Nghĩ về một Khải hoàn môn

Xã hội - Ngày đăng : 09:33, 12/08/2003

Ít lâu nay báo chí có bàn về việc xây dựng một khải hoàn môn ở Hà Nội. Thực ra thì thành phố có ý tưởng  xây dựng một công trình văn hóa tượng trưng cho những thành tựu của nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có những chiến thắng quân sự. Hướng đặt công trình là phía Nam thành phố. Việc này được báo chí bàn đến nhiều .

Ô Quan Chưởng
đầu thế kỷ XX

Ít lâu nay báo chí có bàn về việc xây dựng một khải hoàn môn ở Hà Nội. Thực ra thì thành phố có ý tưởngxây dựng một công trình văn hóa tượng trưng cho những thành tựu của nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có những chiến thắng quân sự. Hướng đặt công trình là phía Nam thành phố. Việc này được báo chí bàn đến nhiều .

Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức tọa đàm giữa các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc , mỹ thuật … ý kiến nói chung là ủng hộ. Duy có nội hàm cũng như tên gọi của công trình thì chưa định hình. Khải hoàn môn? Cổng chào? Cửa ô? Nam môn?

Dưới đây xin góp vài ý nhỏ:

Khải hoàn môn là chữ được nhiều người nhắc tới. Theo nghĩa chữ Hán, khải hoàn là thắng trận trở về (khải là hát mừng chiến thắng). “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anhđịnh nghĩa: “Ngày xưa ở Tây phương khi chiến thắng trở về thườngxây cái cửa lớnđể ghi công nghiệp gọi là khải hoàn môn”. Cụ Đào còn cẩn thận chú thích tiếng Pháp là arc de triomphe. (Arc có nghĩa là vòm cửa cuốn). Như vậy khải hoàn môn (KHM) có xuất xứ Tây phương. Bắt đầu từ La Mã thời cổ đại, người ta đã xây nhiều KHM gọi tên là porta triumphalis để ghi các chiến công của các thủ lĩnh, như Drusus là Bảo dân quan (tribun) năm 112 tr.CN đã đánh thắng người Germain, như Titus vua La Mã từ năm 78 đến năm 81 đã chiến thắng người Do Thái, như Marc Aurèle, vua La Mã từ năm 161 đến 180 đánh thắng người Marcoman. Italia hiện là nước có nhiều KHM cổ nhất Châu Âu.

Người Pháp cũng theo tập tục đó, xây KHM ở nhiều nơi: Reims, Carpantara, St Rémy… Song lớn nhất - như nhiều người đã biết - là tại quảng trường Ngôi sao - nay gọi là quảng trường Charles De Gaulle - ở Paris. KHM này bắt đầu xây theo lệnh của Napoléon I vào năm 1806 để ghi dấu chiến công Austerlitz của ông ta, mãi 1836 mới khánh thành! Xuất phát từ những thực tế đó, từ điển Larousse định nghĩa: “KHM là một cái cổng có vòm cửa cuốn, có trang trí, kỷ niệm một chiến thắng”.

Theo tập tục và quan niệm ấy, nhiều nước Châu Âu cũng xâyKHM. Berlin (Đức) có Brandenburg tor (tor: cổng) ở nơi sau này là ranh giới Đông và Tây Berlin trên con đường thẳng tắp có tên là đường 17 tháng 6. ở Nga sau khi đánh đuổi quân Napoléon I năm 1812, Matxcơva đã xây KHM gọi là Triumphannaia arca (cũng là arc de triomphe của tiếng Pháp) trên đường Kutudốp gần khu vực Bôrôđinô, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược nổi tiếng năm 1812.

Như vậy KHM có hai đặc điểm. Thứ nhất, là công trình kiến trúc dáng một cái cổng, có thể đi lại bên dưới các vòm cửa, xây giữa một quảng trường hoặc giữa một con đường lớn. Thứ hai, là kỷ niệm một chiến thắng quân sự xảy ra trên địa phương hoặc ở các nơi khác. Chính do hai đặc điểm đó mà tiếng ta nôm na dịch gọi là cổng chào (tức một cái cổng xây dựng nên để chào mừng chiến thắng).

Hà Nội ngàn năm qua là nơi đã diễn ra nhiều chiến thắng vang dội. Vậy xây ở đây một KHM thì cũng là hợp lý. Và như vậy cứ gọi là khải hoàn môn, chẳng gì phải tránh né một danh từ có tính chất quốc tế rồi. (Tất nhiên hình dáng KHM Việt Nam khác của Italia, Pháp, Nga…). Vấn đề là chọn chiến thắng nào? Một chiến thắng cụ thể hay toàn bộ các chiến thắng? Hoặc là biểu tượng của công cuộc xây dựng , bảo vệ Thăng Long - Hà Nội qua suốt một nghìn năm?

Các chủ đề này sẽ quy định hình thức và tiếng nói của công trình. Chủ đề có rõ thì các nhà kiến trúc, điêu khắc mới có thể thành công trong thiết kế. Tức là, việc “ra đầu bài” một cách cụ thể là điều đầu tiên phải làm.

Một điều cần chú trọng nữa là nếu xây giữa một quảng trường hay giữa một đường lớn thì mới gọi là KHM. Nếu không tìm được một vị trí như vậy mà xây dọc theo một con đường thì chỉ có thể gọi là một tượng đài, vì xây cạnh đường, ý nghĩa “chào” giảm đi nhiều (tất nhiên ý nghĩa ghi dấu các thành tựu xây dựng , bảo vệ Thủ đô, nếu được thể hiện tốt qua kiến trúc , điêu khắc đẹp thì vẫn y nguyên).

Cuối cùng là vấn đề vị trí, phải có một ý nghĩa nào đó đối với lịch sử Thủ đô nghìn tuổi. Và khi nhận diện rõ vị trí thì người thiết kế mới yên tâm sáng tác .

Hy vọng rằng tới năm 2010, Hà Nội sẽ có một công trình kiến trúc - là KHM hoặc tượng đài- để kỷ niệm nghìn năm xây dựng Thủ đô (trong đó có các chiến thắng) một cách bề thế, hoành tráng, xứng đáng với thời đại ngày nay. Và tất nhiên phải mang “tính Việt Nam” sâu sắc.

Nguyễn Vinh Phúc

THUHANG