Chợ Mơ - Xưa và nay

Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 24/08/2009

(HNM) - Tôi nghe kể chợ Mơ ban đầu họp ở ngõ 295 Bạch Mai, trông sang cửa ngõ ĐH Bách khoa giờ. Lều, chõng gianh, tre, nứa, lá rất lụp xụp, dễ cháy, chỉ để giải quyết nhu yếu phẩm hằng ngày cho dân phía Nam và phụ cận.

Tôi nghe kể chợ Mơ ban đầu họp ở ngõ 295 Bạch Mai, trông sang cửa ngõ ĐH Bách khoa giờ. Lều, chõng gianh, tre, nứa, lá rất lụp xụp, dễ cháy, chỉ để giải quyết nhu yếu phẩm hằng ngày cho dân phía Nam và phụ cận. Sau, Tòa Đốc lý Hà Nội quyết định xây cuối phố Bạch Mai lan sang phố Hưng Ký - nay là Minh Khai. Giống Đồng Xuân, ngôi chợ mới này lợp tôn, kèo cột toàn sắt, cao thoáng, rộng tới 17.000m2. Bấy giờ, thành phố có hai chợ phiên chính, Mơ họp ngày 2 ngày 7 âm, Bưởi họp ngày 4, ngày 9.

Sau năm 1954, lối quản lý theo ngành hàng được áp dụng, các quầy đổi chỗ. Cụ Phượng, 75 tuổi, bán đồ thờ, vàng mã bảo là cụ ngồi "tiếp chỗ" của mẹ. Còn các cô trạc ba chục đã là thế hệ thứ ba, tư "gia truyền" ở đây. Gắn bó với ngôi chợ thế, nên họ thật nhiều kỷ niệm, ngổn ngang trước ngày dời đi để xây cái mới.

Thật ra, thời bao cấp chợ họp cả ngày dưng. Nhưng đến phiên thì đông nghịt, màu sắc rất dân dã. Lợn, chó, gà, ngan, mèo giống, thượng vàng hạ cám đủ loại, thương lái biết nhau cả. Lợn giống sau khi hồ (giờ gọi là mông má) đẹp như trong tranh. Khối ông lên được cửa cao, nhà rộng vì con lợn hồ. Có ông ăn theo nhờ ngón độc hoạn lợn, thiến gà. Màu dân gian còn ở người đi chợ, dân Gia Lâm, Văn Giang sang; Thanh Trì lên mua thịt thà, vải vóc, quần áo, trẻ con chọn đám tò he. Từ nửa đêm đến sáng sớm, cả chục tấn rau, củ đã đổ xuống, đèn dầu, nến, lốp xe đạp sáng như sao sa, mùi hôi và tiếng ồn lan cả vùng. Sáng ra đến lượt anh bán lẻ. Hàng họ "lặt vặt" là chính, vì những thứ đắt tiền người ta hay lên "trên phố" lùng. Nhưng cũng bởi những mặt hàng quê mùa mà ngày phiên Mơ "bắt" được khối tay chơi sành sỏi đến lùng chim chóc, chó mèo, cây cối.

Chợ có 5 cửa phía Bạch Mai, 3 cửa phía Minh Khai, cái nào cũng to rộng, ô tô vào lọt. Ba dãy giữ xe đạp, xe máy lúc nào cũng hàng trăm chiếc. Thời mở cửa, mặt ngoài phá đi làm ki-ốt cho thuê bán hàng điện máy như nồi cơm điện, quạt, cá cảnh. Bên trong, như nhiều chợ khác, người ta xếp quầy hoa, cây cảnh đầu tiên cho mát mẻ, nhẹ nhõm, sau đó mới đến vô thiên lủng ngành hàng khác. Cả trăm quầy quần áo may sẵn, vải bò, lụa, len, nhung, bày hàng Tàu là chính. Bên tay phải bán đồ ăn, giải quyết bữa sáng, bữa trưa cho dân cư chợ. Rất vui là loạt quầy giải khát, bia, thạch, trân châu, chè thuốc, nhiều nàng trẻ nõn ngồi bán, khối anh ăn uống "tây tây" rồi đến ghẹo ong, bắt bướm. Gian giữa, phía Minh Khai vào vẫn là vải vóc và giày dép. Rồi đồ gia dụng, sành sứ, bát đĩa, tre, nứa, lá, chiếu trúc (vẫn hàng Tàu), kể thế nào hết. Inh ỏi, cả tanh tưởi lẫn hôi hám, nhất là đám gà vịt, cá ốc, ghẹ mực, nhưng thiếu thế nào được những thức tươi sống ấy.

Với 1.200 hộ có đăng ký kinh doanh, nếu tính trung bình mỗi quầy hàng 6 người, thì chợ Mơ nuôi gần chục ngàn người rồi. Chưa kể là số ăn theo hằng ngày, tức không có đăng ký, như những anh gánh nước thuê, bán rong quà, trông xe đạp, xích lô, xe ôm và gánh mướn hàng vào, hàng ra, thợ khóa, sửa xe đạp, vé số… "ngành dịch vụ" nào cũng vài chục anh, nhân thêm ra dễ đến cả nghìn người nữa ăn vào chợ. Thế nên phải có các "chân rết" như tổ trưởng ngành hàng, hội phụ nữ, thanh tra nhân dân hoạt động theosự chỉ đạo của Ban quản lý chợ. Kể thật không đơn giản, vì hằng năm cái khối buôn bán này đóng hàng chục tỷ đồng tiền thuế cơ mà.

Ngôi chợ, "cái bụng" phía Nam thành phố tồn tại như thế ngót trăm năm. Chả phải chỉ là nơi cung cấp, trao đổi thức ăn vật dụng, nó còn nhiều ý nghĩa văn hóa, đạo đức truyền thống, chứng kiến những thăng trầm của xã hội. Những gia đình vài đời ngồi chỉ buôn trầu vỏ. Những khách buôn từ cha chí con chỉ lấy hàng của một nhà. Những câu chuyện chỉ dẫn cách chữa bệnh cho chó mèo, chim chóc, ván cờ, chén nước lúc đợi xe, thậm chí ánh mắt cô nàng bán thạch thôi… đều "ngậm" lại trong lòng mỗi con người đã đến, đứng ngồi, mặc cả rồi ra đi.

Không "lẫm liệt" như chợ Đồng Xuân, nhiều thực phẩm tươi ngon như Hàng Bè, chợ Mơ có màu dân dã hơn và đó là một sắc thái thú vị. Sự "đổi màu" sang một "hình thái" tiên tiến hiện đại khác, đã để lại sự tiếc nuối màu cũ. Đó là điều đã xảy ra năm ngoái.

"Chào tạm biệt" khó khăn

Ăn xong Tết Mậu Tý 2008, dân chợ ắng người vì cái tin chợ dời về chỗ tạm để xây ngôi mới. Ban quản lý chưa có động tĩnh chính thức nào, thì chuyện kín, chuyện hở như buôn bạc giả càng râm ran loang tợn.

Trung tuần tháng 3, Vinaconex dựng hai tấm bảng to ở cửa 1 bên Bạch Mai, cho biết chợ mới có hai tòa tháp, cái 15, cái 20 tầng, nơi để xe máy, ô tô. Ngoài phần "hiện đại" trên, có cái khu làm bà con buôn bán "vặt" khá yên tâm, là 5 tầng hầm phía Minh Khai để bán nông sản, hàng tự cung, tự tiêu cho bà con nghèo và nông dân từ Thanh Trì lên, Gia Lâm sang, Từ Liêm xuống. Thế là chính thức rồi còn gì. Mối lo lắng tắc con đường vốn đã hẹp, chỗ dân chợ đứng ngó. Còn đám bản cư quanh đấy lại nhẹ nhõm thấy chợ mới rộng 14.000m2, trong khi ngôi chợ đang có chiếm 17.000m2, tức là khỏi phải bị giải tỏa.

Nhưng Ban quản lý vẫn im như thóc, nên thông tin ảo càng ào ạt loang rộng. "Tháng 5 đóng cửa chợ", "tháng 6 đóng hết ki-ốt", người ta nói cứ như người trong cuộc. Mùa nóng đã đến nhưng tâm tưởng người ngồi chợ còn sôi lên gấp trăm lần. "Không khéo thì bị đuổi hẳn, không còn chỗ về nữa". "Phải tìm chỗ khác thôi, còn biết trông mong vào đâu". Bán tín bán nghi, vì liệu có thể tin? Nhưng không tin thì cũng biết "hành động" thế nào?

Nhà tôi ở đầu phố Kim Ngưu, cuối phố Lò Đúc, ngày ngày đi về thấy treo biển "Chợ tạm, chợ Mơ", công nhân hối hả làm cọc, cổng sắt, lợp tôn, phân từng dãy hàng. Mấy vị ban quản lý cũng vắt chân lên cổ, bảo là "lệnh thành phố". Hai bờ sông Kim Ngưu gạch ngói, sắt tôn chở về ầm ầm theo ô tô, làm suốt 24 tiếng, ban đêm lửa hàn chói chang. Chợ bờ Tây khoảng 3.000m2 bán vật dụng linh tinh, bên Đông từ đầu sông đến cầu Lạc Trung là vài trăm quầy quần áo, vải vóc. Cống rãnh đi trước, hoàn thành xong thì "anh" nước nhảy vào bắc đường ống, xong khu vực nào "anh" điện tới bắc đường dây. Công trường chợ tạm càng rộn rã thì lòng người càng bất ổn. "Thôi, nhất định phải đi rồi!", vợ tôi nói đắng cả bữa ăn. "Đang quen khách, họ biết tìm mình ở đâu, hay "chạy" sang quầy bên ấy, bên nọ "tiện" hơn…".

Các bà rối như tơ vò…

Tiến Hồng

(còn tiếp)

- - - - - - - - -

Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”

Cuộc thi còn hai chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2009 và 2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC

ANHTHU