open 2009: Làn gió mới

Thể thao - Ngày đăng : 06:59, 16/09/2009

Niềm vui sau khi giành cúp của  tay vợt Del Potro.(HNM) - Lâu lắm rồi mới có một giải Grand Slam mà nhà vô địch đơn nam không phải là Roger Federer (15 Grand Slam) hay Rafael Nadal (6) và tay vợt đăng quang giải đơn nữ không phải Serena Williams (11) hay Venus Williams (7). Chắc chắn, đó là sự mới mẻ cần thiết và đáng chờ đợi tại US Open 2009.

Juan Martin Del Potro (20 tuổi) vừa khép lại US Open 2009 với một trận chung kết đáng nhớ trước Roger Federer huyền thoại (5 lần vô địch liên tiếp cùng chuỗi 40 trận thắng liên tục tại US Open). Del Potro 2 lần bị Federer dẫn trước 1 séc nhưng vươn lên 2 lần gỡ hòa (đều bằng chiến thắng ở bàn tie-break, nơi mà đẳng cấp và phong độ được thể hiện rõ nhất) trước khi thắng ván thứ 5 với tỷ số cách biệt 6/2 khi tay vợt nam số 1 thế giới có dấu hiệu xuống sức. Đây là trận đấu mà cả 2 đều chơi không hay như phong độ, có lẽ do tính chất căng thẳng của một trận chung kết Grand Slam. Trong năm nay, Del Potro đã hạ Rafael Nadal 3 lần, hạ cả Andy Murray và nhiều tay vợt hàng đầu khác, nhưng chưa bao giờ Del Potro thắng Federer. Lịch sử đã được viết lại sau US Open 2009.

Sức trẻ cùng tài năng của Del Potro đã thắng kinh nghiệm và bản lĩnh của Federer. Ở tuổi 28, Federer hiểu rõ thời gian đang chống lại anh, nhưng năm 2009 đã khép lại 4 giải Grand Slam thật đáng nhớ đối với siêu sao Thụy Sĩ này. Anh vào chung kết cả 4 giải Grand Slam, vô địch 2 giải (Roland Garros, Wimbledon), hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam trên 4 loại sân khác nhau và vượt qua kỷ lục 14 Grand Slam của Pete Sampras. Federer giàu thành tích nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử, ít người phủ nhận điều đó. Nhưng kể từ năm sau, có lẽ chúng ta sẽ nói về những tay vợt khác nhiều hơn Federer.

Các danh hiệu vô địch

- Đơn nam: Juan Martin Del Potro

- Đơn nữ: Kim Clijsters

- Đôi nữ: Serena Williams/Venus Williams

- Đôi nam: Lukas Dlouhy/Leander Paes

- Đôi nam nữ: Carly Gullickson/Travis Parrott.

Federer đã rất may mắn khi Nadal bị loại sớm tại Roland Garros, sau đó vì chấn thương nên không thể dự Wimbledon trong tư cách ĐKVĐ. Dẫu sao Nadal cũng có 1 Grand Slam (Australian Open 2009) và vào đến bán kết US Open, giải Grand Slam duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của anh. Nadal là một giá trị cũ, tuy mới ngoài 22 tuổi nhưng đã là cựu binh trên đỉnh cao ten-nít nam thế giới. Ngôi sao mới Andy Murray trong năm nay đã có lúc vươn lên ngôi số 2 thế giới (đồng thời là tay vợt vô địch nhiều nhất trong năm 2009: 5 giải) nhưng điều mà giới hâm mộ vương quốc Anh chờ đợi đã không xảy ra. Murray vẫn chưa vô địch Grand Slam, thậm chí trong năm nay không vào nổi một trận chung kết Grand Slam nào. Không thể phủ nhận Murray có tiềm năng lật đổ Federer và Nadal, nhưng tay vợt Scotland này nên tự cảnh tỉnh mình: Del Potro đã có Grand Slam rồi đấy, sánh bước cùng Federer, Nadal và Djokovic.

Làng ten-nít nam hiện có 6 tên tuổi nổi trội hơn hẳn nhóm còn lại, gồm Federer, Nadal, Murray, Djokovic, Del Potro và Roddick. Phong độ của các tay vợt này rất ổn định nên thường vào sâu ở các giải lớn. Ten-nít nam ít có biến động như ten-nít nữ khi người ta chứng kiến hàng loạt tay vợt trẻ xuất hiện qua từng giải đấu. Melanie Oudin (17 tuổi) đã gây chú ý từ Wimbledon 2009 và tiếp tục gây tiếng vang khi vào đến tứ kết US Open 2009 sau khi loại Elena Dementieva, Maria Sharapova, Nadia Petrova. Yanina Wickmayer và Caroline Wozniacki lần đầu vào bán kết Grand Slam. Tất cả đều ấn tượng, nhưng vẫn chào thua Kim Clijsters.

Cựu số 1 thế giới người Bỉ này loại 5 tay vợt trong top 20 (trong đó có chị em nhà Williams với tổng cộng 18 chức vô địch Grand Slam) trên hành trình vô địch US Open 2009. Serena gọi đó là "sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử ten-nít" bởi Clijsters mới trở lại với ten-nít sau gần 2 năm giải nghệ. Clijsters tuy cũ mà mới, chiến thắng của cô là điều đổi mới cho ten-nít và là động lực thúc đẩy Justin Henin cân nhắc trở lại với quần vợt. Hy vọng trong năm 2010 chúng ta sẽ được thấy Henin, Clijsters, chị em nhà Williams tranh tài với những ngôi sao mới của làng ten-nít thế giới.

Những giá trị cũ vẫn còn đó, nhưng hãy coi chừng sự trỗi dậy của những làn gió mới đang làm phong phú đời sống môn thể thao được ưa chuộng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau bóng đá.

Mây Sơn

VANCHIEN