Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Tạo nguồn lực cho hướng đi mới

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:25, 19/10/2022

(HNM) - Triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (ngày 17-4-2018) của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời thực hiện mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao

Các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách ưu đãi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, công ty đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo công nghệ của Nhật Bản. Với công nghệ hiện đại, sản phẩm của công ty đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường, mỗi tháng bán 40 tấn nấm cho các siêu thị, cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh thu đạt 15 tỷ đồng.

Ở góc độ địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, huyện đã triển khai nhiều giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, Đan Phượng đã có 8 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung... Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng đáng kể, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Triển khai Nghị định số 57/2018/ NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện mục tiêu đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội đã tập trung nguồn lực phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thành phố có khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: “Toàn thành phố có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống lúa, rau, hoa và cây ăn quả; 9 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản - công nghệ chế biến nông sản... Từ việc ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nông sản tăng mạnh, mang lại thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững”.

Tiếp tục đưa chính sách vào thực tiễn

Hiệu quả của việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã rõ, nhưng có một thực tế là thành phố mới chỉ có 1 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT. Phần lớn các mô hình còn lại có quy mô nhỏ lẻ và mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từng phần nên chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp Hà Nội.

Về việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chủ trang trại trồng hoa lan ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) Nguyễn Tiến Dũng thông tin, thời gian tới, trang trại sẽ đầu tư xây dựng mô hình trồng hoa lan công nghệ cao kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái... Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, Ứng Hòa sẽ tạo điều kiện cho nhà khoa học, các thành phần kinh tế nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tạo cơ chế hỗ trợ các thành phần kinh tế tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới...

Khẳng định thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở NN&PTNT đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Để chính sách đi vào thực tiễn, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Triển khai Nghị định số 57/ 2018/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện mục tiêu đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số… trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.

Ngọc Quỳnh