Như Thuần, lúc là sĩ điều, khi là tốt thí...

Thể thao - Ngày đăng : 10:45, 19/08/2009

Từ vị trí một công thần, Như Thuần bất ngờ bị Khánh Hòa cắt hợp đồng vì tội... nói nhiều. Đời cầu thủ như một biên niên sử của Thuần

Từ vị trí một công thần, Như Thuần bất ngờ bị Khánh Hòa cắt hợp đồng vì tội... nói nhiều. Đời cầu thủ như một biên niên sử của Thuần "heo" có lẽ sẽ chấm dứt bằng một cái kết rất bạc ở quê người...

Bàn thắng vàng và những bước thăng trầm

Cái tên Như Thuần nổi như cồn trên "văn đàn" bắt đầu từ cái ngày anh ghi một bàn thắng để đời vào lưới Thể Công ở trận chung kết U-19 năm 1997.

Quả đá xoáy vòng cung theo kiểu Rivaldo đã hoàn toàn chinh phục đối thủ, và chỉ vài tháng sau, Thuần khăn gói rời Thanh Hóa ra Thủ đô, đúng theo lộ trình của những đàn anh như Vũ Quang Minh, Hoàng Trung Phong...


Như Thuần (trắng) từng có những ngày hạnh phúc ở Khánh Hòa. Ảnh: Đ.A

Hồi đó, xứ Thanh còn chưa nuôi nổi một đội bóng ra hồn. Nhân tài Thanh Hóa muốn lập nghiệp đều tìm đến CAHN hay CAHP là chủ yếu. Thuần là một trong số không nhiều người chọn Thể Công.

Nhưng đó là một sự lựa chọn không lầm cho bước đường sau này của một trong những trung vệ hay nhất ĐNÁ. Về Thể Công, Thuần được xếp đá lùi hơn vị trí tiền vệ sở trường, và chính từ đó, phẩm chất một thủ lĩnh được phát huy nhanh chóng.

Thuần "heo" không phải mẫu trung vệ chỉ biết băm và chặt. Anh mạnh mẽ trong tranh chấp nhưng vẫn đủ tỉnh táo để bọc lót và tinh tế để phát động tấn công.

Thể Công mua được Như Thuần chẳng khác nào vớ được mỏ vàng. Ngay năm đầu tiên có Như Thuần (1998), Thể Công vô địch quốc gia. Liền sau đó là siêu Cúp 1999.

Đó là bệ phóng đưa Thuần đến với thế hệ vàng của ĐTQG. Anh cùng với Mai Tiến Dũng và Đỗ Khải lập thành hàng phòng ngự thép mà ngay cả Kiatisuk cũng phải ngán ngẩm.

Sau này, khi Zico Thái sang thi đấu cho HA.GL và Như Thuần cũng không còn chói sáng với Thể Công nữa (những năm 2003, 2004), thì người mà Kiatisuk ngại "va" nhất vẫn là Thuần "heo". Và đến khi "Sắc" đã treo giày để làm HLV thì Thuần vẫn cứ miệt mài cày ải, cho những đam mê mà người ngoài không sao hiểu nổi.

Đúng là không sao hiểu nổi. Đã có lúc Thuần giã từ sân cỏ, tưởng như vĩnh viễn vì bệnh gan và cả bệnh ở... đầu. Anh chia tay Thể Công, chia tay luôn bóng đá vì mệt mỏi và chán nản.

Thuần từng chán ngắt lối đá như cơm nguội ở Thể Công mùa xuống hạng 2004. Thuần cũng phải chịu vô cùng nhiều áp lực từ những sai lầm do anh và nhiều khi cũng chẳng phải do anh. Thuần ở nhà đi đá phủi làm vui, và hình như một lúc nào đó, có người còn thấy anh kiếm sống bằng chạy chợ...

Nhưng bóng đá với Thuần như con nghiện. Nó không cho phép anh cứ ăn không ngồi rồi mãi. Khi HP.HN thăng hạng, Thuần xách giày ra tập chơi cho đỡ buồn, và anh được đề nghị ký hợp đồng thật.

Thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa. Thế mà về HP.HN, "phủi" Như Thuần còn đá hay hơn nhiều cầu thủ đương tuổi "bẻ gãy sừng trâu" khác. Rồi cũng "dằn túi" một chiếc cúp quốc gia...

Năm sau nữa, HP.HN thanh lọc lực lượng hòng theo đuổi những mục tiêu cao hơn. Không có chỗ cho một "anh già" như Thuần. Vậy là theo tiếng gọi của đồng đội cũ Quang Hà, Thuần cập bến T&T HN, vừa đá vừa tham gia huấn luyện.

Nhưng có lẽ cái số của Thuần chỉ hợp với những môi trường gian khó. Giúp T&T HN lên V-League xong là Thuần cũng nghỉ luôn. Đời anh cứ bôn ba như thế, nhưng chưa lúc nào anh hình dung nổi mình sẽ đầu quân cho một nơi cách Hà Nội cả nghìn cây số...

Lúc là sĩ điều, khi là tốt thí...

Thật ra, khi Khánh Hòa vời đến Như Thuần thì anh đang tính về chơi cho Ninh Bình. Nhưng theo như Thuần phân tích, thì anh dù có tuổi nhưng không thích dưỡng già, lại càng không muốn làm chân "thợ kiếm tiền" ở hạng Nhất.

Cơ hội được chơi V-League khiến anh từ bỏ mức lương khá "ấm" ở Ninh Bình để đến Nha Trang. Bản hợp đồng chỉ có 8 tháng, nghĩa là trọn vẹn một mùa bóng lăn, đãi ngộ cũng thấp hơn, nhưng với Thuần, những thứ... lặt vặt đó không quan trọng.

Điều thôi thúc anh chính là những vị trí mà Khánh Hòa còn khuyết. Khi đó, hàng loạt trụ cột ở hàng thủ đã rời phố Biển, như Trọng Bình, Hữu Chương, Tấn Điền, Đức Hùng... Thuần cần được chơi bóng, mà Khánh Hòa lại cũng cần người kinh nghiệm.

Vậy là Thuần nhanh chóng trở thành cánh tay phải của HLV Hoàng Anh Tuấn. Anh chơi gần trọn vẹn cả lượt đi, nhiều lần được chấm điểm cao hơn cả những "biểu tượng" của Khánh Hòa như Tấn Tài, Quang Hải, Issifu... Đến mức người ta ví anh quan trọng như sĩ điều trong ván bài tam cúc.

Nhưng sự đời không bao giờ là suôn sẻ. Khánh Hòa đá càng hay thì nguy cơ bị "rút ruột" càng cao. Chưa hết giai đoạn một, rất nhiều cầu thủ triển vọng đã "trúng thương" từ những lời có cánh từ các đội khác.

Khánh Hòa đi nốt phần còn lại của V-League với những tâm trạng tấp tểnh, "chân ngoài dài hơn chân trong". Thành tích xuống, tinh thần rệu rã, Hoàng Anh Tuấn vốn đã có tiếng là người độc đoán càng phải làm già để trấn an đội bóng.

Trước tình cảnh ấy, Như Thuần không thể ngồi yên. Anh góp ý người này, nhắc nhở người kia, vô hình chung là chẳng được lòng ai.

Từ chỗ là một công thần, Như Thuần bỗng biến thành cái gai trong mắt mọi người. Nhưng anh mặc kệ, anh cứ sống đúng kiểu của anh. Nếu cứ "ngậm miệng ăn tiền" là yên chuyện, nhưng Thuần ở cái tuổi 35 đá bóng đâu có phải vì tiền...

Vài nét về Phạm Như Thuần

- Sinh năm 1975 tại Thanh Hóa
- Thành tích: VĐQG 1998, Siêu cúp QG 1999 (Thể Công), cúp QG 2006 (HP.HN), HCB SEA Games 1999, HCĐ Tiger Cup 2002 (ĐTVN)
- Các CLB từng thi đấu: trẻ Thanh Hóa, Thể Công, HP.HN, T&T HN, Khánh Hòa

Hậu quả là đúng 1 tuần trước khi kết thúc mùa giải, anh nhận quyết định cắt hợp đồng từ đội bóng. Lý do mà phía Khánh Hòa đưa ra là Thuần đã có những phát ngôn không được phép.

Thuần phản ứng.

Anh được tạo điều kiện để chuộc lỗi, bằng cách đi tìm gặp ông nhà báo nào đó đã đăng lời (được quy là của anh), và yêu cầu tòa báo đó đính chính lại thông tin.

Thuần bảo: Chịu!

Ngay hôm sau, anh đặt vé về Hà Nội. Về một cách thanh thản và nhẹ nhàng, dù với những đóng góp của mình, lẽ ra anh phải được đối xử tử tế nhiều lần hơn thế.

Thật ra, bản hợp đồng của Thuần ký với Khánh Hòa cũng chỉ còn 1 tuần là hết hạn, quyền lợi hầu như không ảnh hưởng gì. Anh cũng dự định sẽ đá nốt mùa này, sau đó đi học lớp HLV. Chỉ cay nghiệt ở chỗ kết thúc đời cầu thủ của anh rất bạc.

Người hiểu chuyện thì sẽ biết vì sao Khánh Hòa làm thế. Thuần lúc này chỉ như một con tốt thí, không hơn. Có chăng là một tốt thí dạng "lão làng", mà khi mang ra "trảm" sẽ có tác dụng răn đe cho phần còn lại.

Chỉ e đó là một nước cờ "thấp tay" của Khánh Hòa. Dù có "trảm" Thuần hay ai đi nữa, thì những Duy Nam, Quang Hải, Ngọc Điểu... cũng khó mà chùn chân ở lại trước sức cám dỗ từ những miền đất hứa...

Anh Đức/VNN

HA OANH