Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:05, 03/04/2023
Cụ thể, trong tuần (từ ngày 24 đến 31-3), tại Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 197 ca mắc sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 124/579 xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 3 ca bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết giảm, thì trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 63 ca tay chân miệng (tăng hơn 1,8 lần so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 248 ca mắc tay chân miệng (trong khi cùng kỳ năm ngoái có 2 ca).
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non, trong đó có 2 ổ dịch trên địa bàn quận Hoàng Mai (mỗi ổ 2 ca bệnh), 1 ổ dịch tại huyện Đan Phượng với 2 ca bệnh; 1 ổ dịch tại huyện Thạch Thất với 10 ca bệnh. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay thành phố ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, đồng thời chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả.
Dự báo, trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, CDC thành phố yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường theo dõi sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Thời điểm này cần tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm bằng nhiều hình thức. Cụ thể, giám sát dựa vào sự kiện thông qua các thông tin phản ánh về dịch bệnh trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, báo chí; giám sát chủ động tại các bệnh viện trọng điểm đóng trên địa bàn thành phố theo phân cấp của Sở Y tế; giám sát dựa vào cộng đồng thông qua trạm y tế và mạng lưới cộng tác viên y tế, y tế thôn; giám sát thông qua hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến của Bộ Y tế. Qua đó, nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát”, CDC thành phố nhấn mạnh.