Số hóa ngành Ngân hàng Hà Nội

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:43, 09/11/2022

(HNM) - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Trong đó, thành phố ưu tiên phát triển nhanh một số ngành, lĩnh vực kinh tế số có tiềm năng như ngân hàng... Thực hiện Nghị quyết, ngành Ngân hàng Hà Nội đã từng bước phát triển hệ thống, số hóa hoạt động để làm tốt hơn việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế Thủ đô…

Tư vấn cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều ứng dụng mới

Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối dịch vụ công nghệ Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) Trần Nhất Minh cho biết, ngân hàng đã chọn chiến lược tiên phong số hóa và tập trung nguồn lực cho phát triển công nghệ từ sớm. Mới nhất, VIB đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cho ra đời chuyên gia tư vấn tài chính ảo đầu tiên tại Việt Nam - Vie. Bên cạnh đó còn có công nghệ thực tế tăng cường AR tích hợp trên ứng dụng My VIB 2.0 để hỗ trợ người dùng ảo hóa tất cả lĩnh vực từ cuộc sống, sinh hoạt đến giáo dục, y tế. Hiện 93% giao dịch của khách hàng VIB thực hiện qua các kênh số, gần 50% số lượng thẻ mới phát hành trên kênh số và 10% các cuộc gọi đến VIB được tiếp nhận và trả lời qua dịch vụ tổng đài ảo.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ra mắt iDO - nền tảng số mới dành cho chi nhánh và PayLink - hệ thống Payment Hub kết nối các mạng lưới thanh toán liên ngân hàng. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã đầu tư công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nhận diện khuôn mặt. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) kết nối thành công ứng dụng ngân hàng số App MBBank với hệ thống MB SmartBank giúp khách hàng có thể đồng bộ giao dịch trực tiếp - trực tuyến và ngược lại nhanh chóng, thuận tiện…

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Hoàng Huyền Châm, Hà Nội là trung tâm tài chính - ngân hàng, nên việc các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích to lớn. Hiện, số lượng ví điện tử đã kích hoạt vượt 39 triệu tài khoản, tăng 3,68% so với cuối năm 2021. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt 583,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị khoảng 271.360 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn, đáp ứng được hầu hết nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế. Các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới (như thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, thanh toán bằng phương thức điện tử...) đã được triển khai với chi phí hợp lý.

Đến nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, ngành Ngân hàng được xác định ưu tiên chuyển đổi số trước hoạt động thanh toán do giao dịch thanh toán chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác, như tiền gửi, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, đặt dịch vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế

Thực tế, việc các ngân hàng liên tục hiện đại hóa dịch vụ đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế Thủ đô. Tính đến hết tháng 10-2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt 2.876.250 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cuối năm 2021, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Đáng chú ý, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 240.317 tỷ đồng, chiếm 9,03%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 507.746 tỷ đồng, chiếm 19,08%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 137.560 tỷ đồng, chiếm 5,17%.

Việc ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, từ đó đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 4,5%/năm.

Từ góc độ doanh nghiệp, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss (phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân) Nguyễn Bá Lộc cho biết, việc ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn, thời gian, lãi suất giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất nhanh chóng.

Về định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn thông tin, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là ưu tiên phát triển ngân hàng số để thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác; số hóa các sản phẩm, dịch vụ còn nhiều tiềm năng phát triển như cho vay, tài trợ thương mại…

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nói riêng, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, từ đó tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Hà Linh