Nền tảng phát triển du lịch bền vững

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:26, 23/11/2022

(HNM) - Nhằm triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, từ năm 2018, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng. Hoạt động này là nền tảng hướng tới phát triển du lịch bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.

Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Ảnh: Nguyễn Quang

Học làm du lịch văn minh

Những ngày cuối thu, đầu đông, tại quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai), lượng khách đông hơn hẳn mọi năm, cho thấy hoạt động du lịch đã sôi động sau dịch Covid-19. Chính vì vậy, vào đầu tháng 11 vừa qua, khi Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng, hơn 150 người dân trên địa bàn huyện đã hồ hởi tham gia.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, thành viên Câu lạc bộ Chèo (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) chia sẻ, người dân ở đây tự hào khi trên địa bàn có nhiều điểm du lịch và các sản phẩm du lịch nổi tiếng, như vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Tuy nhiên, cách làm du lịch vẫn tự phát, còn hiện tượng chèo kéo, bán hàng lộn xộn ở các điểm tham quan, làm phiền du khách. “Lớp tập huấn giúp chúng tôi có thêm kỹ năng, kiến thức trong việc mời chào, ứng xử văn minh với du khách. Chúng tôi cũng hiểu được rằng, để hấp dẫn du khách cần phải giữ gìn nét văn hóa truyền thống địa phương”, bà Huyền chia sẻ thêm.

Tương tự, hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng tổ chức trên địa bàn 3 xã: Thạch Xá, Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất) vào ngày 8 và 9-11 diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người dân tham gia. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Phạm Quang Thái cho biết, huyện hiện có hơn 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống”; 101 di tích được xếp hạng, trong đó di tích chùa Tây Phương được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt... Hiện tại, huyện Thạch Thất là một trong 6 địa phương được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội. Nhiều mô hình du lịch trang trại, du lịch nghỉ dưỡng ở nhà dân (homestay) trở thành điểm sáng.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Văn Tùng, xã có đến 40% cư dân sinh sống là người dân tộc Mường. Việc nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh và làm du lịch cộng đồng, giúp cho bà con dân tộc Mường biết cách phát huy hơn nữa giá trị văn hóa cộng đồng để thu hút khách du lịch. Hiện, nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nét văn hóa cồng chiêng và ẩm thực đặc sắc…

Tham gia hội nghị tập huấn kỹ năng ứng xử văn minh du lịch, chị Nguyễn Hồng Duyên, dân tộc Mường thuộc xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho hay: “Du lịch cộng đồng đang khiến đời sống bà con dần thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn còn lúng túng trong việc tiếp đón du khách. Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi hiểu rằng, bản sắc văn hóa của người Mường chính là cốt lõi để thu hút du khách. Đến nay, nhiều bản người Mường đã khôi phục các món ăn truyền thống tiếp đãi du khách phương xa”.

Lan tỏa giá trị, phát huy thế mạnh địa phương

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2018, Sở đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức gần 50 hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng, nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho hay, các hội nghị này đã có sức lan tỏa sâu rộng, bước đầu giúp cho nhiều địa phương phát huy thế mạnh tự nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Thực tế, Hà Nội đã có nhiều địa phương xây dựng và phát triển những mô hình du lịch mới, trong đó đã phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch. Điển hình như xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là điểm sáng về du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh với tiêu chí xanh - sạch - đẹp; các xã Cần Kiệm, Thạch Xá (huyện Thạch Thất) phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm làng nghề, ẩm thực; xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) định hướng phát triển du lịch trang trại; xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) phát triển du lịch gắn với làng nghề và du lịch cộng đồng…

Bàn giải pháp phát triển du lịch bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng ứng xử văn minh cho người dân làm du lịch cộng đồng là vô cùng cần thiết. Bởi, du lịch muốn phát triển bền vững cần phải có sự tham gia, chung tay của người dân bản địa để xây dựng môi trường du lịch thân thiện, chuyên nghiệp. Còn theo Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh, để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển ngành Du lịch Thủ đô, công tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung xây dựng hình ảnh về điểm đến có cộng đồng dân cư mến khách, ứng xử văn minh.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội hướng tới phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó luôn đề cao vai trò của cộng đồng và bản sắc của mỗi địa phương. “Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở tiếp tục triển khai nhiều hội nghị tập huấn, từng bước giúp hình thành ứng xử văn minh du lịch một cách hệ thống, xây dựng hệ giá trị du lịch bền vững cho Hà Nội để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Hoàng Lân