Để có hệ thống chợ văn minh hiện đại

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:20, 12/10/2022

(HNM) - Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 03-CTr/TU), Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, rà soát, tổng hợp danh mục 20 chợ dân sinh cần cải tạo, nâng cấp. Cùng với đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Người dân mua thực phẩm tại chợ dân sinh xã Dục Tú (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Rà soát, lập danh mục chợ cần cải tạo

Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã đề ra 6 nhiệm vụ. Trong đó, bên cạnh việc đầu tư mới hạ tầng dịch vụ logistics, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại lớn…, chương trình đề ra chỉ tiêu đầu tư, cải tạo, xây dựng 20 chợ.

Triển khai Chương trình số 03-Ctr/TU, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND 12 quận, 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) và UBND thị xã Sơn Tây rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp chợ của địa phương. Trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã (tổng số 41 chợ xây mới và 59 chợ cải tạo sửa chữa), Sở Công Thương đã rà soát, lập danh mục 20 dự án chợ tiêu biểu, khả thi để đưa thành nội dung giám sát, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-Ctr/TU.

Thông tin thêm vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cơ bản hoàn thành đề xuất; đồng thời, phối hợp rà soát lại 1 dự án chợ đang vướng về quy hoạch… Trong 3 tháng cuối năm 2022, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện hoàn thiện chi tiết kế hoạch, lộ trình đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ để giám sát, đôn đốc thực hiện.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Điển hình như các quận, huyện còn thiếu chủ động trong quá trình xác định danh mục đầu tư cải tạo chợ. Bên cạnh đó, do vướng mắc về cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách vì việc xã hội hóa khó thu hút nhà đầu tư do lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp. “Giá thuê địa điểm kinh doanh cũng tăng dẫn tới thiếu đồng thuận”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.  

Đề xuất cơ chế ưu đãi

Với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, hệ thống chợ dân sinh có vai trò quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống chợ hiện có, đồng thời bổ sung chợ dân sinh mới theo hướng văn minh, hiện đại. 

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ thống chợ dân sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ vốn từ ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng chợ; nâng cấp, phát triển chợ truyền thống kết hợp với nâng cao chất lượng dịch vụ và khuyến khích phát triển mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ văn minh thương mại.

Bà Trần Thị Phương Lan thông tin, trước việc khó thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo chợ, nhất là tại khu vực nông thôn, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay… đối với nhà đầu tư... Bộ Công Thương cũng cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh, cũng như cách xử lý đối với hộ kinh doanh đã ký hợp đồng và đóng trước tiền thuê điểm kinh doanh.

Từ góc độ tiểu thương, bà Nguyễn Thu Hà, kinh doanh tại chợ Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) chia sẻ, xây dựng, cải tạo lại các chợ cho khang trang, sạch đẹp là mong muốn của cả người dân và các hộ kinh doanh.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ, cần làm rõ quy hoạch, mục tiêu sử dụng và công năng của chợ; công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ để nhà đầu tư xem xét, lựa chọn. Bên cạnh đó, Nhà nước nên đứng ra thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Làm việc với Sở Công Thương về việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 4-10, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Nguyễn Doãn Toản đề nghị, Sở Công Thương cần là đầu mối kết nối, tổng hợp các công việc liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cũng như ghi nhận, tập hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, báo cáo thành phố tháo gỡ. Đặc biệt, về cải tạo, xây dựng các chợ trên địa bàn, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, trên cơ sở hơn 100 chợ mà các quận, huyện đăng ký đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, không nhất thiết chỉ lựa chọn cải tạo, xây dựng 20 chợ như chỉ tiêu đề ra.

Hình thành được hệ thống chợ dân sinh văn minh, hiện đại, tiện lợi cho người tiêu dùng là nhu cầu thiết yếu, phù hợp xu hướng phát triển của Thủ đô.

Thanh Hiền