Phổ Yên, mùa chọi diều

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:17, 06/08/2009

(HNM) - Có lẽ chẳng ở nơi nào mà thú đam mê thả diều lại như ở thị trấn Phổ Yên, Thái Nguyên. Cứ lửng buổi chiều, bà con sống trong cộng đồng nhỏ dọc quốc lộ 2 đó lại rủ nhau ra đồng kéo diều. Sợi dây diều to bằng chiếc đũa ăn cơm đã được giăng sẵn từ sớm, nằm vắt qua những thửa ruộng, nghển chờ để nối vào lèo, đẩy con diều to như chiếc thuyền thúng bay cao.

(HNM) - Có lẽ chẳng ở nơi nào mà thú đam mê thả diều lại như ở thị trấn Phổ Yên, Thái Nguyên. Cứ lửng buổi chiều, bà con sống trong cộng đồng nhỏ dọc quốc lộ 2 đó lại rủ nhau ra đồng kéo diều. Sợi dây diều to bằng chiếc đũa ăn cơm đã được giăng sẵn từ sớm, nằm vắt qua những thửa ruộng, nghển chờ để nối vào lèo, đẩy con diều to như chiếc thuyền thúng bay cao.

Những lúc kéo diều như thế vui nhất khi thấy cả đám lau nhau chạy theo reo hò, cổ vũ cho diều xóm mình bay cao và kêu to hơn cả. Có những trận đấu diều túy lúy, cả người chơi và khán giả đều hả hê. Niềm yêu thích thả và chọi diều cứ như ngọn lửa đam mê truyền từ đời này sang đời khác. Từ Phổ Yên biết bao câu chuyện xung quanh cánh diều đã lan đi khắp xóm dưới, làng trên râm ran trong mỗi bữa cơm chiều.

Những trận thư hùng trứ danh

Năm ngoái, dân xóm Chùa (xã Nam Tiến, Phổ Yên) còn nhớ mãi trận đấu trứ danh giữa diều của Lâm Văn Sung, tay thợ mộc đa tài nhất thị trấn Phổ Yên, với các diều xóm bạn. Diều của Sung dài gần 5m, nổi tiếng vì to nhất vùng, bay ở độ cao gần 1.500m dây mà trông vẫn lừng lững khi đứng cạnh những cánh diều bạn. Cây diều đó chẳng khi nào chịu "đứng" dưới một cánh diều nào, tiếng sáo dàn 3 của nó cũng kêu vang và trong trẻo nhất. Sáo cái to bằng cái phích, bắt nhịp cho âm thanh hai chiếc sáo con tạo thành một hòa âm vi vút chưa từng có. Ai nghe tiếng sáo đó cũng biết ngay của tay thợ giỏi làm ra. Diều của Sung đã từng đánh bại vô khối những cánh diều quanh vùng một cách công bằng nhất, khi đối phương chấp nhận chọi diều.

Chọi diều là một cuộc chơi mà đối thủ không nhìn thấy mặt nhau. Họ chỉ xuất hiện bằng cách, cho con diều của mình lên gần diều phía đối phương, thực hiện những động tác bổ nhào khiêu khích. Nếu không có những cao thủ chọi diều kể lại, thì người xem chỉ biết được hình ảnh những chiếc diều đại hiền lành đứng im trên cao, cống hiến những giai điệu đồng quê du dương. Chỉ khi nào có diều ở hội khác mon men khiêu khích, con diều lập tức biểu diễn những pha bổ nhào thật ngoạn mục, khiến diều lạ kia không chịu nổi, lệch quỹ đạo xoay tít như chong chóng rồi bứt dây rơi tự do làm quà cho cánh trẻ mục đồng ở một làng nào đó. Trong nhiều cuộc chọi diều như vậy, chiếc diều 5m của Sung luôn giành phần thắng. Chẳng tài nào có thể đếm xuể có vài chục hay tới cả trăm con diều quanh vùng bị con diều đó đánh tả tơi như thế... Cho đến một ngày, hội diều làng bên phải dùng mẹo chập ba dây cho một con diều 3,5m mới đánh đổ được cánh diều từng vô địch trong bao cuộc chọi của Sung. Trận ấy, diều của Lâm Văn Sung bị đứt dây sau nhiều pha bổ nhào phía dưới, hai làn dây diều cọ xát vào nhau làm cánh diều nặng trịch cũng xoay tít theo. Dây diều của Sung mảnh hơn nên đứt trước, con diều đại mất hút vào trong không gian làm cả xóm Chùa tiếc hùi hụi. Nhưng như một phép lạ, một năm sau Sung lại tìm được đúng chiếc diều của mình ở một làng cách nhà gần chục cây số nhờ lần theo tiếng sáo diều có một không hai! Cánh diều đó qua một năm lưu lạc vẫn ngạo nghễ và thường xuyên được chủ nhân chăm chút thay dây mới để không bao giờ còn xảy ra cái chuyện thua trận kia.

Tháng sáu (âm lịch) cũng vào chính vụ diều. Hễ đêm nào gió mát trăng thanh, không bị nước mắt nàng Ngâu rả rích, là cả vùng diều thị trấn Phổ Yên thỏa thê mà no gió, no cả những tiếng sáo vi vút trên cao. Sáo diều chuẩn phải là thứ tiếng của trời, thoạt nghe như tiếng còi tàu thủy rúc từ xa nhưng không phải để hối hả, giục giã. Đó là một thứ âm thanh nghe như từ xa xôi vọng về, gần đấy mà vời vợi, đắm đuối, như ngay trước mắt nhưng lại như ảo ảnh, xa xăm. Phải thật đam mê thú chơi mới nhận ra cảm xúc của con diều trong trạng thái hưng phấn bằng chính tiếng sáo trời. Những âm thanh của sáo báo hiệu giây phút thăng hoa của cánh diều căng gió, hay những lúc muốn bất kham đòi bứt khỏi dây neo, chao nghiêng như chiếc lá rụng.

Thả diều là lúc người nông dân hài hòa, cân bằng nhất với cảm xúc của mình. Trẻ mục đồng, ngoài đấu diều, thi xem diều của ai bay cao nhất, chắc khỏe nhất còn có trò gửi tín thư lên trời cao. Đó là những mảnh giấy dài, dán hai đầu thành chiếc vòng quanh dây diều theo gió cứ thế mà lên cao. Có truyền thuyết là trong một trận, diều ai thả được đúng 1.000 tín thư coi như sẽ được một điều ước như ý. Chẳng biết đã có ai ở đất diều này được toại ý chưa, nhưng đến giờ này niềm tin hồn hậu đó vẫn còn cháy bỏng trong mỗi đam mê!

Bay cao mãi một thú đam mê...

Chẳng biết từ khi nào, đam mê thả diều như ngọn lửa được truyền từ đời này sang đời khác ở những người nông dân vùng bán sơn địa này. Đến tận bây giờ, ở Phổ Yên vẫn còn hội những cụ phụ lão chơi diều, hội thanh niên chơi diều. Vì học theo truyền thống các cụ, trung niên chơi diều cũng lập thành nhóm, thanh niên chưa vợ cũng lập thành hội nhóm và đến ngay cả đám trẻ cũng mày mò vót nan, bồi giấy suốt ngày. Anh Trần Bắc Dung, cán bộ Bảo tàng Thái Nguyên kể lại: "Nhà tôi vẫn còn cây diều đại gần 4m từ thời ông ngoại để lại. Cây diều này được đích thân thợ làm diều khéo nhất vùng là Lâm Văn Sung trau truốt lại nên càng ngày càng dẻo dai. Nếu so về kích thước, thì nó chưa phải lớn nhất nhưng nghe ông ngoại kể lại, nhờ tiếng sáo diều này mà ông đã gặp được bà ngoại trong một trận chọi diều giữa hai làng". Nhiều bậc trưởng bối ở xóm Chùa từng khẳng định, từ bé đã thấy các cụ chơi con diều tới 7m. Mà cách chơi của các cụ còn thú vị hơn nhiều khi có đận treo diều tới cả tuần ngoài đồng chỉ để cho cả làng thưởng thức tiếng sáo.

Lại nói về nghệ thuật làm sáo diều. Đây không phải là một thú chơi bình thường như nhiều người vẫn nghĩ một cách giản đơn. Ống sáo diều giản dị kia muốn cho được tiếng nỉ non ưng ý và theo được con diều bay cao phải được làm thứ tre chết dóc (loại tre chết khô còn nằm trong bụi) nên cực hiếm. Quanh vùng Phổ Yên nghe đâu chẳng tìm thấy loại tre này nữa bởi cứ nghe ở đâu có tre chết dóc là dân chơi diều lại đến tìm. Riêng con diều đại của Lâm Văn Sung có ba con sáo lớn mà chủ nhân chọn đi chọn lại trong 4 năm mới ưng ý. "Tôi phải đẽo từ mấy chục gốc tre chết dóc sưu tập quanh vùng mới ưng được bộ sáo này đấy. Tiếng của nó bây giờ trong veo, hòa vào làm một chẳng hề giống với bất kỳ bộ sáo nào trong vùng" - Sung luôn tự hào với bất kỳ ai nghe tiếng đến tham quan con diều của mình.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Các cụ ngày xưa nói "tháng tám tre già làm lạt" chẳng hề sai tẹo nào khi những cây tre được chọn hóa thân thành những con diều. Nhưng cũng phải đợi một hai tháng nữa con diều đích thực mới bắt đầu được khởi công. Tuổi đời một con diều luôn gắn với tuổi đời của kiếp tre là thế. Đúc kết kinh nghiệm dân gian này, dân chơi diều thăm những cây tre già từ trước, đợi đến tháng mười (âm lịch), có gió mùa Đông bắc mới chặt xuống, qua một năm phơi mốc mới chẻ ra vuốt thành bộ khung diều mỏng manh nhưng vô cùng chắc chắn. Ngày xưa các tiền bối ở Phổ Yên còn kỳ công làm dây diều từ chính những cây tre thân thuộc này. Đó là thứ tre bánh tẻ, sau thời gian phơi khô đem luộc với muối, tuốt thành sợi từ đúng cật tre. Theo kinh nghiệm dân gian, mỗi cật tre như vậy tuốt được thành một sợi dây dài đúng bằng thân cây đó. Còn để có chiếc áo diều chuẩn mực, đen như bồ hóng thì càng phải chờ đợi lâu hơn. Thứ màu đen không pha tạp đó theo kinh nghiệm các cụ ít nhất phải được đặt trên gác bếp qua 3 năm ròng mới chống chịu được mưa nắng. Nếu làm đúng theo công thức phết lòng đỏ trứng gà, trứng ếch ương trộn với củ nâu trên lớp giấy bồi theo đúng tỷ lệ nhất định, rồi đặt trên gác bếp qua ít nhất ba vụ diều thì con diều đó bảo đảm có khả năng chịu đựng được cả… mưa rào. Kinh nghiệm này, bất kỳ dân chơi diều nào ở Phổ Yên cũng thuộc như lòng bàn tay. Nhưng giờ hiếm lắm mới có tay chơi áp dụng được đúng công thức. Lý do cũng thật đơn giản, vì bây giờ, vật liệu mới như ni lông làm áo, dây thừng, thanh lạt bằng nhựa có thể bỏ tiền ra mua là có.

Những trận thư hùng giữa các cánh diều trên cao không ồn ào giữa những tiếng hò reo mà diễn ra âm thầm khi nắng chiều đã bắt đầu nhạt, mặt trời đã ngả về hướng Tây, không gian nhuộm một màu huyền ảo. Khi đó dân chơi định vị chiều cao của con diều đối phương bằng cách dỏng tai lắng nghe tiếng sáo. Hễ diều xóm bên mà cao hơn của xóm mình, thể nào cũng có anh tìm cách lái diều sang phía đó để đấu. Lại nói về nghệ thuật lái diều. Một con diều sải cánh 3m trở lên, muốn cố định phải buộc vào một gốc cây to hay một chiếc cọc cắm sâu xuống đất như neo thuyền và khi muốn di chuyển phải cần tới 2 thanh niên lực lưỡng mới có thể xoay chuyển. Nghe tiếng sáo diều đối phương là ước đoán được chiều cao và kích cỡ diều, nên như một quy ước ngầm, những tay diều có hạng chỉ thi đấu với những diều ngang cơ. Còn cỡ diều đàn em, tép riu, hàng chợ thì không bao giờ dám mon men trong sân đấu diều mỗi chiều.

Thay lời kết

Lại một chiều nắng đẹp. Mặt trời mới chếch đằng Tây, cánh thanh niên thị trấn Phổ Yên đã í ới gọi nhau đi thả diều. Chuyện đó dường như đã thành thông lệ ở đây. Thả diều đã không còn là thú vui mà trở thành khoảng thời gian cộng đồng dân cư được tụ họp với nhau. Niềm vui thả diều có sức đam mê lạ còn hơn cả xem hội khiến cánh thợ mộc đang dở tay thì buông tràng đục, dân thợ nề nhanh tay trát thêm lần vữa nữa, còn dân tiểu thương thì nhờ nhau trông hộ quầy hàng… kéo nhau ra đồng. Hội diều tập họp ngay cánh đồng sau làng ngăn ngắt lúa thì con gái. Ruộng sâm sấp nước, mục đồng hò reo trên những bờ vùng, bờ thửa, thi thoảng lại thấy có thanh niên vồ ếch đánh oạch vì trót thử sức với dây diều đang đà no gió. Bên dưới cánh diều căng gió, mục đồng nghển cổ tha hồ tưởng tượng bao câu chuyện hay về cõi nhân sinh... Đời thế mà vui!

Dương Hiệp

TUANPHONG