Nghị quyết và Đời sống

Giữ ''nếp làng'' truyền thống

Nguyễn Mai - Bạch Thanh - Quỳnh Dung 09/08/2022 14:30

Văn hóa Hà Nội ngày nay được hình thành từ sự kết tinh, hòa quyện của những nét văn hóa của vùng đất xứ Đoài, trấn Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc với văn hóa Kẻ Chợ. Ở mỗi vùng đất lại chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa mang nét đặc trưng, những nghề thủ công truyền thống, những nếp sinh hoạt riêng có. Nhiều nhà nghiêu cứu văn hóa cho rằng, làng quê Hà Nội chứa đựng vô vàn vốn quý và là  “ngọc bảo” của thành phố Hà Nội.

Không gian văn hóa làng Việt gắn với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Vùng đất xứ Đoài mang trên mình nhiều ngôi đình uy nghi, cổ kính. Đó là đình “So”, đình “Cấn” ở vùng Quốc Oai đã đi vào tiềm thức của người dân nơi đây: “Đẹp đình So, to đình Cấn”, rồi đình Mông Phụ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), đình Tường Phiêu ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), đình Chu Quyến ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì)… Những ngôi đình đã trở thành biểu tượng riêng có của xứ Đoài in đậm trong mỗi người dân về ngôi làng mình đã sinh ra và theo họ đi suốt cuộc đời…

Đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng) ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì), được xây dựng cách đây chừng 400 năm và được bảo tồn nguyên trạng. Trưởng ban Quản lý di tích làng Chu Quyến - Nguyễn Duy Phú nói với phóng viên Báo Hànộimới, tôi đã đến nhiều thôn làng ở khắp các miền quê nhưng chưa thấy ngôi đình nào có cột to như cột đình Chu Quyến (đường kính cột cái lên tới 82cm). Có lẽ cũng từ cây cột rất lớn ấy nên người dân nơi đây ví von “Nhà con một như cột đình Chàng”. Trước đây, đình là nơi tổ chức các nghi lễ của địa phương, nơi họp làng khi có việc chung... Ngày nay, xây dựng nông thôn mới, người dân có nhà văn hóa để hội họp nhưng với không gian rộng, thoáng cùng ẩn chứa những lớp văn hóa sâu, dày, đình vẫn là nơi thu hút đông người dân tham gia các hoạt động cộng đồng.

Xuôi về vùng đất trấn Sơn Nam Thượng, làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) nổi tiếng bởi sự cổ kính và những nét giao thoa văn hóa Đông - Tây. Từ đầu thế kỷ XX, nghề cắt may âu phục phát triển, người làng Cựu đi khắp Kẻ Chợ mở tiệm rồi mang tiền về quê xây biệt thự, đường làng ngõ xóm… Đến nay, ở làng vẫn còn hàng chục biệt thự mang kiến trúc Pháp, những cổng làng, cổng ngõ, những con đường lát gạch nghiêng, lát đá xanh cổ kính. Làng Cựu cũng giữ được nhiều ao (chiếm tới gần 20% diện tích đất tự nhiên) vì thế luôn mát mẻ vào mùa hè, mưa lũ ít khi bị ngập. 

Tự hào về giá trị kiến trúc của làng, ông Nguyễn Ngọc Dương - Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết, người dân nơi đây coi những ngôi nhà cổ là nét đẹp riêng của làng quê nên cùng chung tay gìn giữ. Chính quyền địa phương đang cố gắng vận động người dân bảo tồn những di sản văn hóa, kiến trúc nông thôn truyền thống để phát triển du lịch.

Những ngôi làng còn là nơi níu giữ phong tục, tập quán truyền thống từ lời ca tiếng hát đến nền nếp học hành. Để rồi người làng  đi đâu, làm gì cũng vẫn luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình, như một phần máu thịt, đong đầy yêu thương, tự hào. Và Hà Nội vẫn còn đó những làng khoa bảng trường tồn cùng thời gian như làng Thư Trai (xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ), Làng Bùng (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì…). 

Theo ông Nguyễn Đình Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, truyền thống hiếu học của làng Thư Trai đã và đang lan tỏa khắp vùng đất này, là vốn quý để xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp... Ông Khuất Duy Thịnh ở thôn 4, làng Thư Trai nói: “Dòng họ chúng tôi có cụ Khuất Duy Hài đỗ Tiến sĩ năm 1868. Phát huy truyền thống hiếu học, cứ mùng Một Tết, dòng họ lại tổ chức gặp mặt, khen thưởng thành tích học tập cho con cháu. Hai cháu nhà tôi đã nhận được sự động viên từ Quỹ khuyến học của làng và của dòng họ, cháu lớn vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, công tác trong quân đội, còn cháu thứ hai đang học tại Học viện Quân y. 

Nhắc tới làng là nhắc tới nghề truyền thống. Và nói không quá, bấy nhiêu làng cổ ở Hà Nội là bấy nhiêu nghề truyền thống nổi danh như: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông), Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 40km về phía Tây, xã Thạch Xá vẫn giữ được nét đẹp của vùng quê truyền thống với chùa Tây Phương cổ kính và mỗi làng lại có một nghề, một sản phẩm nổi tiếng như: Bánh tẻ làng Cầu Liêu, chè lam làng Thạch Xá, đắp vẽ làng Đồng Sống… Theo ông Khương Xuân Huệ - cán bộ văn hóa xã Thạch Xá, nghề đắp vẽ ở Đồng Sống vẫn giữ nguyên cách làm thủ công từ đời cha ông truyền lại như việc lấy giấy dó ngâm vào vôi, rồi trộn với mật, dùng cối giã nhuyễn cho dẻo quánh… Từ nguyên liệu này, các nghệ nhân của làng khéo léo, tỉ mỉ tạo tác các linh vật như: Rồng, phượng hay đầu đao ở mái đình, chùa…

Yên Sở (huyện Hoài Đức) “nhất làng, nhất xã”- tức là một xã cũng chính là một làng có nhiều phong tục đẹp. Từ năm 1995, xã Yên Sở đã thông qua “Quy ước Làng Văn hóa”, kế thừa những giá trị tốt đẹp trong bản Hương ước cổ của làng, có bổ sung những điều khoản cho phù hợp với quy định của pháp luật. Quy ước gồm 6 chương, 63 điều, quy định khá đầy đủ về những việc được và không được làm của người dân và bao hàm nhiều vấn đề trong đời sống cộng đồng như đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường, trật tự trong làng xã... Đây là nền tảng bồi đắp tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, cũng vì thế mà người dân Yên Sở luôn đồng thuận cao khi thực hiện các việc chung. Khi xây dựng nông thôn mới, Yên Sở đã huy động được sự chung sức của người dân trở thành điển hình của huyện Hoài Đức và của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực này, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng vào những năm 2011-2015.

Hay như xã Tản Hồng (huyện Ba Vì), từ việc gìn giữ phát huy giá trị văn hóa làng trong đời sống cộng đồng mà việc to việc nhỏ, việc lớn tại địa phương đều được giải quyết ổn thỏa. Người dân sống trách nhiệm với xóm làng, mực thước trong phong cách hành xử. Ông Phương Văn Liểu - Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng chia sẻ: “Là xã đông dân với hơn 14.000 người, xã Tản Hồng lại không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bất cứ phong trào nào triển khai đến địa phương chúng tôi đều là điểm sáng từ dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao đến phong trào xây dựng làng quê sáng, xanh, sạch đẹp… Đáng nói là bất kỳ việc gì khi phát sinh mâu thuẫn đều lấy “tình làng, nghĩa xóm”, lấy cái lợi ích chung của làng, của xã ra để làm thước đo, giải quyết êm thấm ngay từ cơ sở nên nhiều năm liền không có đơn thư vượt cấp…”. 

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phương Văn Liểu cho biết: “Nhiều nơi người ta lắp cả camera an ninh để ngăn chặn nạn đổ rác ra nơi công cộng nhưng chúng tôi không nghĩ đó là giải pháp phù hợp với làng quê mình. Chúng tôi tuyên truyền vận động để người dân tự ý thức, cộng đồng dân cư tự bảo ban, giám sát nhau, người gương mẫu trước vận động người sau cùng thực hiện những quy định chung”.

Không chỉ bảo tồn cảnh quan, không gian, kiến trúc đặc trưng của làng quê, người dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), vẫn duy trì nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm chất làng xã. Chẳng hạn, ở Đường Lâm có nhiều lễ hội, tục lệ nên việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên. Vào ngày giỗ của hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền và Thám hoa Giang Văn Minh, theo tục lệ, xã đứng ra tổ chức nghi lễ, còn các hộ dân trong làng “góp giỗ”. Khi cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc. Nét đẹp này gắn kết tình làng, nghĩa xóm, từ đó hạn chế được các mâu thuẫn cá nhân.

Với hàng ngàn năm lịch sử, nét đẹp văn hóa nơi làng quê thật sự là những “báu vật” của Hà Nội. Đây là nguồn lực  khơi dậy sức mạnh cộng đồng tạo nên những giá trị mới trong đời sống kinh tế - xã hội… góp phần xây dựng quê hương văn minh, hiện đại.

Là “ngọc bảo” của thành phố, nhưng những mặt trái của  “cơn lốc” đô thị hóa đã khiến nhiều ngôi làng ven đô mất dần bản sắc vốn có. Sự thay đổi từ không gian làng, kiến trúc nông thôn đến tập quán, cung cách ứng xử, tình nghĩa xóm làng đang làm méo mó hình ảnh làng quê bình dị từ ngàn đời và đem đến không ít hệ lụy trong đời sống xã hội. 

Đô thị hóa là tất yếu phát triển, trong tiến trình này, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, công nghiệp, dịch vụ thương mại về làng là điều kiện để các vùng quê thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, mặt trái của đô thị hóa đã mang đến cho làng quê không ít hệ lụy - đó là việc phai nhạt những bản sắc văn hóa; không gian kiến trúc đặc trưng của nông thôn. Không còn nhiều làng quê giữ cây đa, giếng nước, sân đình, với những nếp nhà mái ngói, vườn, ao... đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người bởi, đất thì chật mà người thì mỗi ngày một đông hơn và sự va đập mạnh mẽ với kiến trúc du nhập. Ở một số nơi, nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí đã biến mất. 

Trải dọc theo dòng sông Nhuệ là hàng trăm ngôi nhà có niên đại 100-200 năm ở làng Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Ở đó, những ngôi nhà cổ nằm trong các con ngõ, bám dọc trục đường xương cá, nhập với con đường chính ven sông Nhuệ trong xanh làm nên không gian độc đáo mà không phải làng quê nào cũng có được. “Nhưng đó chỉ là hình ảnh trong tiềm thức vài mươi năm trước. Hiện nay cùng với nhu cầu về nhà ở, người dân cứ có tiền là xây nhà, bất chấp không gian kiến trúc. Không gian làng cổ cũng mất dần cùng những ngôi nhà cổ…” - ông Vũ Văn Bằng, cán bộ văn hóa xã Cự Khê nói với phóng viên Báo Hànộmới. 

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Vũ Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết, gần 80% diện tích đất canh tác của xã đã được thu hồi phục vụ các dự án đô thị. Riêng làng Cự Đà được nhận số tiền đền bù vào khoảng 650 tỷ đồng, hầu như gia đình nào cũng được nhận một khoản tiền lớn, nhà ít thì 1 tỷ, nhà nhiều gần 4 tỷ đồng. Có tiền, người dân đua nhau xây nhà mới. Mặt khác, trong những ngôi nhà cổ, mấy thế hệ sống chung rất chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn nên đành lòng phải tháo dỡ để làm nhà mới tiện nghi hơn. 

Nhà cổ vơi dần, không gian làng cũng bị phá vỡ, ông Bùi Hồng Luyến -  Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) kể lại rằng, nhiều năm về trước, các gia đình nông thôn dù khá giả hay bình thường đều có nếp nhà, khoảng sân, mảnh vườn. Nhưng nay thì “tấc đất, tấc vàng”, mạnh gia đình nào gia đình đó lo… dẫn tới những mảnh vườn, mảnh sân phải chia ba, chia năm thành những ngôi nhà ống để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt. Giờ đây, nhà ống đã trở thành phổ biến ở đất này. Không gian không còn, nếp sinh hoạt làng quê cũng dần phai nhạt. Trước đây “tối lửa tắt đèn có nhau”, mớ rau, con cá cũng chia…, nay nhà kín cổng, ra khóa vào đóng.

Cùng với tốc độ đô thị hóa, làng quê thay đổi chóng mặt, từng ngày. Không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “ăn bữa nay lo bữa mai”, người nông dân đã biết lên sàn thương mại điện tử, khớp lệnh giao dịch nông sản với khắp nước, ra nước ngoài, nuôi khát vọng làm giàu. Không còn quanh quẩn với lũy tre làng, người quê đi muôn nơi mưu sinh, để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán. Và, cũng trong tiến trình đô thị hóa, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mở ra, đem lại việc làm, thu nhập và cho làng quê diện mạo mới. 

Vây quanh những xóm làng bình yên ở xã An Khánh (huyện Hoài Đức) hôm nay là Khu đô thị Bắc An Khánh, Nam An Khánh với những tòa nhà chung cư cao tầng hiện đại. Từ một xã thuần nông với 500ha đất nông nghiệp, nay xã đã cơ bản hết ruộng. Nông dân An Khánh chuyển sang làm công nhân trong cụm công nghiệp, kinh doanh, buôn bán… Chủ tịch UBND xã An Khánh Bùi Quang Ất cho biết, dẫu còn nhiều vất vả nhưng thu nhập từ ngành, nghề mới hơn hẳn so với làm ruộng trước đây nên nhiều gia đình có nhà cửa khang trang, xóm làng chẳng khác nào phố thị.

Đến xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, cảm nhận đầu tiên là những tuyến đường giao thông trải nhựa thẳng tắp, rộng thênh thang. Nhà trong thôn đều được đánh số, đường ngõ xóm được đặt tên. Nhiều gia đình có đất rộng xây dựng nhà trọ cho thuê, một số gia đình mở cửa hàng kinh doanh buôn bán ở chợ Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển hoặc làm nghề phụ. Lớp trẻ đi học rồi đi làm và hầu hết đã thoát ly khỏi nghề nông. 

Bên cạnh những điều tích cực thì những giá trị truyền thống của làng quê đang dần bị khỏa lấp. Cuộc sống bề bộn, gấp gáp của nền kinh tế thị trường một mặt mở ra nhiều cơ hội làm ăn, sáng tạo cho người dân, song lại lấy đi của họ sự bình thản, tĩnh lặng. 

Thôn Tư Sản, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) là một trong những thôn có người ăn trầu lớn nhất vùng. Từ già trẻ, gái trai, ai cũng biết ăn trầu nhưng nay cũng đã dần thay đổi, chẳng còn mấy ai mặn mà với việc trồng thêm hàng cau, giàn trầu để mỗi khi các nhà có việc, cả làng ăn trầu. Có những đám cưới nhà trai mua hơn 2.000 quả cau chia cho cả làng thể hiện “tình làng nghĩa xóm”, “miếng cau lá trầu” trong lễ cưới thôn quê ngày nay dần mất đi. Theo ông Trần Văn Thái (ở thôn Tư Sản, xã Phú Túc), ngày xưa cả làng biết nhau, bây giờ nhiều nhà cao tầng đóng cửa im ỉm giao tiếp xóm giềng ít dần, miếng trầu không còn là đầu câu chuyện nữa. Trong làng phần nhiều là ông bà già, thanh niên người thì “Nam tiến” làm ăn, người đi làm ở các khu công nghiệp nên chỉ còn người già ăn trầu. Hết thế hệ già như chúng tôi, thì chuyện trầu cau ở làng quê này cũng thành dĩ vãng. 

Tệ nạn xã hội thâm nhập qua lũy tre làng, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi len lỏi vào ngóc ngách các làng quê, khiến nhiều gia đình khốn khó. Là một trong những ngôi làng có truyền thống về văn hóa, nhưng “tín dụng đen” vẫn âm thầm tàn phá xã Cao Dương (huyện Thanh Oai). Trưởng thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương) Bùi Văn An cho biết, theo kế hoạch năm 2020, thôn Thị Nguyên sẽ “về đích” làng văn hóa kiểu mẫu của huyện nhưng năm đó có vụ “vỡ tín dụng đen” lên tới hàng trăm triệu, thế là không hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thảo - Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội, người quê đang mất dần “chất quê”. Nền kinh tế thị trường khiến người ta quên đi những nét văn hoá gốc trong mỗi làng… Rõ ràng, phát triển kinh tế thì ở đâu cũng phải làm, vì kinh tế là yếu tố căn bản bảo đảm cho hạnh phúc. Song, gìn giữ hồn quê, phát huy những giá trị nhân văn trong xây dựng nông thôn mới thì không phải địa phương nào cũng làm được. Làm thế nào để hài hòa giữa đô thị hóa và bảo tồn nét văn hóa truyền thống là câu hỏi rất khó.

Trong rất nhiều lần làm việc với các huyện ngoại thành, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý, các địa phương hiện nay gần như mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng các nhà văn hóa mà chưa quan tâm nhiều đến phát huy những giá trị văn hóa ở cơ sở. Do vậy, phải tìm “lối thoát” để bảo lưu và phát triển những nét đẹp văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi tiến trình đô thị hóa. Những điều tưởng là nhỏ như nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt, ở nông thôn khác so với thành thị, người dân cần phải có sự dung hòa, thay đổi.

Hơn 10 năm Hà Nội triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo, một số địa phương trên địa bàn thành phố đã nỗ lực gắn việc giữ gìn “nếp làng”, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Làng quê ngày một khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành những miền quê đáng sống của người dân trong đời sống hiện đại.

Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng quê đang đổi thay từng ngày, các thiết chế như nhà văn hóa, sân vận động cũng như việc hình thành các đường hoa, đường cây hay cải tạo hồ thành không gian sinh hoạt cộng đồng mang lại giá trị mới cho làng quê. 

Tới các xã của huyện Đan Phượng, nhiều người bất ngờ với tốc độ phát triển tại đất này, những con đường liên xã mở rộng thênh thang, những con đường thôn được trồng hoa, vẽ tranh; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đều khang trang hiện đại tiệm cận với các tiêu chí đô thị... Ao, hồ được gìn giữ, cải tạo vừa chứa đựng “hồn làng”, vừa điều hòa không khí, tạo cảnh quan, môi trường.

Chủ tịch HĐND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: "Mỗi thôn của xã đều có ít nhất một ao, được gọi là "ao môi trường". Trước đây đều là ao tù, nước đọng, chứa đầy rác thải, xây dựng nông thôn mới, theo chủ trương của huyện, xã Song Phượng đã đầu tư kè, tách riêng hệ thống thoát nước thải dân cư, nạo vét bùn đất, lót cát vàng dưới đáy ao, trồng cây xanh, đặt ghế đá quanh ao và giao cho các hội, đoàn thể các thôn quản lý. 

Còn tại xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) nơi có nghề truyền thống làm bún nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hồ chung của 3 thôn Bặt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa rộng gần 10.000m2 trở thành nơi chứa nước thải, rác thải sinh hoạt làng nghề… Để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, người dân nơi đây đã tự nguyện đóng góp kinh phí cùng với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đã cứng hóa toàn bộ hệ thống cống rãnh, nạo vét bùn thải… Giờ đây, khi hồ được cải tạo, kè chắc chắn, người dân lại bơm nước sạch bổ sung rồi trồng sen, trồng súng biến nơi đây trở thành “điểm đến” của làng quê. 

Ông Nguyễn Xuân Bán, ở thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) nói với phóng viên Báo Hànộimới, Liên Bạt nổi tiếng bởi những con người ham học hỏi, biết yêu thương, đùm bọc và có trách nhiệm với quê hương. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, nhà có điều kiện thì hiến đất mở rộng đường làng ngõ, xóm; nhà khác đóng góp kinh phí xây dựng cổng làng… Riêng việc xây dựng cổng làng, các thôn đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, giờ đây, 8/8 thôn đều có cổng làng bề thế, là “món quà” của hôm nay gửi tặng các thế hệ sau, dù đi xa vẫn nhớ về quê hương với cổng làng đong đầy hoài niệm... 

Có thể nói, văn hóa làng căn cốt, là nền tảng phát triển của mỗi làng quê. Vì tình yêu máu thịt với làng quê, người dân sẵn sàng góp công, góp của xây dựng quê hương, làm nên những giá trị văn hóa mới trong đời sống hiện tại.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các thôn đã rà soát, đánh giá lại những phong tục tập quán tốt đẹp trong đời sống cần phải bảo tồn, phát huy và thay đổi những gì không còn phù hợp. Nhiều nét đẹp mới của văn hóa làng mới được ghi nhận như: Việc tang văn minh, cưới tiết kiệm; tổ chức lễ hội vui vẻ, thiết thực, không lãng phí, phô trương. 

Truyền thống lịch sử, văn hóa là nền tảng để xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và trở thành một phường trong tương lai. Ông Nguyễn Đăng Hoan, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở chia sẻ: Xã xác định trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao phải giữ lại bằng được nét đặc trưng văn hóa của làng quê. Đến nay, hầu hết đám cưới đều được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn với hình thức trang trọng, tiết kiệm; các cụ cao niên (trên 80 tuổi) qua đời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đứng ra làm tang lễ và gần 100% người quá cố trên địa bàn đã được hỏa táng… Những việc như chăm sóc cây xanh, nuôi động vật, đổ rác đúng nơi quy định..., người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Với các xã vùng miền núi, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với phát triển kinh tế, những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc đã được lưu giữ và truyền từ thế hệ này sang thế khác. Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Giáp Dần cho biết, bản sắc văn hóa dân tộc Mường là những điệu cồng chiêng, là trang phục, tiếng nói… và đều đã, đang được khôi phục. Từ chỗ mất dần các bộ cồng chiêng, nay xã có 10 thôn thì có tới 13 bộ cồng chiêng và đã thành lập được 20 đội văn nghệ cồng chiêng. Vào mỗi dịp lễ hội, Tết cổ truyền, xứ Mường Yên Bình lại ngân vang những tiếng cồng chiêng rộn ràng thay cho lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. 

Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lại có vùng bán sơn địa, đồng bằng, đồi núi… đã tạo nên phong cảnh tự nhiên không phải nơi đâu cũng có. Mỗi địa phương trong huyện đều có những lễ hội văn hóa riêng gắn với truyền thống của làng, xã. Nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền được lưu giữ, bảo tồn và khôi phục, như: Hát chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; cồng chiêng ở xã mường Tiến Xuân, Yên Bình; các nghề truyền thống như mộc điêu khắc ở Chàng Sơn, Hữu Bằng, chè kho Đại Đồng, chè lam Thạch Xá… 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thạch Thất chất chứa tầng tầng lớp lớp những giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể, đặt chân đến bất kỳ ngôi làng nào cũng có thể dễ dàng “chạm” vào và thời gian như ngưng lại qua những phiến đá ong, những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi… Và bước chân ra phía ngoài cánh cổng làng là một cuộc sống hối hả, bận rộn với nhiều điểm, khu công nghiệp sầm uất. Nhận thức được giá trị văn hóa làng là điểm tựa, cội nguồn để xây dựng cuộc sống mới văn minh hiện đại, vẫn giữ được nét đẹp vốn có của làng quê. Từ nhiều năm nay, huyện đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các địa phương gìn giữ văn hóa làng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, tính đến thời điểm hiện tại, 382/382 xã trên địa bàn Hà Nội đã “về đích” nông thôn mới; có 15/18 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hà Nội cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu… Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội đạt 54 triệu đồng/người/năm, trong đó, một số huyện ven đô có mức thu nhập cao hơn bình quân chung như: Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng… Giờ đây mỗi ngôi làng đã khang trang, sạch đẹp hơn, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã được rút ngắn. 

Những công trình không gian văn hóa làng; những giá trị văn hóa phi vật thể được bảo lưu là nguồn động lực xây dựng nông thôn mới. Văn hóa nông thôn chính là khởi nguồn, là dòng chảy và bản sắc văn hóa sẽ tiếp tục được truyền lửa, tạo ra động lực mới hướng tới tương lai.

Để văn hóa làng thực sự trở thành động lực phát triển của mỗi làng quê, các địa phương cần có những giải pháp cụ thể từ việc quy hoạch không gian đến chính sách phát triển văn hóa. Cùng với đó gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề để nông thôn phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, duy trì nét đẹp truyền thống cho đời sau. 

Thời gian vừa qua, thành phố và các địa phương đã lồng ghép trong nhiều chương trình khác nhau để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng. Và văn hóa của các làng quê không thể như một bản sao, nơi nào cũng giống nơi nào mà mỗi nơi mỗi vẻ “đất có lề, quê có thói”, phù hợp với phong tục tập quán bao đời của người dân. Trên cơ sở đó, làng tiếp tục là điểm tựa là động lực phát triển kinh tế nông thôn và văn hóa người Hà Nội. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, Đan Phượng “đất chật, người đông”, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nếu không có kế hoạch cụ thể để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống thì không thể giữ được. Bài học kinh nghiệm của huyện Đan Phượng là thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch, giữ lại những các ao làng hiện có; tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, tạo sự đồng thuận trong người dân. Đan Phượng đã dành nguồn ngân sách huyện, xã để tập trung đầu tư cải tạo ao, hồ kết hợp với vận động xã hội hóa. 

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Oai… đều có những cách làm sáng tạo và giàu tính thực tiễn. Thời điểm hiện tại, người nông dân vẫn sống nhờ nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp cũng như các nghề truyền thống nhưng không phải là cách thức sản xuất như trước đây. Người nông dân cần thay đổi thói quen canh tác để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao…

Hơn chục năm trước, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín là một làng nghề cây cảnh của Hà Nội, người dân ngày ngày ra đồng trồng cây rồi đem bán khắp nơi. Nhà nào có điều kiện thì hình thành các vườn cây cảnh, cây bonsai. Nhưng nay với tư duy mới của người dân và chính quyền địa phương, Hồng Vân đã thực sự “lột xác” trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp, một “điểm đến” ở ngoại thành. Nơi đây nhà nhà tham gia vào chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Cũng bởi thế, diện mạo làng quê cũng thay đổi chóng mặt: “Không còn một con đường làng nào lầy lội, tất cả đã được bê tông, xóm làng sạch sẽ, văn minh, nhà đã được đánh số, đèn điện, đèn trang trí khắp nơi. Mỗi con đường vào làng được trồng một loài hoa; thay vì trồng hoa cây cảnh bán ra thị trường, người dân đã chế biến ra nhiều sản phẩm như tinh dầu hoa hồng, nước hoa hồng, tinh dầu thảo mộc, trà hoa… giá trị kinh tế tăng lên cả chục lần”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Hồng Vân phát triển nhưng “hồn làng” vẫn được giữ gìn, nhân lên, tỏa sáng; người dân sống với môi trường trong lành, thu nhập ổn định. Làng phát triển mà không bị lai căng, biến thể. Các tục kết chạ, các thiết chế văn hóa, các lễ hội ở các xã… đều được bảo tồn và người dân dù phát triển kinh tế ra sao vẫn không quên các nếp sinh hoạt cộng đồng có từ bao đời. Làng quê luôn là thành trì trước những biến động từ thực tế.

Các mô hình phát triển xanh sạch đẹp, văn hóa làng quê được bảo tồn và phát huy giá trị gắn với du lịch là hướng đi mới của nhiều địa phương hôm nay.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi, nhà văn, nhà báo - Hà Nguyên Huyến, người con làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây nói: “Đi để trở về. Chính cuộc sống gọi mình về làng quê mình”. Đã có những lúc nghĩ, có được nhà ở phố, có một việc làm tốt ở phố là điều may mắn, đi kèm với đó là đời sống sung túc hơn, thu nhập cao hơn… nhưng hóa ra lại thua xa cái nghề làm tương của quê mình; thua xa cái nhà cổ rộng lòng đón khách tới thăm, ăn bữa cơm quê. Ở nơi thôn dã này khi du lịch trải nghiệm được hình thành với nhiều dịch vụ đi kèm, cũng là lúc tôi có thêm nhiều người bạn nước ngoài, nhiều người quen khắp trong Nam ngoài Bắc đến thăm quê. Và chính nội sinh phát triển du lịch đem tới thu nhập cho người dân…”.

Và một trong những ngôi làng cổ hơn 1.000 năm tuổi không chỉ được biết đến với nghề gốm sứ nổi tiếng mà còn chứa đựng một kho tàng văn hóa phi vật thể có giá trị. Nghệ nhân Tô Thanh Sơn ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) chia sẻ: Sinh ra tại Bát Tràng - cái nôi của nghề gốm của Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên gốc rễ, cội nguồn. Truyền thống là hồn cốt, nếu đánh mất thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. Vì thế, con cháu các dòng họ ở Bát Tràng luôn bảo ban nhau giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của địa phương. Khi nền tảng văn hóa vững chắc, thế hệ sau có thêm nhiều điều kiện trong học tập, giao lưu, sáng tạo… thì gốc rễ văn hóa của địa phương lại được thăng hoa lên một tầm cao mới. 

Để mỗi vùng miền có sắc thái riêng, tạo sức hút cho du lịch nông thôn, cần đặc biệt tôn trọng ý kiến người dân khi triển khai các dự án tác động tới cảnh quan, công trình văn hóa. Để sản phẩm của các vùng quê trở thành sản phẩm du lịch, để không gian văn hóa làng trở thành “điểm đến” để tạo động lực mới cho phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản khẳng định, ngoại thành là “mỏ vàng” đầy tiềm năng của du lịch Hà Nội. Nằm trong định hướng phát triển du lịch đồng bộ cả khu vực trung tâm và ngoại thành, nếu phát huy được tiềm năng, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách Hà Nội cũng như các vùng lân cận, góp phần làm phong phú cho du lịch Thủ đô trong tương lai. 

“Và cái đích đến của nông thôn không phải là vươn cho bằng kịp thành phố, phát triển thông minh, hiện đại hóa hết mọi thứ. Mà chính là bảo tồn, nâng tầm giá trị văn hóa, giữ lại cốt cách của làng quê từ cây đa, bến nước, sân đình, tâm tính người nông thôn - người nhà quê…” - ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh. 

Còn Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đặt vấn đề: Làm thế nào để làng quê trở thành điểm đến của nhiều cư dân phố thị, và là nơi trở về của người con quê hương. Đây là bài toán cần nhiều lời giải, những căn cốt vẫn là việc giữ xóm, giữ làng và phải là giữ được văn hóa làng. Bởi nếu được như vậy thì dù quy hoạch gì, làng có lên phố hay không thì văn hóa làng vẫn sẽ trường tồn cùng năm tháng. Đây là giá trị vô hình người ta nhiều khi khó có thể tính toán, định lượng, cân đong, đo đếm qua các bộ tiêu chí, mà là sự cảm nhận máu thịt, và yêu làng, yêu quê từ nét đẹp văn hóa tích tụ bao đời.

Lưu giữ phát triển văn hóa làng chính là để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thông vừa có thể phát triển du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, vừa là xây dựng kiến tạo miền quê đáng sống… Ở đó lớp trẻ được học tập trong môi trường tốt nhất, người già được hưởng các phúc lợi xã hội, người trẻ có việc làm… Làng quê không chỉ là chốn đi về của một lớp người, mà là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, xây dựng những thế hệ kế cận giữ làng, giữ nước, giữ cuộc sống thanh bình, giữ phong tục tập quán, nền nếp làng quê bao đời. Di sản văn hóa làng là “của để dành” cho tương lai.