Phố Hàng Bạc
Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 18/08/2003
Con phố dài 280m từ ngã ba Hàng Bè - Hàng Mắm, cắt ngang ngã tư Đinh Liệt - Tạ Hiện, tạo ngã ba với phố Mã Mây đến chỗ tiếp giáp ngã tư phố Hàng Đào, Hàng Ngang, nối tiếp Hàng Bồ, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.
Thời Pháp thuộc, phố có tên là Những người đổi bạc (Rue des Changeurs). Tại số nhà 74 là rạp Kim Chung, nay là rạp "Chuông Vàng", xưa là phố của các cửa hàng kim hoàn. Gần đây nhiều cửa hàng kim hoàn đã mở lại.
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc hai thôn Đông Thọ và Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Phố Hàng Bạc trước đây có 3 nghề khác nhau: nghề "đúc bạc nén", nghề "kim hoàn" và nghề "đổi tiền". Những người đúc bạc đều là dân làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Thời Lê, ở đây có xưởng đúc bạc nén, nay là số nhà 58. Dân làng Trâu Khê lên đây làm nghề đã lập hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình ở nhà số 50, dân vẫn quen gọi "đình 50", trước gọi là Trương đình (Đình trên) và một đình ở nhà số 42, dân quen gọi "Đình 42", trước gọi Kim Ngân đình (Đình dưới). Đến cuối thế kỷ XIX, dân Trâu Khê lên lập nghiệp quá động, nên hai đình Hàng Bạc không đủ, học đã mua lại đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng để lập đền thờ vọng về quê, gọi Trâu Khê vọng sở.
Ngoài ra phố này còn có nghề đổi tiền, đổi bạc. Nghề đúc bạc được chấm dứt vào thời Gia Long, khi kinh đô dời vào Huế, còn nghề đổi tiền kéo dài đến khi Pháp sang. Cuối cùng là nghề kim hoàn. Thợ kim hoàn là người Định Công thượng (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làm nghề kim hoàn còn có người làng Đông Sâm (huyện Kiến Xương, Thái Bình).
Trích Từ điển đường phố Hà Nội