Ba xã vùng cao: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân:Khi ánh điện về

Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 01/08/2009

(HNM) - Một năm sau khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, 3 xã vùng cao Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân với 70% người dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất có nhiều đổi thay. Đời sống của người dân nơi đây đã bớt khó khăn, giáo dục, y tế khởi sắc, các công trình phúc lợi được quan tâm… Khoảng cách của nơi xa nhất và nghèo nhất không còn như trước.

Nông dân xã Tiến Xuân (Thạch Thất) chăm sóc lúa mùa. Ảnh: Thu Giang

(HNM) - Một năm sau khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, 3 xã vùng cao Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân với 70% người dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất có nhiều đổi thay. Đời sống của người dân nơi đây đã bớt khó khăn, giáo dục, y tế khởi sắc, các công trình phúc lợi được quan tâm… Khoảng cách của nơi xa nhất và nghèo nhất không còn như trước.

Đánh thức những tiềm năng

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên 3 xã Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân mới sáp nhập vào Thủ đô là những đồi núi trọc đã được phủ bằng những cánh rừng keo, bạch đàn xanh mướt. Những đoạn đường khúc khuỷu, con dốc vắng bóng người qua đang được mở rộng, kiên cố hóa vững chắc. Bên cạnh những nương sắn, vạt chè... thấp thoáng nhiều ngôi nhà mới xây còn thơm mùi sơn. Quả thật trên mảnh đất đồi gò này đã có sự đổi thay kỳ lạ sau một năm trở thành thành viên của Thủ đô Hà Nội. Trên đường đưa chúng tôi tới thôn Lặt, Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Tiến Buông tâm sự, Yên Trung là địa phương khó khăn nhất trong số 4 xã hợp nhất về Hà Nội và thôn Lặt cũng là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Yên Trung. Trước đây, đến với thôn Lặt phải leo bộ qua vài con dốc, đường đi rất xấu và hẹp. Bây giờ con đường tới thôn này đã và đang được bê tông hóa dài 2,5km, rộng 5m với số vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Không chỉ tuyến đường này, Yên Trung còn đang xây dựng 2 tuyến đường khớp nối trung tâm xã với các thôn. Ở 2 thôn cuối cùng của Thủ đô mới có điện thắp sáng là thôn Hương và thôn Hội, diện mạo nông thôn mới có sự thay đổi đột biến. Bà Nguyễn Thị Cầu ở thôn Hội vui vẻ kể, trước khi về Hà Nội, người dân trong thôn chủ yếu sống bằng trồng rừng và cấy lúa. Sản xuất nhỏ lẻ, lại không có điện nên các dịch vụ buôn bán, trao đổi khó khăn, sản xuất và các hoạt động văn hóa, xã hội đều kém phát triển. Vậy mà chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày trở thành công dân Thủ đô, lưới điện quốc gia đã về làm nơi đây từng bước thay da đổi thịt. Có điện, một số nhà đã đổi thóc lấy ti vi, sắm quạt điện, nồi cơm điện và các tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Nhiều gia đình năng động đã đầu tư mua sắm máy xay xát, máy đóng gạch, máy cưa xẻ mở rộng sản xuất làm giàu chính đáng. Ngay như nhà bà Cầu đã bỏ 50 triệu đồng sắm cả dây chuyền đóng gạch ba banh vừa giải quyết việc làm trong gia đình, vừa tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập mỗi ngày bình quân 50.000 đồng/người. Từ khi có điện, gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Hội mới có điều kiện mua máy xay xát về phục vụ bà con trong thôn. Theo như lời của Chủ tịch xã Yên Trung, hiện nay trên địa bàn xã có hàng chục gia đình mở mang sản xuất, làm ăn khấm khá như gia đình bà Cầu, ông Tám. Thế nên đời sống của bà con nơi đây đã được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo theo tiêu chí mới sau khi sáp nhập đã giảm được 130 hộ (hiện chỉ còn 120 hộ); 85 - 90% gia đình có ti vi, máy nghe nhạc. Để tạo đà phát triển kinh tế, xã hội bền vững, Yên Trung còn đang được Chi nhánh Điện huyện Thạch Thất tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo hệ thống điện trên địa bàn xã, sắp tới toàn bộ lưới điện các thôn sẽ được giao cho Chi nhánh điện quản lý. Bà con trong xã sẽ được hưởng giá điện theo quy định của Chính phủ, không phải mua điện từ "thầu khoán" với giá 1.400 đồng/kWh.

Chia tay xã Yên Trung, chúng tôi đến xã Yên Bình. Sau cái bắt tay nồng ấm phấn khởi, Chủ tịch xã Yên Bình Nguyễn Văn Hà cho biết: "Cũng như xã Yên Trung, xã thuần nông Yên Bình rất được quan tâm về xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa xã hội… nên bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Từ đầu năm đến nay, hơn 6 tỷ đồng đã được giải ngân cho công trình nâng cấp trường học, đường giao thông, hệ thống loa truyền thanh phục vụ đời sống dân sinh của nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm được 2% so với thời điểm trước hợp nhất, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 8 triệu đồng/người, tăng 1 triệu đồng so với năm 2008".

Điện thắp sáng đã về thôn, gia đình ông Nguyễn Văn Tám, thôn Hội, xã Yên Trung (Thạch Thất) có điều kiện mua sắm tiện nghi sinh hoạt.Tạo động lực phát triển

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất - Trần Đức Nguyên, sau khi tiếp nhận 3 xã, huyện xác định đây là vùng đất chưa được đánh thức hết tiềm năng với 7.000ha đất tự nhiên màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế từ rừng và chăn nuôi gia súc lớn. Không chỉ có vậy, đây còn là nơi rất tốt để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng đô thị nhà vườn thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật và kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, huyện Thạch Thất đã dành cho nơi đây những ưu tiên đặc biệt so với các xã, thị trấn trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã vạch ra 5 nhiệm vụ và hai khâu đột phá để vực dậy tiềm năng kinh tế còn bỏ ngỏ ở các xã này. Trong đó, nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với chỉnh chang nông thôn. Đồng thời rà soát, quản lý chặt chẽ đất đai, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế rừng và mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc lớn. Để giúp nông dân phát triển sản xuất, huyện đang rà soát quy hoạch các công trình thủy lợi, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, trạm bơm tưới tiêu nước và đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, vật nuôi. Theo ông Nguyên, từ nay đến cuối năm, huyện Thạch Thất sẽ đầu tư trên 100 tỷ đồng và 15 tỷ đồng từ gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn thành phố hỗ trợ tiếp tục giúp các xã xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông, giúp thông thương hàng hóa và người dân đi lại được thuận tiện.

Tạm biệt Bình Yên, Yên Trung và Tiến Xuân ra về, chúng tôi còn nhớ lời nói mộc mạc của bà Cầu: "Những e ngại, băn khoăn của chúng tôi sau khi trở thành công dân của Hà Nội giờ đây đã được giải đáp, cái đói cái nghèo sẽ không còn đeo đuổi và niềm tự hào là người dân Thủ đô đang bừng lên trong lòng". Rõ ràng là sức sống mới ở nơi đây đang lan tỏa.

Hoài Thu

ANHTHU