Nỗi lòng "cô Đồ Nghệ"

Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 21/08/2009

TS. Nguyễn Thị Từ Huy và cuốn sách.(HNM) - Một tác phẩm lý luận phê bình (LLPB) hoàn toàn không dễ đọc, không có sức hút với đại chúng và ra đời trong một hoàn cảnh

đặc biệt với tác giả. "Alain Robbe - Grillet: Sự thật và diễn giải" (NXB Hội Nhà văn và Đại Việt ấn hành) của "cô Đồ Nghệ" Nguyễn Thị Từ Huy (cách gọi của Bùi Văn Nam Sơn) được một số người trong giới phê bình đánh giá cao.

Trong bối cảnh LLPB đang cần "sôi động" hơn nữa, góp phần thúc đẩy văn học - nghệ thuật phát triển, Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Từ Huy xung quanh tác phẩm này.

- Thưa chị, sự ra đời cuốn sách với chị hẳn là một điều rất ý nghĩa, có thể cảm nhận thấy qua lời đầu trang sách “Tặng ba, mong ba chiến thắng bệnh tật”?

- Cuốn sách này cơ bản được dịch từ luận án tiến sĩ của tôi tại Trường Đại học Paris 7, cũng là kết quả 4 năm nghiên cứu của tôi tại Pháp. Riêng với tôi cuốn sách còn có một ý nghĩa khác. Nó ra đời khá gấp gáp với sự hỗ trợ, thậm chí là hy sinh của bạn bè (vì chẳng ai đi kinh doanh sách LLPB bây giờ cả), với hy vọng động viên ba tôi vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Nhưng dù chúng tôi đã rất cố gắng, ba tôi cũng không kịp đợi ngày cuốn sách ra mắt. Tuy nhiên, tôi chắc rằng ba tôi đã cảm nhận được sự hình thành của nó. Còn tôi, tôi cảm nhận thấy rõ một điều rằng khoa học không hề khô khan, lạnh lùng, mà gắn chặt với đời sống, ít nhất là trong hoàn cảnh vừa rồi của tôi.

- Xin chia sẻ với chị. Ngoài những lý do trên, chị có hy vọng về sự tác động của nó đến đời sống văn học, xã hội?

- Cuốn sách có ý nghĩa gì hay tác động đến mức nào thì quả thực tôi nghĩ mình cũng không kiểm soát được. Có thể có người hứng thú, có người thờ ơ, đó cũng là việc bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài mong muốn nho nhỏ. Dù rằng Tiểu Thuyết Mới bị xem là lỗi thời ở Pháp từ lâu và ở nhiều nước, Alain Robbe - Grillet (A.R-G) đã là một tác giả rất quen thuộc với giới học giả và công chúng bậc cao; nhưng với cuốn sách này tôi vẫn hy vọng sẽ giới thiệu cho người viết ở Việt Nam tiếp cận một cách viết của một tác giả có tầm cỡ thế giới.

Dịch giả Dương Tường: "Khi Từ Huy bảo vệ luận án này tại Pháp, tôi cũng có mặt và thấy công trình này được đánh giá cao.

Nước ta trong một thời kỳ không được tiếp cận với dòng văn học thế giới. Công trình về tác giả này hay nhiều tác giả nước ngoài khác có thể đến hơi muộn nhưng là sự bắt đầu cần thiết".

Dịch giả Cao Việt Dũng viết trên blog: "Alain Robbe-Grillet, sự thật và diễn giải" của chị Từ Huy viết (chủ yếu dịch từ luận án tiến sĩ bằng tiếng Pháp), Bùi Văn Nam Sơn viết lời giới thiệu, Đại Việt và NXB Hội Nhà văn ấn hành - Lâu lắm, có thể là chưa bao giờ, có một monography (chuyên luận) về văn học trong tiếng Việt gây hứng thú đến thế".

Cụ thể, ở đây tôi đã cắt nghĩa các quan niệm và thực hành trong sáng tạo ở một tác giả được xem là tiên phong trong những cách tân về thể loại tiểu thuyết và điện ảnh. Không phải tuyệt đối hóa A.R-G, nhưng sẽ không đầy đủ nếu chỉ xem xét các nỗ lực đổi mới của tác giả này từ góc độ kỹ thuật tiểu thuyết. Sáng tạo của ông còn là kết tinh những chiêm nghiệm, suy tư mang màu sắc hiện sinh về đời sống, con người. Trong đó, nổi bật là ý thức của tác giả về bản thân mình. Tìm hiểu, khám phá, tôn trọng bản thân cũng là để hiểu được người khác. Và quá trình hiểu chính mình cần phải đi qua người khác, rồi mới quay lại khám phá bản thân. Đó là một quá trình không đơn giản. Hay nói như Blanchot: “Sự thật về bản thân là bất khả”. Từ tính chất bất khả của sự thật, có lẽ nên chăng cần thận trọng hơn, giữ một thái độ hoài nghi kiểu Descartes trước các diễn giải, nhận định và kết luận?

- A.R-G và trào lưu tiểu thuyết mới hiện đã lỗi thời? Vậy, theo chị, chúng ta có đi sau thế giới quá nhiều trong việc giới thiệu các tác giả và tác phẩm văn học đương đại của nước ngoài không?

- Tiểu Thuyết Mới phát triển ở Pháp vào khoảng những năm 1950-1970. Trước 1975, đã có một số tờ báo và dịch giả miền Nam giới thiệu. Còn ở miền Bắc, phải từ khoảng những năm 1990, các tác giả Tiểu Thuyết Mới mới được dịch và giới thiệu. Như tôi được biết, ở Trung Quốc và Nhật Bản, cái tên A.R-G đã trở nên rất quen thuộc. Nhà văn Cao Hành Kiện, trước khi viết văn, là dịch giả và đã dịch tác phẩm của tác giả này… Điều đáng nói là một số nhà tư tưởng được xem là đương đại, dù phần lớn họ đã chết, như Derrida, Foucault, Deleuze… hầu như chưa được giới thiệu ở ta; nhưng ở Trung Quốc thì đã thành phổ cập và ở Nhật Bản thì được thịnh hành trong giới đại học từ những năm 1980. Giờ đây, họ đã quan tâm đến những vấn đề khác.

- Vậy theo chị, vai trò của các nhà LLPB làm gì để “đuổi kịp” dòng chảy của văn học thế giới thế nào?

- Có rất nhiều khuynh hướng nghiên cứu mới mà mình muốn giới thiệu, nhưng không có điều kiện để thực hiện. Bản thân tôi từ khi về nước cũng nung nấu ý định giới thiệu một số tác giả, tác phẩm đương đại tiêu biểu của văn học Pháp, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Tôi cho rằng, chỉ nhà phê bình nỗ lực thôi thì chưa đủ. Có ai quên ăn để làm phê bình được (cười)? Nếu Nhà nước chưa cho đó là vấn đề cần thiết, không hỗ trợ hoạt động này một cách có chiến lược và hệ thống thì chúng ta sẽ luôn phải đi sau, giới thiệu lại những tác phẩm, tác giả đã lỗi thời ở nhiều nước. Cũng có một số cá nhân nỗ lực, lặng lẽ làm công việc này như học giả Bùi Văn Nam Sơn, nhưng chỉ cá nhân thôi thì chưa đủ thúc đẩy quá trình rút ngắn khoảng cách với thế giới; trước mắt là với khu vực.

- Xin cảm ơn chị!

Thi Thi
thực hiện

VANCHIEN