“Chuông làng nào làng nấy đánh…”

Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 31/05/2009

(HNM) - Trong số ra ngày 15-4-2009, báo K đã đăng bài

(HNM) - Trong số ra ngày 15-4-2009, báo K đã đăng bài "Lễ rước mã làng Quỳnh Lôi chờ ngày tái dựng" của tác giả Lê Cảnh Tuân. Bài báo kể về lễ rước mã tưởng niệm tướng Nguyễn Tam Trinh, vị tướng thời Hai Bà Trưng từng gắn bó cuộc đời và sự nghiệp với nhân dân hai làng Mai Động (quận Hoàng Mai) và làng Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng). Thực tế có phải như vậy không? Xin được giới thiệu bài trao đổi của ông Trần Văn Mỹ để bạn đọc tham khảo và tự rút ra kết luận.

Bài báo viết: "Trại Quỳnh Lôi cách thủ phủ vài dặm đường. Chính đây là nơi đồn trú và luyện tập của dân binh làng chạ xa gần. Võ tướng Nguyễn Tam Trinh trực tiếp luyện cho tướng sĩ biết bơi lặn, tinh thông đường gươm mũi giáo, những miếng vật hiểm hóc và cách đánh gần, lấy ít thắng nhiều (…). Tướng Nguyễn Tam Trinh đã hy sinh trong trận quần nhau với quân giặc Đông Hán do tướng Mã Viện chỉ huy. Làng Quỳnh Lôi dành một gò cao dựng miếu thờ ông ngoài trời, ở giữa quảng trường được xây dựng quy mô bằng đá hoành tráng. Miếu thờ và quảng trường thuộc địa phận dân cư Thắng Lợi làng Quỳnh Lôi. Trước ngày lễ hội rằm tháng ba, dân làng ruớc mã ra miếu (…). Mã được rước là một tướng quân mặc võ phục, cưỡi lên ngựa hồng, kích thước cao to như thật. Theo sau là cỗ kiệu lớn trên đặt một bình tiết trâu (tượng trưng máu của vị anh hùng Nguyễn Tam Trinh). Sau mọi thủ tục, một vị trưởng lão ra hóa mã, vẩy rượu, rắc tiết vào đống tro, tượng trưng cho sự hoàn thiện của cơ thể con người mà đấng tạo hóa đã sinh ra". Kết thúc bài viết tác giả nêu vấn đề "Để quảng bá lễ hội rước mã để người dân và du khách trong và ngoài nước cùng tham gia, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, nên chăng ngành văn hóa cùng chính quyền quận Hai Bà Trưng xem xét nghiên cứu, đầu tư và cho tái dựng. Đây là một lễ hội độc đáo, bổ sung vào danh mục hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa phi vật thể".

Năm 1990, sau hội thảo về danh tính và công trạng của vị tướng này, thành phố đã cho đổi tên đường Nguyễn Tam Trinh thành đường Tam Trinh. Làng Quỳnh Lôi và làng Mai Động chỉ cách nhau một con đường Minh Khai. Đô tướng Tam Trinh là vị tướng tài thời Hai Bà Trưng, chiến đấu và hy sinh ngay trên đất làng Mai Động, được dân làng tôn vinh và thờ làm Thành hoàng làng. Trong những năm 2002 và 2003 tôi sưu tầm tài liệu viết sách "Làng cổ Mai Động và Đức thánh Tam Trinh" (NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2003, tái bản năm 2005) chưa bao giờ thấy nhân dân địa phương nói làng Quỳnh Lôi thờ tướng Tam Trinh. Vậy sự thực là thế nào? Tôi lần giở các tài liệu do các nhà nghiên cứu đã viết về làng Quỳnh Lôi xưa.

Trong báo cáo về thần tích, thần sắc của các chức dịch làng Quỳnh Lôi gửi Viện Viễn Đông bác cổ ngày 10-4-1938 hiện lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có nói làng Quỳnh Lôi khi ấy thuộc tổng Kim Liên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông thờ "ba vị thần là nhân thần cả. Vị thần Đổng Vĩnh và Rượu Vỹ thì không có phả truyền nhưng chỉ có bia và sắc phong. Vị thần Cao Sơn Đại Vương họ Cao tên là Hiển…". Tại điểm h có nói: "Không rõ làng nào trong tổng hoặc ở nơi khác thờ những vị thần này nhưng việc lễ giao hiếu với nhau thì có xã Thanh Trì (thuộc huyện Thanh Trì), xã Mai Động (thuộc huyện Hoàn Long) mà hai xã trên này cũng không thờ chung 3 vị thần kia". Trong sách "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX" (tập 3 - NXB Hà Nội xuất bản năm 1995) trong mục "Làng Quỳnh Lôi", tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết "Quỳnh Lôi khởi thủy là một trại, do một người gốc ở Thanh Hóa làng Quỳnh Lôi; ra làm quan ở Thăng Long dưới triều Hậu Lê lập ra; ông này đưa người làng, người trong họ ra đây sinh sống (…). Xóm mới lập này gọi là Xóm Miếu vì trước đây tại đó mới lác đác ít nhà với một ngôi miếu nhỏ. Bang Bầu bỏ tiền dựng hẳn một ngôi đình mới to hơn, rước bài vị Thành hoàng về đấy. Đình cũ Quỳnh Lôi nay hãy còn ở Xóm Trại, vẫn thờ thần Cao Sơn; đình trùng tu năm Tự Đức thứ 25 (Nhâm Thân 1872), có bia "Tân tạo Quỳnh Lôi đình" do Thám hoa Vũ Thạnh soạn năm 1692, ghi việc tu tạo, và công đức ngôi đình là tiến sĩ Ngô Sách Tuân".

Như vậy, sự kiện Đô tướng Tam Trinh hy sinh năm 43 đến khi làng Quỳnh Lôi được thành lập cách nhau ít nhất 15 thế kỷ thì làm sao ông có thể hy sinh trên đất làng Quỳnh Lôi và dân làng dựng miếu thờ được?

Người xưa có câu "Chuông làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng nấy thờ". Việc tôn vinh các anh hùng đánh giặc giữ nước, các vị tổ nghề, những người khai hoang lập ấp là việc làm thiêng liêng, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội càng là việc cấp thiết nên làm. Nhưng gần đây, ở nhiều nơi đã xuất hiện việc "đánh bóng mạ kền" lịch sử bằng cách hư cấu sự tích và đẩy các niên đại di tích sớm hơn. Buồn hơn, có nơi (xin được miễn nêu tên) đã không thờ "Thánh em" và một mực khăng khăng bảo vị "Thánh anh" ở làng bên cạnh mới là Thành hoàng làng mình, chỉ vì "Thánh anh" có công danh hành trạng lớn hơn. Nhưng đông đảo dân làng lại bảo, chuông làng nào làng nấy đánh, chúng tôi không theo thế, sợ phải tội.

Xin nêu một ví dụ khác. Đền Quán Cổng (tên chữ Linh Quan Từ) làng Mai Động nằm ở phía Bắc phố Minh Khai, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, khởi dựng đầu thế kỷ XX. Đền dựng trên đống Rùa ở gần Quán Cổng. Một thời gian dài, đền do Cô Quế trông nom, nên cùng với tên gọi theo địa danh là Quán Cổng, nhân dân trong vùng còn gọi nôm na là đền Cô Quế. Chuyện đơn giản chỉ có thế nhưng gần đây, tại bìa sách "Tìm trong truyền thống và di sản" (NXB Lao Động xuất bản đầu năm 2009) đã đẩy Cô Quế có tuổi cách nay 19 thế kỷ: "Theo truyền miệng trong vùng thì Cô Quế là người phụ nữ tham gia đội quân của tướng Tam Trinh trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; bà có công giúp dân mở mang sản xuất, phát triển nghề làm đậu phụ làng Mơ, làm từ thiện, xây dựng đền quán. Nhân dân tôn thờ Cô Quế trong đền thờ Thánh Mẫu". Từ chỗ Cô Quế là một người bằng xương bằng thịt, đến nay nhiều bậc cao niên ở làng còn nhớ rõ, nay qua vài điều "truyền miệng" mà bà đã trở thành một con người huyền thoại, với vẻ đẹp lung linh.

Theo cá nhân tôi, viết bài liên quan đến các tư liệu sử, đặc biệt là các phát hiện mới về đất và người Thăng Long - Hà Nội cần được ghi rõ xuất xứ. Việc này ngoài giúp biên tập viên các báo, còn giúp độc giả có thể tìm tài liệu để tra cứu tính xác thực mà người viết cung cấp. Có thế mới tránh được cái sai cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác

Trần Văn Mỹ

ANHTHU