Chùa Diên Hựu

Xã hội - Ngày đăng : 14:31, 15/08/2003

Thường gọi là chùa Một Cột, ở thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay gần phía bên phải Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, Hà Nội...

Chùa Một Cột.
Ảnh: Tuấn Anh

Thường gọi là chùa Một Cột, ở thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay gần phía bên phải Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Chùa là công trình kiến trúc độc đáo xây dựng năm Kỷ Sửu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Tương truyền vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà, khi tỉnh dậy vua kể lại việc ấy với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Vua cho kén thợ làm theo kiểu ấy.

Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ toà phật sắc hồng, trong đặt tượng Phậtvàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tụng kinh niệm Phật, cầu chúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Cũng có truyền thuyết nói chùa có từ thời thuộc Đường, đền đời Lý Thánh Tông nhà vua tuổi cao chưa có con nối dõi chiêm bao thấy Phật Quan Âm dẫn lên toà sen trao cho một đứa bé, năm sau vua sinh hoàng tử. Vua bèn cho sửa lại chùa theo kiểu đài sen nở trên mặt nước như đã thấy trong mộng.

Đời Lý Thánh Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 5 (1080) vua cho đúc chuông lớn để treo ở chùa . Chuông đúc xong đánh lên không kêu, nhưng vua cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu huỷ, bèn đem bỏ ở ruộng rùa gần bên chùa. Ruộng thấp ướt có nhiều rùa (quy điền), quả chuông do đó cũng gọi là chuông Quy Điền (khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan, hết quân khí, Vương Thông đã phá chuông này để đúc súng đạn). Năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 5 (1105) lại sửa chữa đẹp hơn xưa: xây tháp chóp sắt trắng ở phía trước chùa, đào hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu vồng để đi qua. Mỗi tháng ngày sóc vọng vua đến lễ chùa, hàng năm vào ngày 8 tháng 4 vua đến làm lễ Tắm Phật. Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) thời Trần có bài thơ Chùa Diên Hựu như sau:

Trời thu đêm vắng, tiếng chuông buông

Ánh ngụyêt lung lay, đỏ lá bàng

Chim cắt ngủ treo khuôn kính lạnh

Tháp ngời đôi ngọn buốt búp măng

Mỗi duyên chẳng bợn, ngăn lòng tục

Phiền nhiễu khuây lâng, rộng nhãn quang

Hiểu thấu thị phi đều một gốc

Cung Ma, nước Phật cũng xem ngang

Chùa đã qua nhiều đợt trùng tu, trong đó đợt sửa chữa lớn năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1249) đời Trần Thái Tông gần như phải làm lại toàn bộ. Thời Lê triều đình nhiều lần cho tu sửa thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hoà tổ chức quyên góp thập phương giao cho con trai cả là ngự y Đặng Tá (hiệu Lương Hiên) trông nom việc sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và cửa tam quan.

Năm Tự Đức Nhâm Tí (1852) bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm Tự Đức Giáp Tí (1864) tổng đốc Tôn Thất Hàm ưng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ thêm công phu tráng lệ. Năm 1954 trước khi rút khỏi Hà Nội quân Pháp đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản Bộ Văn Hoá đã cho tu sửa Chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để bảo tồn một trong những di tích lịch sử văn hoá lâu đời của dân tộc.

Trích Từ điển di tích văn hoá Viêt Nam

ANHTHU