Hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 5 huyện trước khi phấn đấu lên quận
Đời sống - Ngày đăng : 16:08, 03/04/2023
Theo kết luận, trong quý I-2023, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình sản xuất nông nghiệp của thành phố trong quý I-2023 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2022, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thành thủ tục để Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.
Toàn thành phố đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu và giá trị sản xuất... Thành phố đã đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch thành phố đề ra; thành lập được 83 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện như: Chưa quan tâm thích đáng đến đầu tư hạ tầng sản xuất; Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn; Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chính sách đất đai còn nhiều khó khăn; Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp so với nhu cầu theo Bộ tiêu chí mới do Chính phủ ban hành còn khiêm tốn…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị UBND thành phố nghiên cứu thành lập Tổ công tác đánh giá tác động của Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố, đề xuất sửa đổi Nghị quyết, trong đó điều chỉnh, cập nhật những quy định mới của Trung ương, hoàn thành trình HĐND thành phố trong tháng 7-2023.
Các sở, ngành thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các tiêu chí nông thôn mới được giao phụ trách, bám sát chỉ tiêu của Chương trình trong năm 2023 về số xã, huyện nông thôn mới, chủ động hướng dẫn, chỉ đạo huyện, xã triển khai thực hiện nội dung các tiêu chí của ngành, bố trí nguồn lực, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 04, hoàn thiện báo cáo sơ kết trình Thành ủy trước ngày 10-4-2023; giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2023.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng giao các huyện, thị xã: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục; Xây dựng quy hoạch vùng huyện theo đúng nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện đã được thành phố phê duyệt; Tiếp tục rà soát hoàn thành các chỉ tiêu đối với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023; quan tâm đến hạ tầng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị..., quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong vấn đề sản xuất nông nghiệp.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu 5 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức phấn đấu thành quận, tiếp tục rà soát Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận theo Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 ngày 11-7-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận. Phấn đấu hết năm 2023, ít nhất có 2/5 huyện báo cáo thành phố huyện thành quận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn.
Đối với những kiến nghị của các huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát lại các kiến nghị, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.