Nghị quyết và Đời sống

Mộc Miên thắp lửa tháng 3

Khuê Diệp 24/03/2021 11:17

Hằng năm, cứ mỗi độ tháng 3 về người ta lại thấy sắc đỏ tô thắm những làng quê tại Hà Nội, đó chính là những cây gạo thân thương, bình dị. Vốn là biểu tượng của chốn thôn quê, nên khi hoa gạo hay còn gọi hoa Mộc Miên nở rộ, gợi nhớ cho chúng ta về những kỷ niệm thời thơ ấu và cũng là báo hiệu gọi hè về.

Loài hoa của vùng nông thôn Bắc Bộ

Hình ảnh cây gạo đầu làng bên bờ kênh, dòng sông nơi thôn quê đã không còn xa lạ với mỗi người dân vùng nông thôn. Nó mang một vẻ đẹp bình dị đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ, khiến ai cũng phải xao xuyến, nhớ về tuổi thơ. Những cây hoa gạo như những người kể chuyện thời gian gom góp chút thân thuộc ngày xưa trong màu hoa rực đỏ giữa đất trời...

Hoa gạo chỉ ra hoa đúng một lần trong năm; làm những người yêu hoa luôn có cảm giác phải chờ đợi, trong lòng nôn nao khó tả để rồi mỗi độ hoa nở họ lại hạnh phúc khi được chìm đắm trong sắc hoa. Dường như ông trời ưu ái cho tiết trời tháng 3 để hoa gạo trổ bông đỏ thắm làng quê. Ở các vùng quê Bắc Bộ, cây gạo được trồng ở đầu làng hay bên những thửa ruộng. Đây chính là nơi lưu giữ cả khoảng trời ký ức miền thôn quê.

Nói đến nơi có nhiều hoa gạo, người ta thường nghĩ ngay đến khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Tại thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức có rất nhiều cây gạo cổ thụ đẹp, đặc biệt là con đường hoa gạo nổi tiếng đẹp nhất Hà Nội, nơi mà hằng năm, cứ vào tháng 3, du khách và các nhiếp ảnh gia lại đến đây ngắm hoa, chụp ảnh…

Anh Bùi Văn Sinh - người sinh ra, lớn lên tại thôn Đoan Nữ chia sẻ: "Đi làm xa nhà, mỗi lần trở về làng quê, nhìn thấy màu đỏ hoa gạo, tôi lại có cảm giác vô cùng thân thuộc. Nó gợi cho tôi niềm nhớ quê hương, nhớ những chiều cùng bà đi nhặt hoa gạo...".

Với du khách, ngoài chụp ảnh lưu niệm, hoa gạo cũng lưu lại trong tâm hồn sự thanh thản và những ký ức tuổi thơ của mỗi người. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Dũng cho biết: "Tôi chụp nhiều ảnh hoa gạo trên mọi miền Tổ quốc, nhưng vẫn rất ấn tượng với hoa gạo ở Hà Nội, bởi hoa gạo ở đây làm người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc, khung cảnh hoa gạo ở đây cho nhiều góc máy lạ để khai thác. Các cây gạo cổ thụ tại Vân Đình, Tế Tiêu, chùa Hương ở đầu làng, bên dòng sông, trên triền đê, giữa cánh đồng... luôn là chất liệu khơi niềm cảm hứng để tôi sáng tác".

Hoa gạo khi nở có kích thước lớn, gồm năm cánh, cánh hoa uốn cong nhẹ nhàng ra bên ngoài, đỏ mọng như cánh môi thiếu nữ. Nhụy hoa mỏng manh nhưng thẳng tắp, trên đầu có chấm đỏ như những tia lửa sắp bùng cháy.

Đến khi vào mùa, hoa trổ đầy cành, nhìn từ xa giống như những đốm lửa rực rỡ tràn đầy sức sống làm bật lên khung cảnh làng quê yên bình. Chỉ cần ngắm nhìn những bông hoa gạo khoe sắc thắm là tâm trạng dù có buồn đến đâu cũng bị vẻ đẹp hoa gạo chinh phục, khiến lòng người trở nên vui vẻ.

Cây hoa gạo trưởng thành có dáng thẳng, cao khoảng 15-20m, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngả màu xám nâu. Những cành non hơn thường có một lớp gai nhọn bao bọc. Tán cây xòe rộng tạo bóng mát.

Thắp lửa trên thành phố

Mỗi độ tháng 3 về, khung cảnh thành thị ở Hà Nội như được khoác lên một tấm áo mới bởi sắc đỏ hoa gạo. Tuy số lượng cây gạo rất ít, những cây đơn lẻ nằm trong các khu dân cư nhưng nhờ chiều cao nổi bật giữa những loài cây khác nên vẫn khoe sắc kiều diễm với người dân Thủ đô.

Cây gạo cổ thụ nằm ở giữa 2 con phố Tràng Tiền và Trần Khánh Dư, trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những cây lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội. Trong những ngày tháng 3 này, hoa gạo tô sắc thắm trên mái ngói nâu trầm mặc của thành phố.

Trên ngã ba Giải Phóng giao với Phương Mai, có gốc gạo đang nở hoa rất đẹp nên chẳng phải đi đâu xa mà vẫn có thể ngắm nhìn hoa gạo giữa lòng Hà Nội.

Không chỉ có vùng nông thôn, ngay tại trung tâm Thủ đô, có một con đường hoa gạo đẹp đến nao lòng. Hàng cây gạo mới trồng chỉ cao 4-5m nhưng cây nào cũng ra kín hoa, đỏ rực trời. Hàng gạo nằm tại quận Hà Đông, trong một khu đô thị đang thi công, cạnh Khu đô thị Park City trong những ngày tháng 3, thu hút rất nhiều du khách tới đây check-in, chụp những bộ ảnh lưu niệm ấn tượng với hàng trăm cây hoa gạo được trồng thành hàng, tạo thành một con đường hoa gạo có "một không hai" ở Hà Nội.

Người Tây Nguyên gọi hoa gạo là hoa Pơ lang.

Vào những buổi trưa, từng tốp học sinh ra về hối hả… Con trai đi riêng, con gái đi riêng, rồi nhặt hoa gạo ném trêu nhau… Trên cao chim sáo, chào mào… hót vang như cùng đùa vui với lũ học trò tinh nghịch… Những hoa gạo mới rụng xuống, cánh con trai hay nhặt để mút mật ngọt… Không ít lần, những bông hoa gạo rụng xuống làm lấm những tà áo trắng của các bạn gái…

Hoa gạo vào thơ ca, nhạc họa của không ít học sinh, sinh viên hay các nhà văn, thơ chuyên nghiệp… Hoa gạo là kỷ niệm chung, kỷ niệm riêng của nhiều người… Ai cũng phải lớn lên, tuổi thơ trở thành dĩ vãng… Nhưng hoa gạo vẫn nở đều tháng 3…

Hoa gạo gắn với mùa kết thúc năm học, khi những bông gạo bay phát tán cũng là lúc vào hè, rợp trời bông trắng bay, bồng bềnh bông trắng đùa vui trên đường… Xa những mái trường, nay chúng ta đã trưởng thành… Và vào thời gian này, khi về quê, đi lễ hội chùa Hương..., khi thấy hoa gạo nở thì kỷ niệm trường xưa và tuổi thơ lại ùa về…

Bao năm thân thuộc gạo ơi
Hồn quê thắp lửa cháy trời tháng ba
Nửa đời lưu lạc phương xa
Nhớ mùa hoa gạo lòng ta bồi hồi...

Người xưa cũng thật tinh tế, có những câu ca dao vừa dễ nhớ vừa thân thuộc với sinh hoạt thường ngày như là: “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”; "Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.