Đảng bộ thành phố Hà Nội: Quyết liệt “số hóa” công tác Đảng
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:19, 19/01/2023
Ngày càng chuyên nghiệp
Những ngày đầu năm 2023, 8 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội gồm 3 quận Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm; 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và 2 đảng bộ khối: Khối các cơ quan thành phố và Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã được sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh: “Sổ tay đảng viên điện tử thành phố Hà Nội”. Cán bộ, đảng viên cơ sở, ngay cả những đồng chí cao tuổi đều hồ hởi khi sử dụng “cuốn cẩm nang” quan trọng này.
Là một trong những đơn vị thực hiện sớm nhất, ngay trong ngày đầu tiên triển khai (tối 3-1-2023), Đảng bộ quận Long Biên đã có hơn 6.000 tài khoản được đăng ký thành công. Dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng đồng chí Hà Đức Chính (Chi bộ 11, phường Việt Hưng) cho biết: “Chỉ sau một lần tìm hiểu, dưới sự hướng dẫn của đoàn viên thanh niên là đã cài đặt xong”. Còn Bí thư Chi bộ 11 (phường Việt Hưng) Nguyễn Hữu Trí chia sẻ: “Sổ tay đảng viên điện tử” rất hay, rất tiện, nhất là mục “Trợ lý ảo”. Đây thực sự là cẩm nang cho người làm công tác Đảng”.
“Sổ tay đảng viên điện tử” là một trong những kết quả cụ thể nhằm “số hóa” công tác Đảng mà Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện thời gian qua. Đến nay, Đảng bộ Hà Nội là một trong những đảng bộ tiên phong trong việc này.
Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu nhiều nội dung về “số hóa”, Ban Tổ chức Thành ủy đã chỉ đạo vận hành 4 phần mềm, đó là: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng vừa tổ chức hội thảo về chuyển đổi số - một sự khởi động với quyết tâm “số hóa” công tác tuyên giáo.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên nhìn nhận: “Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng không thể chậm trễ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các giải pháp cụ thể”.
Các ngành Kiểm tra, Nội chính, Dân vận thành phố cũng đang triển khai nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhiệm vụ công tác nhằm tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa nghiệp vụ, trước hết là phối hợp nhằm “số hóa” công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Bài bản, vững chắc
Cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Tiến sĩ Lê Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) nhận định, việc này sẽ góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa các hoạt động trong công tác Đảng hiện nay.
Tại Hội nghị lần thứ chín diễn ra ngày 2-11-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã thống nhất chủ trương ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số... Đây là cách làm bài bản, đồng bộ và quyết liệt.
Thành ủy Hà Nội xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính trị. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cấp trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số, gắn với chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ...
Năm 2023, toàn Đảng bộ thành phố sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số. Nhiều nội dung “số hóa” công tác Đảng khác tiếp tục được triển khai, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp. Trong đó, “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ được triển khai đồng bộ trong toàn Đảng bộ thành phố từ tháng 4-2023. Đặc biệt, song song với “Sổ tay đảng viên điện tử”, Hà Nội còn triển khai phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định: Phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” phối hợp với phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ triển khai các nhiệm vụ, thông tin tới chi bộ và từng đảng viên trong toàn Đảng bộ, qua đó thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian đi lại giữa các đơn vị; là kênh thông tin, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống...
Ngoài ra, trong năm 2023, Thành ủy Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo triển khai nâng cấp phần mềm “Quản lý văn bản - Điều hành tác nghiệp”. Tất cả đang hướng tới mục tiêu thực hiện số hóa các tài liệu, hồ sơ của đảng viên với mức độ bảo mật cao nhất; đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.