Cứu bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị que têm trầu đâm gần tim
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:13, 01/04/2023
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, có vết thương tại lưng, các dấu hiệu sống mờ nhạt. Bé A được các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu hồi sức và chuyển ngay lên phòng mổ.
Theo như lời kể của gia đình, khi đang trèo lên ghế, bé A vô tình bị ngã vào que têm trầu để ở bình vôi. Gia đình khi đó rất hoảng hốt và đã rút que têm trầu ra khỏi vết thương. Ngay sau đó, vết thương chảy máu nhiều khiến trẻ tím tái. Lập tức, gia đình đã đưa bệnh nhi đến viện để cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ của Khoa Ngoại đã xác định vết thương rất sâu, mất rất nhiều máu và bệnh nhi đã dần mất ý thức. Với kinh nghiệm lâm sàng nhiều năm, bác sĩ chuyên khoa II Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nghĩ ngay đến vết thương động mạch chủ. Bệnh nhi được đưa lên phòng mổ gây mê, đặt ống nội khí quản, dẫn lưu màng phổi tối thiểu để hạn chế chèn ép và hồi sức duy trì các dấu hiệu sống. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực.
Do đầu que têm trầu nhọn, nên vết thương rất sâu, gần tim, khiến bệnh nhi mất máu nhiều, suy hô hấp, máu tràn vào màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào, vì vậy trên đường di chuyển, bệnh nhi vừa được hồi sức, vừa phải truyền máu. Quá trình cấp cứu khẩn trương và chính xác đã giúp cháu bé qua cơn nguy kịch. Cháu bé đã được các bác sĩ ở Khoa Tim mạch, lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) phẫu thuật thành công.
Sau mổ ổn định, bé A chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn về Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất để theo dõi và điều trị tiếp. Sau nhiều ngày được chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Đến ngày 31-3, bé A được xuất viện.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm, trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trẻ có thể gặp các tai nạn này ở trường học, các khu vui chơi, thậm chí ngay ở nhà.
Khi trẻ bị tai nạn thương tích, các bác sĩ lưu ý, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Khi rút vật nhọn ra khỏi vết thương của người gặp nạn có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến tình trạng có thể nặng nề hơn. Do đó, khi bị vật nhọn đâm vào cơ thể, tốt nhất không nên rút ra, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.