Người mang hồn Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 14:31, 08/08/2003

Có lẽ không ai không biết đến văn tài của Nguyễn Tuân - một văn tài đặc sắc đến độ khiến cho ông trở thành biểu tượng không gì sánh kịp của văn chương mê đắm một thời với ngòi bút của kẻ luôn đi tìm và  tụng ca cái đẹp...

Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân do hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ

Có lẽ không ai không biết đến văn tài của Nguyễn Tuân - một văn tài đặc sắc đến độ khiến cho ông trở thành biểu tượng không gì sánh kịp của văn chương mê đắm một thời với ngòi bút của kẻ luôn đi tìm và tụng ca cái đẹp.

Và không ai không biết đến tính cách đặc biệt của ông với khí phách dữ dội của kẻ sĩ và sự ngông kỳ lạ của lãng tử mà những chuyện kể lại đã đi vào truyền thuyết.

Song vượt qua mọi cái đó, ẩn sâu trong tâm hồn ông là một nỗi niềm đau đáu về Hà Nội của một người con Hà Nội. Ông là đại diện thật xứng đáng cho nét tài hoa thanh lịch Thăng Long, là người trong suốt cuộc đời mình luôn nặng mang tấm lòng Hà Nội, tâm hồn Hà Nội.

Ông ra đi vào ngày 28/7/1987, cách đây vừa đúng 16 năm. Nhớ về ông HNMĐT xin được trích đăng những hồi tưởng của bao bạn bè ông - có cả những người đến nay cũng không còn nữa...

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:

Trong cái thế giới hỗn độn là đời sống văn học trước năm 1945, chung quanh tên tuổi Nguyễn Tuân, người ta thường thấy chất lên đủ thứ giai thoại kỳ cục. Rằng ông chơi ngông không kém gì Tản Đà hồi nào; rằng ông cầu kỳ lẩn mẩn, thích làm dáng, thích khác đời v.v. và v.v. Những điều đó ít nhiều không phải không có chỗ đúng.

Trong lúc một số người chạy theo "Âu hoá" thì ông quay về với vẻ đẹp "vang bóng một thời". Trong lúc một số người viết văn lai căng, thì ông không quản nghiền ngẫm, tu luyện công phu để tạo cho văn mình những đường nét cổ kính mặc dù đó là vẻ cổ kính rất hiện đại. Luôn luôn, trong từng bài viết, thậm chí, trong từng câu văn, ông muốn tạo những hiệu quả bất ngờ và ít nhiều đã thực sự làm được điều đó. Bởi con người có thiênlương và rất phóng túng nơi ông lại là con người giữ được cái cảm giác thiêng liêng trong hành nghề  với trình độ nghề nghiệp cao,Người nghệ sĩ như kẻ đóng một cái khung - ông bảo vậy - phải tháo ra đóng lại, đến lúc cảm thấy không ai đống hơn được mình mới thôi. Một nhà văn bạn ông nhạn xét: mỗi khi viết, ông thường có cái dáng cặm cụi rất đáng trọng.

Cuộc sống riêng của Nguyễn Tuân trải ra trong ba phần từ thế kỷ làm người, trong đó nó có nửa thế kỷ cầm bút. Đúng là ông đã khởi nghiệp trongsự gắn bó chặt chẽ với quá khứ (từ những Nguyễn Du, Tú Xương mà ông sẵn sàng đọc đi đọc lại, đến Tản Đà, Thạch Lam mà ông có quen biết riêng). Song phần chủ yếu ở ông là thuộc về nền văn học sau 1945. Trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam hôm nay - những người đã làm tất cả để có thể có ích ngay cho sự nghiệp cách mạng - Nguyễn Tuân là một trong những người đứng ở hàng đầu.

Họa sỹ Tạ Tỵ:

Nguyễn Tuân là một trong những khuôn mặt lớn của nền Văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở trước và trong cuộc chiến. Nói đến Nguyễn Tuân là nói một giá trị hiển nhiên, là khơi sáng lại dòng thời gian chìm khuất, là nhắc nhở đến một vùng trời xôn xao của thanh tân ngôn ngữ. Nguyễn Tuân đứng sững trước mặt chúng ta với vóc dáng kiêu kỳ, với từng nguồn tài hoa, với đôi cánh chập chờn bay lượn trên đỉnh cao nghệ thuật. Hành trình vào tác phẩm Nguyễn Tuân như hành trình vào một cung điện tráng lệ đầy màu sắc diễm ảo. Từng nguồn ánh sáng lung linh chiếu rọi vào mỗi dòng, mỗi chữ, thứ ánh sáng lạ kỳ làm mê hoặc cả gỗ đá vô tri và làm nhũn từng ý nghĩ bứt đi tự niềm cô đơn nhất. Nghệ thuật khi đã vươn tới đỉnh cao có thể toả ra xung quanh những tia lửa làm cháy cả rừng cây, làm khô dòng suối, nếu rừng cây, dòng suối chỉ mang trong bản chất những ước lệ tầm thường, nhàm chán.

Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Tuân không nhiều, nhưng ở mỗi tác phẩm đều súc tích và chứa đựng sự bất thường vượt thoát của ngôn ngữ đi vào thế giới riêng biệt mà chỉ có Nguyễn mới đủ sức phung phí và sử dụng để hình thành một kiến trúc vĩ đại như thế. Mỗi chữ được Nguyễn dùng trở nên quý giá. Nguyễn Tuân viết giống như nhà điêu khắc cần cù chạm trổ vào mặt đá quý những hình nét trác tuyệt...

MIKHAIN ILINXKY (nhà văn Xô Viết):

"Độc giả thấy ở chúng ta nguồn sức mạnh đạo đức. Họ không tha thứ cho chúng ta những dòng chữ yếu ớt, nhạt nhẽo. Chén trà xanh làm giải cơn khát, cơm gạo nuôi sống con người, còn cuốn sách làm no bộ óc, những khả năng sáng tạo là vô tận. Văn học là chiếc khăn bàn thần mà trên đó bao giờ cũng phải có các món sơn hào hải vị. Phải biết cách tìm ra viên ngọc giấu kín trong tâm hồn con người và miêu tả nó" - Đó là những lời Nguyễn Tuân thường nhắc đi nhắc lại khi suy nghĩ về thiên chức của nhà văn trong xã hội. Chính ông đã biết tìm ra viên ngọc này. Những cuốn sách và truyện ngắn của ông: Vang bóng một thời, Chén trà trong sương sớm, Thiếu quê hương, Chùa đàn, Sông Đà và những tác phẩm khác có một bút pháp lãng mạn trang nhã, tinh tế mà nhà phê bình văn học nổi tiếng Vũ Ngọc Phan đẫ gọi là "phong cách độc nhất vô nhị, thật sự Việt Nam".

"Tôi muốn ngày nào cũng được say sưa với cái mới - ông viết ở trong các cuốn sách đầu tiên của mình - Tôi muốn mỗi ngày đều đem lại cho tôi niềm ngạc nhiên để từ đó nảy sinh ra cảm hứng và nỗi ham thích làm việc. Nếu con người không biết ngạc nhiên nữa thì anh ta chỉ còn cách là lại trở thành đất bụi". Có lẽ, đó là tín điều văn học và xử thế của Nguyễn Tuân.

Nếu có người hỏi tôi ai biết rõ hơn hết những phong tục tập quán, những phương ngôn tục ngữ và truyền thuyết của Việt Nam thì tôi sẽ trả lời: Nguyễn Tuân. Nếu có người hỏi tôi ai am hiểu hơn hết Việt Nam thời cổ, tôi sẽ trả lời: cũng chính là Nguyễn Tuân.

Khi hoàn thành một tác phẩm mới của mình, Nguyễn Tuân bao giờ cũng trở về Thủ đô.

- Không khí Hà Nội làm tôi phấn chấn - ông giải thích, trước giờ làm việc, người Hà Nội gốc thường có thói quen tranh thủ thời gian đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm hay ra đường Cổ Ngư rợp bóng mát giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch một chút.

Có lẽ ở Việt Nam không đâu có những khu nhà đáng yêu và xinh đẹp hơn những khu phố của Hà Nội cũ. Trung tâm thành phố đã từng được Nguyễn Tuân miêu tả hết sức tinh tế và nên thơ trong tác phẩm Nguyễn trông tựa như một thị trấn ấm cúng xinh đẹp, nơi mỗi ngôi nhà có một kiểu kiến trúc riêng.

Tôi cùng Nguyễn Tuân dạo bước trên hè phố lát gạch quanh hồ Hoàn Kiếm.

- Hồ có tên gọi như vậy là bắt nguồn từ truyền thuyết về vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và con rùa thần đã trao cho Lê Lợi thanh kiếm báu đi giải phóng - Nguyễn Tuân kể - Truyền thuyết đó được cả người nước ngoài biết đến nhiều. Nhưng đáng tiếc là kỷ niệm về quá khứ đang có nguy cơ mất đi cùng với lớp người già. Nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại để họ khỏi quên mất vóc dáng của trung tâm Hà Nội truyền thống, từ 30, 50 hoặc 100 năm trước dây.

Nhà văn Ngô Văn Phú:

Từ tuổi mười một, mười hai, tôi đã đọc Vang bóng một thời của ông Nguyễn. Tôi đọc để nhớ về cụ nội, ông nội tôi, nhà nho xưa. Tôi đọc để hình dung ra các nhà nho với lối chơi tao nhã, một thời, tôi nhớ những tay giang hồ qua những chuyện kể của bà, của mẹ về những đám "cướp" vào làng - từ chuyệnquận Hẻo Nguyễn Danh Phương đến những người bất đắc chí tụ họp đào mả bọn nhà giầu, để chịu những tội tình đóng cọc, chém đầu răn người khác...

Tôi đọc để nhớ đến phong độ lễ giáo đã nhuần thấm bốn năm đời từ người mở đầu khoa bảng dòng họ nhà tôi. Những chiếc ấm đất, những chậu lan, những hương cuội, hương trà, hình như còn lần khuất trong các di vật cổ, mà dù nghèo lắm, thầy mẹ tôi vẫn lưu giữ. Tôi nhìn qua vườn tược biến thiên để thấy chỗ ông tôi ngồi bên các nhà nho cuối mùa thi cử để bàn chuyện văn chương. Ông Nguyễn đến với tôi không phải bằng văn mà bằng một điều nhắn gửi sâu kín, tôi mơ màng nhận lấy mà sau này, tự mình khi đeo đuổi nghiệp văn chương, như người học trò nhận lấy lời thầy: muốn viết văn, phải có cái hồn riêng cốt cách riêng, cái hồn ấy phải hút lấy từ những tinhhoa của những dòng văn hóa...

Phùng Dũng (tổng hợp)

ANHTHU